Sign In

Sóc Trăng thí điểm mô hình “Tổ vận động thi hành án dân sự”

23/02/2018

Để phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, năm 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc nghiên cứu, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tại địa phương cho phép thí điểm thành lập mô hình “Tổ vận động thi hành án dân sự”.
Kết quả vận động thí điểm tại 03 đơn vị cấp huyện, bao gồm: huyện Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu, về cơ bản, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã thành lập Tổ vận động, qua đó nâng cao chất lượng công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục các đương sự tự nguyện thi hành án. Kết quả, tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng đã đưa ra vận động “rút án” đối với 225 việc tương ứng với số tiền trên 2 tỷ đồng, thi hành xong 65 việc, đạt tỷ lệ 28,44% về việc tương ứng với trên 420 triệu đồng, đạt tỷ lệ 17,76%. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu, số việc đưa ra vận động là 240 việc, trong đó án khó khăn phức tạp là 04 vụ việc, thi hành xong 107 việc, đạt 62,87%, số tiền đưa ra vận động là trên 34 tỷ đồng, thi hành xong trên 7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,12%. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên vận động 983 việc, thi hành xong 600 việc, đạt tỷ lệ 75,66%, số tiền vận động thi hành là gần 39 tỷ đồng, thi hành xong trên 5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,67%.
Nhìn chung, việc thí điểm mô hình “Tổ vận động thi hành án dân sự” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã góp phần giúp chính quyền cấp xã nắm rõ hơn về tình hình giải quyết tranh chấp và hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn mình quản lý. Thành viên Tổ vận động là người địa phương nên nắm rõ về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm lý người dân trên địa bàn nên cách tiếp cận giải thích, động viên hiệu quả hơn. Đối với người phải thi hành án là lao động tự do, không thường xuyên có mặt tại địa phương thì thành viên Tổ vận động dễ tiếp cận để động viên thực hiện nghĩa vụ thi hành án, kể cả vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, trong khi đó Chấp hành viên không thể tiếp cận họ vào thời gian này để vận động họ thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Ngoài ra, đối với các cơ quan thi hành án dân sự và các Chấp hành viên, việc xây dựng kế hoạch xác minh và giải quyết án trên địa bàn gửi trước cho Ủy ban nhân dân cấp xã để phối hợp nên không bị động do đó hiệu quả công tác thi hành án cao hơn. Đặc biệt, qua việc thí điểm mô hình nêu trên, các cơ quan thi hành án dân sự tìm được một cơ chế hữu hiệu vận động các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận trong thi hành án, các cơ quan nhà nước giảm việc tổ chức cưỡng chế, giảm chi phí thời gian, tiền bạc, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương, góp phần hàn gắn được tình làng, nghĩa xóm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của Tổ vận động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng còn bộ lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là do mới được thành lập nên Tổ hoạt động còn chưa đồng bộ, sự phối hợp giữa các thành viên trong Tổ chưa nhịp nhàng. Một số Chi cục chưa đưa ra danh sách cụ thể, phù hợp với khả năng của Tổ để vận động dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả của Tổ. Chi cục cũng còn chưa thông tin kịp thời về nội dung vụ việc, trách nhiệm phải thi hành án của người phải thi hành án cho Tổ vận động biết, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ hoạt động. Ngoài ra, đa phần thành viên Tổ vận động hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn, cũng như chưa nắm rõ những quy định về lĩnh vực thi hành án nên có lúc vận động chưa đúng trọng tâm và thuyết phục được người phải thi hành án. Một vài thành viên Tổ vận động tham gia hoạt động còn mang tính hình thức, chưa nhiệt tình, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong hoạt động, còn tâm lý coi công tác thi hành án dân sự là của cơ quan thi hành án dân sự. Kinh phí hoạt động của Tổ vận động chủ yếu từ nguồn tự chủ của cơ quan thi hành án dân sự, chưa được cấp kinh phí hoạt động cũng như sự hỗ trợ từ địa phương.
Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh cho phép triển khai mô hình đến Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện theo hướng tiếp tục mở rộng, nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh, đồng thời, đề xuất Ủy ban nhân dân hỗ trợ một phần kinh phí cho các thành viên Tổ vận động để bảo đảm hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, góp phần ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn địa phương.
Có thể nói, tự nguyện thi hành án là cách thức các đương sự bàn bạc, lựa chọn để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Như vậy, tự nguyện thi hành án là phương thức giúp giữ gìn tình thân ái, đoàn kết và ổn định xã hội một cách lâu dài và bền vững nhất. Từ góc độ quản lý nhà nước, việc tự nguyện thi hành án sẽ góp phần giúp cơ quan thi hành án dân sự rút ngắn thời gian thi hành án thông qua việc giảm đến mức thấp nhất thời gian xác minh điều kiện thi hành án; kê biên, bán đấu giá tài sản, giảm chi phí thi hành án, hạn chế rủi ro cho Chấp hành viên thực thi nhiệm vụ trước sự cản trở, chống đối của đương sự, giảm số việc khiếu nại, tố cáo, nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014) yêu cầu phải công khai, minh bạch về quyền, nghĩa vụ thi hành án, có quy định "khi ra bản án, quyết định, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án" (Ðiều 26). Trong quá trình thi hành án, Nhà nước luôn khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thậm chí coi thường pháp luật, cố tình trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng dư luận xã hội có lúc chưa có thái độ phê bình, lên án kịp thời, bên cạnh đó cũng chưa có cơ chế hòa giải, thuyết phục một cách hữu hiệu đối với các đương sự trong thi hành án dân sự. Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; hoàn thiện thể chế về hòa giải trong thi hành án dân sự; công khai, minh bạch các “khâu” thi hành án từ xác minh điều kiện thi hành án cho đến đấu giá tài sản, đã đến lúc dư luận xã hội cần bày tỏ thái độ nghiêm khắc, lên án mạnh mẽ đối với những trường hợp thiếu ý thức chấp hành pháp luật, coi thường pháp luật, chây ỳ, trốn tránh, chống đối việc chấp hành bản án, bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp cũng cần tăng cường công tác thuyết phục, hòa giải, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để nhân rộng cân mô hình “Tổ vận động thi hành án dân sự” như trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.


Theo http://thads.moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: