Dự thảo nêu rõ nguyên tắc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục THADS, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục THADS và các cấp ủy Đảng có thẩm quyền.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương; căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh; theo quy hoạch, kế hoạch, quy định về công tác cán bộ đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
Đồng thời, bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hệ thống THADS; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng, Nhà nước, quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái.
Theo đó, thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức, viên chức Hệ thống THADS được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Người đứng đầu, các thành viên trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự được đề xuất; tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận, nhận xét, đánh giá, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về ý kiến đề xuất, nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, ưu, khuyết điểm đối với nhân sự được đề xuất bổ nhiệm.
Đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, đề xuất nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu quyết định bổ nhiệm chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình; lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về công tác cán bộ.
Người được đề xuất, xem xét bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về việc kê khai lý lịch, hồ sơ cá nhân, kê khai tài sản, thu nhập, giải trình các nội dung liên quan.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể lãnh đạo có ý kiến khác nhau về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức lãnh đạo, thì phải báo cáo đầy đủ lên cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 2 nhân sự có số phiếu ngang nhau (50%) thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.