Đây là vấn đề mà tác giả bài viết muốn đề cập đến qua thực tiễn tổ chức thi hành án giao con theo án tuyên. Có thể nói việc tổ chức thi hành án giao con là công việc khó khăn mà Chấp hành viên làm công tác thi hành án phải trăn trở nghiên cứu,tìm hiểu về quyền trẻ em và tâm lý của người được quyền nuôi dưỡng để từ đó lựa chọn phương pháp thi hành án phù hợp nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng tâm lý phát triển của trẻ khi tổ chức thi hành án giao cho bên có nghĩa vụ nuôi dưỡng…
Xuất phát từ việc làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em và không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi bố mẹ của trẻ không còn sống chung với nhau dẫn đến phải đưa ra Tòa án giải quyết ly hôn…rồi đến giai đoạn tổ chức thi hành đối với án ly hôn, phân chia tài sản sau ly hôn, giao con cho người có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo bản án tuyên cho thấy việcthi hành án dân sự giao con trong các vụ tranh chấp hôn nhân và gia đình hoặc thuận tình ly hôn khó khăn như thế nào trong thực tiễn tổ chức thi hành án.
Qua số liệu thống kê của Hệ thống Thi hành án dân sự tổng kết hàng năm cho thấy sốvụ việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình ngày một gia tăng về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Trong 2 năm 2016 - 2017 số việc liên quan đến án hôn ngân và gia đình được các cơ quan thi hành án nói chung và cụ thể ở thành phố Tuy Hòa nói riêng, thụ lý chiếm tỷ lệ gần 30 % tổng số vụ việc thụ lý hàng năm,trong đó có không ít vụ việc phải thi hành án giao con. Năm 2016 thụ lý án hôn nhân và gia đình với 653 việc; năm 2017 thụ lý gần 700 việc. Đây là một con số không hề nhỏ so với các vụ việc tranh chấp khác mà cơ quan thi hành án dân sự thành phố Tuy Hòa đã thụ lý trong năm.
Để thấy được khó khăn trong việc thi hành án giao con, có thể đơn cử một số vụ việc trong thực tiễn như sau: Đó là vụ ly hôn đã được Tòa án nhân dân thành phố T tuyên xử: Ông Nguyễn Ngọc Q; ở thành phố T, có trách nhiệm giao con Nguyễn Gia H, sinh ngày 30/7/2013 cho bà Trần Thị L trực tiếp nuôi dưỡng.
Sau khi bà Trần Thị L có đơn yêu cầu thi hành án và được thụ lý ra quyết định thi hành án theo đúng thời gian quy định. Quá trình thi hành án đã nhiều lần vận động thuyết phục và giải thích cho các bên đương sự biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật cũng như vấn đề căng thẳng giữa các bên sẽ là ảnh hưởng đến tâm lý phát triển của đứa trẻ…
Sau thời gian vận động, thuyết phục người phải thi hành án cũng tự nguyện thi hành việc giao con theo án tuyên và hẹn đến ngày 10/8/2017 có mặt tại cơ quan thi hành án để lập biên bản giao con theo quyết định. Chấp hành viên tưởng chừng vụ việc gần như đã kết thúc, nhẹ nhàng hơn, cảm thấy phương pháp và kỹ năng thuyết phục đã hiệu quả không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao con theo quy định tại Khoản 6 Điều 71, Điều 120 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Cơ quan Thi hành án dân sự đã lập biên bản giao nhận con theo án tuyên và theo sự thỏa thuận của các bên đương sự. Nhưng đến phút cuối cùng thì bà L thay đổi ý kiến và gây khó khăn. Bà L không muốn nhận con mà còn yêu cầu cơ quan thi hành án phải giao các giấy tờ tùy thân cho cháu hoặc đưa ra các điều kiện khác không được ghi nhận trong Bản án…
Mặt khác đứa trẻ phải giao không chịu về ở với mẹ, cháu có biểu hiện buồn và khóc như oán trách cha mẹ bỏ rơi không chịu nuôi cháu… Còn bà L lại từ chối nhận con trước mặt đứa trẻ rồi tiếp tục khiếu nại khắp nơi…
Trước hoàn cảnh và tâm lý của đứa trẻ, Chấp hành viên không khỏi băn khoăn suy nghĩ và buồn thay cho cháu bé… Thế là vụ việc người phải thi hành án tự nguyện cũng không đơn giản kết thúc được.
Trường hợp khác cũng phải giao con theo án tuyên nhưng người phải thi hành án không tự nguyện giao con mà còn gây khó khăn. Mỗi khi cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương đến nhà giải quyết hoặc thực hiện theo Kế hoạch cưỡng chế thì họ đã cho đứa trẻ trốn đi nơi khác hoặc giằng co không chịu giao con…
Đứa trẻ ngây thơ khi nhìn thấy đông người với lực lượng công an bảo vệ cưỡng chế thì lo sợ la khóc… Có nhiều trường hợp giao con rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi đứa trẻ sợ hãi, không muốn về ở với mẹ hoặc cha…
Vì thế, trong hoạt động thi hành án, việc thi hành án giao con theo án tuyên là một trong những việc khó khăn nhất và đôi khi cũng không thể thi hành dứt điểm được, dẫn đến đơn thư khiếu nại. Cơ quan thi hành án chưa tổ chức giao đứa trẻ kịp thời theo quy định thì cũng thấy có phần thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ đứa trẻ về với bên được quyền nuôi dưỡng…
Tổ chức thi hành án giao con theo án tuyên lại gặp phải nhiều trường hợp vừa khó khăn ở giai đoạn tổ chức thi hành vừa vướng mắc áp dụng quy định pháp luật vào thực tiễn trong trường hợp nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành dẫn đến phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Đây là công việc buộc người phải thi hành án thực hiện việc giao con, nếu không giao sẽ xử phạt hành chính, không đạt hiệu quả thì có thể lập hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).
Những giải pháp và đề xuất nâng cao hiệu quả thi hành án giao con
Thứ nhất, để việc thi hành án dân sự về giao con theo án tuyên được thuận lợi và đạt hiệu quả cao cần phải có sự hợp sức và phối hợp nhịp nhàng cả hệ thống trị từ giai đoạn thuyết phục đến khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Thứ hai, sửa đổi bổ sung những quy định về xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên khi thực hiện loại việc này, bởi vì hiện nay mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong THADS đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án chưa có sự thống nhất, tại khoản 1 Điều 165 Luật THADS quy định người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hóa quy định này, tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định.
Tại Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và tại Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP nêu trên quy định Chấp hành viên được phạt cảnh cáo và phạt tiền đến mức 500.000 đồng; Chi cục trưởng được phạt tiền đến mức 2.500.000 đồng. Như vậy, đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định là không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên, Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện nên cũng vướng mắc ở thực tiễn áp dụng phải lập hồ sơ trình Cục trưởng ra quyết định xử phạt hành chính…
Thứ ba, trong giai đoạn xét xử cũng như giai đoạn thi hành án nên thực hiện tốt công tác hòa giải và thuyết phục các bên đương sự tự nguyện trong việc giao nhận con để hạn chế tối đa phải tổ chức thi hành cưỡng chế việc giao con sẽ ảnh hưởng không ít đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ em khi phải áp dụng biện pháp cưỡng chế và bắt trẻ chứng kiến những hoàn cảnh giằn co, lôi kéo để về bên được quyền nuôi dưỡng…
Thứ tư, cần tuyên truyền các quy định về lĩnh vực hôn nhân và gia đình để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế trình trạng án hôn nhân và gia đình tăng cao theo hàng năm; quan tâm bảo vệ đến quyền trẻ em và bổn phận của trẻ sau khi ly hôn, nhằm góp phần cho xã hội phát triển toàn diện hơn, đời sống tinh thần và vật chất được nâng cao hơn.
Theo http://thads.moj.gov.vn