Công tác trọng tâm của các cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian tới
1. Thi hành án dân sự thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khắc phục tình trạng việc thi hành án tồn đọng; thành lập Tổ công tác lưu động kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án dân sự, qua đó kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc, khó khăn…; định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Uỷ ban nhân dân thành phố. Kinh phí hoạt động của tổ công tác này được hỗ trợ từ nguồn kinh phí quản lý hành chính cho nhóm các đơn vị ngành tư pháp của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tiếp tục duy trì Đề án sử dụng sinh viên hợp đồng tại các cơ quan thi hành án dân sự, với số lượng 60 người, tăng mức tiền lương từ 800.000 đồng/người/tháng lên 1.200.000 đồng/người/tháng.
3. Thi hành án dân sự thành phố có trách nhiệm kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh:
- Đến năm 2010, các cơ quan thi hành án có đầy đủ chức danh Trưởng, Phó Trưởng thi hành án, bổ sung thêm từ 60 – 70 Chấp hành viên, nâng tổng số Chấp hành viên lên 270 – 280 người; bổ nhiệm thẩm tra viên đảm bảo cơ cấu ngạch công chức theo quy định của Bộ Tư pháp.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự, chú trọng đào tạo sau đại học và trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Thi hành án dân sự thành phố chủ động báo cáo Sở Tư pháp làm việc với Ban Tổ chức Thành uỷ và Sở Nội vụ để có kế hoạch cụ thể.
- Rà soát, hoàn thiện các quy định về lề lối làm việc, quy tắc ứng xử, quy chế thực hiện dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ…để tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
4. Thi hành án dân sự thành phố xây dựng Đề án về trang Web và nối mạng nội bộ các cơ quan thi hành án trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.
5. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động thi hành án dân sự, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo nơi phát sinh.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan trên địa bàn thành phố
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương trong việc phối hợp tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn, cụ thể:
- Phối hợp xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan thi hành án dân sự thành phố, Toà án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố trong hoạt động thi hành án dân sự nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.
- Về việc xử lý tang tài vật, tiền, tài sản tồn đọng, các cơ quan Toà án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố tổ chức tổng rà soát để xác định đối tượng tang tài vật, tiền, vàng trong từng vụ án, làm cơ sở xử lý dứt điểm việc thi hành án tồn đọng nhiều năm liền.
- Về việc phối hợp trong định giá tài sản thi hành án, yêu cầu các Sở - ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân quận – huyện thực hiện nghiêm Quyết định số 72/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế định giá tài sản thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố và các quận, huyện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố nhằm nâng cao chất lượng quản lý và chỉ đạo trong thời gian tới.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thành phố xác minh tài sản của doanh nghiệp chậm thi hành án để giải quyết có hiệu quả.
2. Giao Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn hỗ trợ các cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án, làm cơ sở phân loại án và giải quyết án tồn đọng. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ có kế hoạch hỗ trợ kinh phí xác minh từ 20.000 đồng – 25.000 đồng/biên bản xác minh trong thời gian tới.
3. Sở Tư pháp chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong việc thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
4. Triển khai thực hiện thí điểm việc uỷ quyền cho trại giam và trại tạm giam trực tiếp đôn đốc thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước (án phí, tiền phạt, tiền tịch thu sung công, bồi thường cho nhà nước, truy thu thuế, thu lợi bất chính…) mà người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tại trại giam, trại tạm giam, để tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thực hiện nghĩa vụ thi hành án về dân sự, làm căn cứ xét đặc xá hàng năm khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ Công an.
Thi hành án dân sự phối hợp với Công an thành phố tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về thi hành án dân sự cho cán bộ, chiến sĩ, quản giáo các trại giam, trại tạm giam.
5. Thi hành án dân sự thành phố phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Uỷ ban nhân dân các quận – huyện thực hiện xong việc bố trí đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng để các cơ quan thi hành án dân sự xây dựng trụ sở, kho vật chứng theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Tổ thông tin Chi đoàn THADSTP