Năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song tập thể công chức người lao động Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đông Hà đã đoàn kết, bằng sự nỗ lực nội tại; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo ngành, lãnh đạo thành phố; xây dựng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành liên quan nên đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Giải quyết xong 871 việc/1029 việc có điều kiện thi hành và 158.627.835.000 đồng/271.918.596.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 84,6 % về việc và 58,3 % về tiền. Hội nghị đã thảo luận làm rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, nhất là nguyên nhân của hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục cũng như làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trong năm 2025.
Năm 2025, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đông Hà phấn đấu thi hành xong trên 84,10 % về việc và trên 52,05 % về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành; tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tổ chức thi hành các vụ việc về án tín dụng, ngân hàng đảm bảo đạt tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền cao hơn năm 2024; tổ chức theo dõi 100% bản án hành chính phải theo dõi theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy khi có kết luận, quyết định của cấp trên.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Nhật Việt, Chi cục trưởng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tập thể và các cá nhân đã đạt được trong năm 2024, đồng thời chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, yêu cầu khắc phục ngay những mặt công tác còn hạn chế. Năm 2025, trong tình hình tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đơn vị tập trung triển khai các nhóm giải pháp cơ bản sau:
1. Quán triệt, cụ thể hóa để thực hiện các quy định, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ngành và địa phương liên quan công tác thi hành án dân sự; bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu được cấp trên giao để chỉ đạo thực hiện. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là trong phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chủ động, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong thi hành án dân sự.
3. Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể; tổ chức thi hành án nghiêm túc, quyết liệt, đúng thời gian, tiến độ; đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật, vận động tự nguyện thi hành án, hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế.
4. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong nội bộ; giám sát chặt chẽ các vụ việc cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên để thi hành án; thực hiện đúng quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá.
5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thi hành án, giảm tải các thủ tục không cần thiết; áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng cao chất lượng công tác tài chính, kế toán trong thi hành án, không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, tiêu cực trong quản lý tiền, tài sản thi hành án.
Thừa ủy quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Phan Nhật Việt đã trao giấy chứng nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và giấy khen của Tổng cục trưởng cho các đồng chí có thành tích trong công tác năm 2024./.