Sign In

Trường hợp chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự do ngân sách nhà nước đảm bảo

27/01/2021

Trường hợp chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự do ngân sách nhà nước đảm bảo
Theo quy định của pháp luật, chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự có thể do người phải thi hành án, người được thi hành án, do người thứ ba chịu hoặc do ngân sách nhà nước đảm bảo. Trong khi chưa thu được chi phí cưỡng chế thi hành án do các bên chịu, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ứng trước kinh phí cho các chấp hành viên để tổ chức cưỡng chế thi hành án từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan thi hành án dân sự.
 
Trong điều kiện hiện tại của các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thanh hóa, nguồn dự toán được giao để thực hiện cho tạm ứng cưỡng chế rất hạn hẹp, cả tỉnh được ngân sách nhà nước giao625 triệu đồng; việc thu hồi kinh phí đã tạm ứng để quay vòng cho ứng cưỡng chế các vụ khác nhiều trường hợp gặp khó khăn. Có những vụ việc thi hành án kéo dài nhiều năm, với chi phí cưỡng chế đã tạm ứng lớn nhưng chưa thu hồi được do nhiều nguyên nhân như không bán được tài sản cưỡng chế, không thu được chi phí cưỡng chế do người phải thi hành án không có khả năng thanh toán hay đang cưỡng chế bị đình chỉ, v.v…
Vậy trong các khoản chi phí cưỡng chế này, khoản nào, trong trường hợp nào ngân sách nhà nước phải chi trả?
Thông tư 200/2016/TT-BTC ngày 9/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong đó các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự do ngân sách nhà nước đảm bảo được quy định tại Điều 7 Thông tư. Tuy nhiên từng trường hợp, nội dung chi lại được dẫn chiếu quy định tại nhiều văn bản pháp luật liên quan khác. Để thuận lợi cho các đồng chí Chấp hành viên, kế toán đơn vị trong việc áp dụng, các văn bản pháp luật liên quan đã được viện dẫn chi tiết, hướng dẫn chi phí cưỡng chế ngân sách nhà nước đảm bảo gồm các loại chi phí sau:
1.Các chi phí quy định tại khoản 3 điều 73 Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.
a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá(1);
b) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án (được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014);
c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ(2);
d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật(3).
2. Chi phí quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP(2).
3. Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 200/2016/TT-BTC trong điều kiện có vi phạm về định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12(1).
4. Phí, chi phí bán đấu giá tài sản không thành theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
5. Chi phí khi đangtiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải ngừng vì các lý do sau đây:
a) Do sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa (quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP);
b) Trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án, tạm ngừng thi hành án để giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.
6.Chi phí cưỡng chế do người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tạiđiểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.
“a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;”(điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13).
Trên đây là các nội dung, trường hợp chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự được nhà nước đảm bảo kinh phí, mời các đồng chí nghiên cứu, trao đổi, áp dụng./.
Ghi chú:
(1) Trong trường hợp Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng về định giá tài sản quy định tại Điều 98 của Luật Thi hành án dân sự dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản (điểm a khoản 1 điều 99 Luật Thi hành án dân sự) thì nhà nước đảm bảochi phí định giá lại tài sản như sau:
“a, Chi phí định giá, định giá lại tài sản:
- Chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản: Giá dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản theo hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá.
- Chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.” (điểm a, khoản 3, Điều 4 Thông tư 200/2016/TT-BTC)
(2) Các chi phí cần thiết khác được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, gồm các chi phí sau:
a) Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế;
b) Các khoản chi phí sau:
- Chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án do tài sản kê biên không bán được, trong “Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án” (Khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự 2008)
+ Trường hợp Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm, như sau:
+ Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án (khoản 1 Điều 90 Luật thi hành án dân sự 2008).
+ Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán (khoản 2 Điều 90) “số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án” (khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự).
- Tài sản bị cưỡng chế không còn hoặc bị mất giá trị sử dụng;
- Người phải thi hành án phải giao, trả tài sản theo bản án, quyết định mà không có khả năng thanh toán chi phí cưỡng chế;
- Người phải thi hành án phải thực hiện công việc nhất định bỏ đi khỏi nơi cư trú hoặc chết mà không còn tài sản để thanh toán chi phí cưỡng chế;
c) Chi phí cho việc Chấp hành viên xác minh, xác định giá trị tài sản trước khi cưỡng chế để áp dụng biện pháp cưỡng chế tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cần thiết để áp dụng theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự;
d) Các khoản chi cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án mà không thu được tiền của người phải thi hành án để thanh toán chi phí;
đ) Chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số của Việt Nam không biết tiếng Việt;
e) Chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải đình chỉ theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự;
“a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;
d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này;
đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;(được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014)”
g) Chi phí cưỡng chế đã thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền hủy việc cưỡng chế.
(3)Các trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án thì nhà nước bảo đảm phần chi phí được miễn giảm này. Các trường hợp miễn giảm cụ thể được hướng dẫn tại Điều 44 Nghị định 62/2015/NĐ-CP:
1. Đương sự là cá nhân có thể được Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành án xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn.
Mức thu nhập tối thiểu được xác định theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này.
b) Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng.
c) Thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.
2. Đương sự phải làm đơn đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án nêu rõ lý do đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.
Đương sự có khó khăn về kinh tế, thuộc diện neo đơn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó nhận thu nhập. Đương sự là gia đình chính sách, có công với cách mạng phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh. Đương sự bị tàn tật, ốm đau kéo dài phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự xem xét, quyết định về việc miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

Các tin đã đưa ngày: