Sign In

Quy trình hướng dẫn tống đạt văn bản về THADS

25/07/2017

Quy trình hướng dẫn tống đạt văn bản về THADS
Tống đạt văn bản về thi hành án dân sự (còn được gọi là thông báo về thi hành án dân sự (THADS)) là việc người có thẩm quyền thực hiện việc chuyển tải giấy tờ chứa đựng thông tin về thi hành án cho người được thông báo theo trình tự, thủ tục nhất định, nhằm bảo đảm cho việc thi hành án đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án. Đây là một hoạt động diễn ra thường xuyên, thể hiện sự dân chủ với dân trong hoạt động của cơ quan thi hành án, để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hoạt động của Chấp hành viên, công chức thi hành án; đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, quyền được biết và tham gia vào việc thi hành án của các đương sự mà pháp luật đã quy định. Việc thông báo cho các đương sự biết về thi hành án được thực hiện đúng quy định sẽ hạn chế được những khiếu nại, tố cáo về thi hành án của đương sự. Do đó, việc thông báo trong THADS có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những giúp đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động thi hành án dân sự mà còn là cơ sở để áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo…. Nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của hoạt động thông báo thi hành án, bên cạnh đó nắm vững, hiểu rõ, cũng như áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thông báo thi hành án sẽ giúp Chấp hành viên và cơ quan THADS tránh được những vi phạm làm phát sinh khiếu nại, tố cáo khi đương sự, người có quyền lợi liên quan cho rằng mình không nắm được nội dung của các văn bản, giấy tờ do cơ quan THADS phát hành.
Quy trình hướng dẫn tống đạt văn bản về THADS giúp cho người thực hiện tống đạt nắm được về trình tự, thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản THADS, cụ thể như sau:
1. Thông báo các văn bản về THADS.
1.1. Nội dung cần nắm được trước khi thực hiện việc thông báo.
- Thông báo là chuyển tải nội dung đến đối tượng được thông báo, qua đó để cho họ biết và tham gia vào việc thi hành án, nhằm tạo điều kiện và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được thông báo.
- Văn bản cần được thông báo: tại khoản 1 Điều 39 Luật THADS quy định các văn bản thuộc diện phải thông báo:
+ Quyết định về thi hành án như: Quyết định THA, Quyết định uỷ thác THA, Quyết định chưa có điều kiện THA, Quyết định cưỡng chế, áp dụng các biện pháp bảo đảm THA…Tóm lại, Quyết định về THADS được mẫu hoá theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp.
+ Giấy báo, giấy triệu tập: là văn bản thông báo cho đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan đến giải quyết hoặc tham gia vào việc THA. (biễu mẫu số D 01-THADS, D 02-THADS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016)
+ Văn bản khác có liên quan đến việc THA: là loại văn bản phát sinh trong quá trình tổ chức THA mà không phải là quyết định về THA hoặc giấy báo, giấy triệu tập. Văn bản khác được thể hiện dưới dạng thông báo hoặc công văn như: thông báo từ chối nhận đơn yêu cầu THA, thông báo tạm đình chỉ THA, thông báo cưỡng chế…công văn đề nghị phối hợp trong THADS, công văn yêu cầu cung cấp thông tin tài sản…    
Như vậy, hầu hết các văn bản liên quan đến quá trình tổ chức thi hành án đều phải được tống đạt cho đương sự.
 - Xác định đối tượng được thông báo: đối tượng được thông báo có thể biết được qua Bản án, Quyết định của Toà án, Quyết định thi hành án như: người được THA, người phải THA, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đối tượng được thông báo phụ thuộc vào nội dung của từng văn bản thông báo.
1.2. Thời hạn thực hiện thông báo:
- 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản (theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật THADS).
Ví dụ: ngày ban hành quyết định là 01/10/2010 thì được thực hiện thông báo trong ngày 02,03,04/10/2010 (theo Điều 147 Bộ Luật Dân sự quy định: khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định).  
- Luật THADS cũng quy định trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA thì không cần thiết phải thực hiện thông báo trong 03 ngày làm việc, mà phải thực hiện ngay việc thông báo hoặc tuỳ tính chất của vụ việc mà áp dụng cho phù hợp như: lập biên bản ngăn chặn, xác minh…
1.3. Hình thức thông báo.
Được quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật THADS.
- Thông báo trực tiếp:
+ Giao trực tiếp văn bản thông báo cho người được nhận thông báo và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.
+ Người được thông báo từ chối hoặc không nhận, thì lập biên bản về việc từ chối nhận hoặc không nhận văn bản thông báo, biên bản phải ghi rõ lý do và phải có chữ ký của người làm chứng (quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Trường hợp này, trước khi lập biên bản thì người giao văn bản nên đọc to, rõ nội dung của văn bản và việc làm này phải được ghi vào biên bản, đồng thời để biên bản có giá trị pháp lý cao thì cần phải có xác nhận và đóng dấu của địa phương.
+ Người được thông báo vắng mặt tại nơi cư trú, thì giao văn bản cho người thân cùng nơi cư trú (quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật THADS và Điều 40 Bộ Luật Dân sự) mà họ đồng ý nhận thay thì đề nghị họ ký nhận, ghi rõ quan hệ giữa họ với người được thông báo và cam kết giao văn bản lại cho người được thông báo. Trường hợp không có người thân hoặc có nhưng họ không đồng ý nhận thay thì lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo và phải có chữ ký của người chứng kiến (để biên bản có giá trị pháp lý cao thì cần phải     có xác nhận và đóng dấu của địa phương) và thực hiện việc niêm yết công khai    tại: trụ sở cơ quan THADS, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi     cư trú cuối cùng của người được thông báo. (quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật THADS và khoản 6 Điều 2 Thông Tư Liên Tịch số 11/2016/TTLT-BTP-BCA-VKSNDTC)    
+ Người được thông báo chuyển đến địa chỉ mới và đã có thông báo cho Chấp hành viên biết thì thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới. Trường hợp họ không thông báo địa chỉ mới thì thực hiện thông báo theo địa chỉ trước đó được coi là hợp lệ. (quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)
+ Người được thông báo có yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS. (quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)
+ Trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện; người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường vắng mặt ở nhà    vào giờ hành chính; các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn   thì việc thông báo được thực hiện qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm. (quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông Tư Liên Tịch số 11/2016/TTLT-BTP-BCA-VKSNDTC)
+ Trường hợp người được thông báo đang bị giam, tạm giam thì việc thông báo được thực hiện theo địa chỉ nơi người đó đang bị giam, tạm giam. Khi thực hiện nên kèm theo công văn đề nghị giám thị Trại giam chuyển cho người được thông báo và gửi lại biên bản tống đạt cho cơ quan THADS. (quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông Tư Liên Tịch số 11/2016/TTLT-BTP-BCA-VKSNDTC)    
+ Người được thông báo có uỷ quyền thì việc thông báo các văn bản về thi hành án được thực hiện đối với người được uỷ quyền. (quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông Tư Liên Tịch số 11/2016/TTLT-BTP-BCA-VKSNDTC)    
+ Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. (quy định tại Điều 41 Luật THADS)
- Niêm yết công khai:
Người thực hiện thông báo chỉ được niêm yết công khai văn bản thông báo trong hai trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật THADS như sau:
+ Khi không rõ địa chỉ của người được thông báo như: người được thông báo đã bỏ địa phương, sống lang thang hoặc ở nơi khác mà cơ quan THADS và địa phương không biết được tại thời điểm thông báo.
+ Không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp: được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật THADS như sau:
F Người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về.
F Người được thông báo vắng mặt và tại nơi ở không có người thân thích đủ năng lực hành vi dân sự.
F Người được thông báo vắng mặt và tại nơi ở có người thân thích đủ năng lực hành vi dân sự nhưng họ từ chối không nhận văn bản thông báo.      
Như vậy, khi gặp các trường hợp trên thì người thông báo phải lập ngay biên bản về việc không thực hiện được thông báo trực tiếp và đồng thời lập biên bản niêm yết tại: trụ sở cơ quan THADS, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo (được quy định khoản          2 Điều 42 Luật THADS và biên bản niêm yết được lập theo biễu mẫu số D 34-THADS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016)
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng:
Việc thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ áp dụng thực hiện trong 02 trường hợp sau:
+ Khi pháp luật có quy định: là thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 và trường hợp “đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải  xác minh... Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương...” theo khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016.
+ Khi đương sự có yêu cầu: trường hợp này chỉ thực hiện khi đương sự có yêu cầu và chỉ khi có yêu cầu thì cơ quan THADS mới thực hiện, tuyệt đối không chủ động thực hiện khi pháp luật không quy định và khi đương sự không yêu cầu (nếu chủ động thực hiện thì sẽ không thanh toán chi phí thông báo được, vì khoản chi phí này không thuộc quy định mà người phải THA, người được THA và ngân sách NN phải chịu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 73 Luật THADS). Khi thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì cần phải lưu ý hai trường hợp sau:    
F Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.
F Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp. (Báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương như: đài truyền hình kênh VTV1, VTV3...)
2. Những thông báo về thi hành án dân sự cần phải tống đạt.
- Thông báo về việc từ chối nhận yêu cầu thi hành án
- Thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án
- Thông báo về việc thụ lý/ không thụ lý đơn khiếu nại (tố cáo) thi hành án
- Thông báo về việc giải quyết tố cáo
- Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án
- Thông báo về việc bán đấu giá tài sản  
- Thông báo về việc bán tài sản
- Thông báo về việc giao tài sản
- Thông báo về việc nhận tiền, tài sản
- Thông báo về việc tổ chức bán đấu giá
- Thông báo về việc người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án
- Thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành 
- Thông báo về kết quả thẩm định giá 
- Thông báo về việc nhận yêu cầu thi hành án
- Thông báo về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án
- Thông báo về việc xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thi hành án...
- Ngoài những thông báo về thi hành án trên trong quá trình tổ chức thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên còn ban hành các văn bản khác như: Giấy triệu tập, giấy báo, giấy mời, công văn...
3. Những quyết định về thi hành án dân sự cần phải tống đạt.
- Quyết định về việc thi hành án chủ động
- Quyết định về việc thi hành án theo yêu cầu
- Quyết định về việc hoãn thi hành án
- Quyết định về việc tạm đình chỉ thi hành án
- Quyết định về việc đình chỉ thi hành án
- Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án
- Quyết định về việc tiếp tục thi hành án
- Quyết định về việc ủy thác thi hành án
- Quyết định về việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án
- Quyết định về việc thu hồi quyết định về thi hành án
- Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án
- Quyết định về việc hủy quyết định thi hành án
- Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 
- Quyết định về việc phong tỏa tài khoản, tài sản
- Quyết định về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ 
- Quyết định về việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ                                                   
- Quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản                                                 
- Quyết định về việc chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản
- Quyết định về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản                                                  
- Quyết định về việc khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án
- Quyết định về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
- Quyết định về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án
- Quyết định  về việc thu tiền của người phải thi hành án
- Quyết định về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ
- Quyết định về việc thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án
- Quyết định  về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản
- Quyết định về việc kê biên quyền sở hữu trí tuệ
- Quyết định về việc giảm giá tài sản 
- Quyết định về việc giải tỏa kê biên tài sản 
- Quyết định về việc cưỡng chế khai thác tài sản 
- Quyết định về việc chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản
- Quyết định về việc giải tỏa việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án
- Quyết định về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nếu có)
- Quyết định về việc cưỡng chế trả vật
- Quyết định về việc cưỡng chế trả nhà, giao nhà
- Quyết định về việc cưỡng chế giao, trả giấy tờ
- Quyết định về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
- Quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện công việc
- Quyết định về việc cưỡng chế không được thực hiện công việc
- Quyết định về việc cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng
- Quyết định về việc cưỡng chế nhận người lao động trở lại làm việc
- Quyết định về việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá
- Quyết định về việc giao tài sản cho người được thi hành án
- Quyết định về việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự
- Quyết định về việc thu phí thi hành án dân sự
- Quyết định về việc miễn, giảm phí thi hành án dân sự
- Quyết định về việc thu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự 
- Quyết định về việc miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự
- Quyết định về việc rút hồ sơ thi hành án
- Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh (đối với người nước ngoài)
- Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh (đối với người Việt Nam)
- Quyết định về việc gia hạn tạm hoãn xuất cảnh (đối với người nước ngoài)
- Quyết định về việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh (đối với người nước ngoài)
- Quyết định về việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh (đối với người Việt Nam)
- Quyết định về việc giải quyết khiếu nại... 
4. Những điểm cần lưu ý khi thực hiện thông báo các văn bản về THADS.
- Khi được giao thực hiện việc tống đạt các văn bản thi hành án dân sự thì người tống đạt phải xác định đó là văn bản thông báo gì. Đối với những văn bản thông báo thông thường như: giấy báo, giấy mời, thông báo nhận tiền tài sản...thì việc thông báo dễ thực hiện và không gặp khó khăn trong việc tống đạt, còn những văn bản thông báo có tính chất khó khăn như: quyết định thi hành án, quyết định kê biên, quyết định cưỡng chế…thì việc thông báo sẽ khó thực hiện, người thực hiện thông báo phải xác định tính quan trọng, cấp thiết của văn bản, thời hạn thực hiện, đối tượng nhận thông báo…Từ đó, người thực hiện lựa chọn phương thức, cách thực thiện tống đạt cho phù hợp.
- Người thực hiện tống đạt phải chuẩn bị các biên bản cần thiết cho việc tống đạt, khi thực hiện tống đạt thì tuỳ tính chất của vụ việc mà thực hiện việc lập biên bản cho phù hợp đúng quy định như: biên bản về việc giao quyết định, văn bản về thi hành án; biên bản về việc không thực hiện được thông báo về thi hành án; biên bản về việc niêm yết công khai quyết định, văn bản về thi hành án; biên bản về việc từ chối nhận thông báo...
- Phải biết về địa chỉ, nơi cư trú, tạm trú, chỗ ở của người được tống đạt ở đâu, địa điểm nào. Từ việc xác định được địa chỉ, nơi cư trú, tạm trú, chỗ ở của người được tống đạt sẽ giúp cho người thực hiện thông báo thuận tiện hơn trong việc đi tống đạt và việc tống đạt được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả.    
- Chuẩn bị trong việc phối hợp với địa phương: khi thực hiện tống đạt văn bản THADS có tính chất quan trọng, xác định được người nhận thông báo không chịu hợp tác, thường xuyên vắng mặt tại địa phương…thì người thực hiện thông báo cần phải liên hệ trước với chính quyền địa phương để mời tham gia chứng kiến, cũng như một số trường hợp cần phải đảm bảo sự khách quan, hợp lệ của việc tống đạt văn bản THADS. Trên thực tế, người thực hiện tống đạt văn bản THADS thường ít khi chủ động liên hệ trước với chính quyền địa phương, thường là xuống trực tiếp rồi đến liên hệ địa phương và nhờ địa phương hỗ trợ cử người tham gia, chứng kiến việc tống đạt, những trường hợp này thường gây khó khăn cho địa phương trong việc phân công người tham gia hỗ trợ, chứng kiến việc tống đạt văn bản thi hành án, dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện tống đạt, có trường hợp việc tống đạt không đạt kết quả hoặc biên bản tống đạt thiếu người chứng kiến, không đúng quy định…    
Đặng Hồng Tuấn

Các tin đã đưa ngày: