Sign In

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng: Tổ chức Hội nghị chuyên đề về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự

11/05/2017

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng: Tổ chức Hội nghị chuyên đề về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự
     Sáng ngày 09/5, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị chuyên đề về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự, chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Tuyết Liên và đồng chí Lư Thanh Dũng - Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, đồng chí Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Về thành phần tham dự có đại diện Lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo, Chấp hành viên, Thư ký thuộc cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp.
 
     Trong thời gian qua, công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm, như: Một số Bản án tuyên không rõ khó thi hành; việc thi hành những Bản án giao con khó được thực hiện trong thực tiển; sự phối hợp cùng với Văn phòng, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trong tỉnh còn chưa chặt chẽ; công tác xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án còn thiếu sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan…
 

 
     Qua trao đổi tại Hội nghị các ngành, đơn vị cũng cho biết việc các cơ quan Thi hành án dân sự gặp do khó khăn, vướng mắc một phần là do các Chấp hành viên không chủ động phối hợp và thực hiện xác minh, thi hành chưa đúng quy định.
     Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lư Thanh Dũng đề nghị các cơ quan Thi hành án dân sự cần tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành án đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài và những vụ việc gặp khó khăn trong công tác phối hợp; chủ động báo cáo, xin ý kiến khi có vấn đề phát sinh. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức đánh giá, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, thiếu sót trong việc tổ chức thi hành án dân sự. Mỗi Chấp hành viên phải chủ động phát huy vai trò của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đối với Tòa án, trong quá trình xét xử ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật cần phải xem xét đến tính cụ thể, chính xác tài sản liên quan vụ án để tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên thực tế. Việc án tuyên không rõ và khi có văn bản đề nghị giải thích, Tòa án phải sớm có văn bản trả lời đầy đủ, chính xác. Còn đối với cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân phải kiểm sát chặt chẽ việc ban hành các bản án, quyết định của Tòa án. Khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành thực tế thì phải kịp thời kiến nghị, kháng nghị theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án dân sự để kịp thời phát hiện sai sót để trao đổi, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng khắc phục hoặc xử lý các hành vi vi phạm. Riêng đối với các cơ quan phối hợp phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi có yêu cầu liên quan đến hoạt động của đơn vị, giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
QVP&SM

Các tin đã đưa ngày: