Tuy các Nghị định chỉ mới là sơ thảo, cuộc Toạ đàm có mục đích ngay từ đầu phải tạo điều kiện để sớm tiếp thu ý kiến đề xuất, thảo luận của các cơ quan thi hành án dân sự-là cơ quan áp dụng trực tiếp các văn bản hướng dẫn này sau khi Nghị định được ban hành, nhằm giúp Cục thi hành án dân sự, Tổ Biên tập xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn được đảm bảo sát thực tế, giúp tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn của hoạt động thi hành án dân sự.
Tham dự Toạ đàm có đại diện của Cục Thi hành án dân sự và Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp, đại diện Tổ Biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về tổ chức thi hành án dân sự; Tổ Biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, các đại biểu là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đăk Lăk, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Hải Dương và thành phố Hà Nội.
Dưới sự đồng chủ toạ của ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự và ông Ishinada, chuyên gia dài hạn, ông Ito, cố vấn trưởng Dự án JICA, Nhật Bản, các đại biểu đã nghe giới thiệu khái quát một số nội dung lớn của Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật thi hành án dân sự, nghe trình bày về kế hoạch của Bộ Tư pháp và Cục thi hành án dân sự triển khai thực hiện hai văn bản quan trọng trên.
Để giúp các đại biểu nắm bắt được nội dung của sơ thảo Nghị định, thuận lợi cho việc thảo luận, góp ý, ông Nguyễn Thanh Thuỷ, thay mặt Tổ Biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về tổ chức thi hành án dân sự và bà Lê Thị Kim Dung, thay mặt Tổ Biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã giới thiệu về bố cục, những nội dung chính của hai dự thảo Nghị định nói trên và những vấn đề cần tập trung thảo luận.
Thảo luận dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về tổ chức thi hành án dân sự, nhiều ý kiến đã tập trung vào các nội dung quan trọng như hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự; tên gọi cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan này, làm rõ vai trò quản lý, mối quan hệ của các cơ quan hữu quan đối với cơ quan thi hành án dân sự; về chức danh Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự. Các ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về các yêu cầu về mức lương và năm công tác đối với các ngạch Chấp hành viên, điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ để phân biệt ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp; việc bố trí Chấp hành viên sơ cấp ở cơ quan thi hành án cấp tỉnh; cách thức tổ chức thi tuyển cho các cơ quan thi hành án địa phương để đảm bảo lựa chọn được cán bộ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao; quy định về chế độ, chính sách, về điều kiện chuyển ngạch; về việc điều động cán bộ từ nơi điều kiện tốt hơn về vùng sâu, vùng xa, về thi đua khen thưởng sao cho hợp lý. Nhiều ý kiến thảo luận về phương án quy định về thành phần của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên; xem xét các quy định về phù hiệu phân biệt giữa cấp tỉnh và cấp huyện, giữa ngạch chuyên môn này với ngạch chuyên môn khác; bổ sung số lượng phù hiệu được cấp; màu sắc, kiểu dáng trang phục thi hành án để phù hợp với tính chất công tác của ngành, thời tiết ở vùng miền. Đại biểu Toạ đàm cũng đặt ra những vấn đề mới như vấn đề ký quỹ, bảo hiểm nghề nghiệp, quỹ bồi thường trong ngành thi hành án.
Các đại biểu cũng góp ý cho cơ cấu, bố cục của Nghị định này, cho rằng cần thiết kế các điều về các cơ quan nên theo hệ thống các cơ quan từ trung ương đến địa phương; cần đưa điều 5 quy định về cơ quan quản lý thi hành án lên trước; kiến nghị bỏ các Điều 9,10,16 vì lặp các Điều 33,34,35.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực từ các đại biểu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Đó là những kiến nghị về việc cần bổ sung quy định những trường hợp đặc biệt không nên tổ chức cưỡng chế thi hành án là những ngày như người phải thi hành án có việc hiếu, việc hỷ, doanh nghiệp phải thi hành án đang trong đợt bị kiểm tra, thanh tra, các ngày Đại hội Đảng bộ, ngày bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; quy định cơ quan thi hành án tiến hành kê biên lại những tài sản mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên để khi thi hành án đảm bảo chính xác, phù hợp với thực tế; bỏ quy định của pháp luật hiện hành về việc phải để lại diện tích đất tối thiểu mà thay vào đó nếu cần thiết thì để lại số lương thực cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình của họ trong một thời gian nhất định; quy định cụ thể về số tiền tối thiểu mà Chấp hành viên phải để lại cho hoạt động kinh doanh cụ thể là bao nhiêu; quy định về quyền cưỡng chế của Chấp hành viên đối với những người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ mà không giao nộp giấy tờ hoặc khoản tiền chưa thanh toán. Kiến nghị cũng cho rằng Nghị định cần bổ sung quy định về nguyên tắc kê biên tài sản phải tương ứng với nghĩa vụ thi hành án trừ những trường hợp đương sự chỉ có một tài sản có giá trị quá lớn; cách thức thi hành án trong những trường hợp thi hành nghĩa vụ song phương; làm rõ trong việc thi hành án lao động mà người sử dụng lao động không chấp hành thì xem xét trách nhiệm của cá nhân hay pháp nhân; sự cần thiết quy định về trình tự, thủ tục, phương thức thi hành các nội dung của bản án, quyết định về tiêu huỷ, nhất là tiêu huỷ ma tuý. Để thuận lợi cho người dân, giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, tốn kém, mất thời gian, nên chăng quy định việc trả lại tài sản cho người được thi hành án nên theo hình thức tay ba giữa cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và người được thi hành án. Cũng có ý kiến băn khoăn về quy định định giá, giảm giá tài sản để bán nhiều lần có thể làm kéo dài quá trình thi hành án; cần quy định việc xác định giá của Chấp hành viên phải thực hiện theo thủ tục nào; những tài sản kê biên có giá trị nhỏ đối với địa bàn vùng sâu vùng xa xử lý ra sao. Từ thực tiễn của địa bàn thi hành án rộng, tình trạng quá tải công việc, có đại biểu cho rằng cần quy định việc thông báo cho đương sự đang chấp hành hình phạt tù thay vì phải thông báo trực tiếp thì chỉ cần gửi qua đường bưu điện; quy định trách nhiệm của đương sự khi thay đổi địa chỉ hoặc khi nhận được thông báo thì phải thông báo cho cơ quan thi hành án biết. Việc sai lệch số liệu giữa thực tế với diện tích đất ghi trong giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất thì số liệu nào sẽ phù hợp; thế nào là tài sản có giá trị nhỏ; thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng; những tài sản như gia súc, gia cầm thuộc diện kê biên mà bị dịch bệnh thì xử lý thế nào, ai chịu trách nhiệm; thủ tục kê biên tài sản đó như thế nào; những tài sản tươi sống này mà ở trên đất phải trả nhưng không ai nhận thì xử lý ra sao. Về hướng dẫn thực hiện biện pháp bảo đảm, đại biểu tham dự toạ đàm cũng cho rằng trong văn bản, thông báo yêu cầu cấm chuyển dịch tài sản gửi các cơ quan, tổ chức liên quan cần ghi rõ trong văn bản đó thời hạn cấm chuyển dịch. Về phí thi hành án, các ý kiến góp ý cho rằng cần bỏ quy định của pháp luật hiện hành về việc sử dụng phí thi hành án theo điều kiện số phí thu của năm sau phải cao hơn năm trước; kiến nghị mức phí thi hành án nên theo một mức cố định như quy định hiện hành nhưng cần theo hướng tăng lên. Về thời hiệu yêu cầu thi hành án, một số đại biểu cho rằng cần làm rõ ý nghĩa của việc hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, làm rõ cách thức xử lý trong trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án có đơn yêu cầu hoặc tự nguyện thi hành án.
Không chỉ riêng các cán bộ thi hành án của các cơ quan thi hành án địa phương quan tâm về thủ tục thi hành án, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã nhiệt tình cung cấp cho các đại biểu các thông tin về cơ chế thi hành án dân sự của Nhật Bản; hệ thống các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án; điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên, cơ chế Chấp hành viên nhận thù lao từ hoạt động tổ chức thi hành án và sự hỗ trợ thu nhập của Nhà nước cho trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, các chuyên gia đã dành thời gian thích đáng cho việc trình bày kỹ hơn về vấn đề thi hành án đối với quyền sở hữu trí tuệ vốn là một nội dung rất mới của Luật thi hành án dân sự. Đó là cơ chế giải quyết các tranh chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ, việc định giá và bán đấu giá đối với quyền sở hữu trí tuệ. Để định giá quyền sở hữu trí tuệ, cần xem xét thị trường lưu thông quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá giá trị hay là ảnh hưởng của thương hiệu đối với thị trường.
Kết thúc Toạ đàm, thay mặt Lãnh đạo Cục thi hành án dân sự và Tổ Biên tập, ông Nguyễn Thanh Thuỷ đã cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của tổ chức JICA nói chung và cá nhân chuyên gia tham dự Toạ đàm nói riêng; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã đóng góp những ý kiến rất xác thực, quan trọng giúp cho Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến phù hợp để thể hiện vào nội dung của các Nghị định. Các đại biểu cũng mong muốn rằng những cuộc Toạ đàm như trên sẽ được tiếp tục tổ chức để cơ quan thi hành án dân sự địa phương được sớm tiếp cận với nội dung văn bản trước khi văn bản được ban hành./.
Trần V. Duy