Cùng tham dự buổi giám sát còn có đại diện các cơ quan tố tụng gồm Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM, Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP HCM và đại diện Công an TP HCM. Buổi giám sát do Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì.
Theo số liệu báo cáo 05 năm (từ 1.10.2017 – 30.9.2022), về kết quả thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế, THADS TP.HCM, đã thi hành án xong gần 47.000 tỉ đồng/hơn 72.500 tỉ đồng số có điều kiện thi hành án (trong đó số thụ lý là hơn 106.800 tỉ đồng; kết quả thi hành án đối với án tham nhũng, chức vụ, trong 5 năm đã thi hành hơn 11.300 tỉ đồng/22.600 tỉ đồng - số có điều kiện thi hành (trong đó số tiền phải thi hành là hơn 27.000 tỉ đồng).
Tại buổi giám sát, đại diện các cơ quan tố tụng của TP HCM cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn. Nhất là, đối với các án kinh tế, tham nhũng lớn, ưu tiên trước hết vào các án đã đủ điều kiện thi hành án đang tồn đọng lại từ các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Quyền Cục trưởng, Cục THADS TP.HCM cho biết: số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Thành pchiếm 76,73% số phải thu hồi của cả nước (cả nước: hơn 89.609 tỉ đồng). Đồng thời, kết quả thu hồi tài sản, toàn ngành thu hồi được hơn 15.952 tỉ đồng, trong đó Cục THADS TP.HCM đã thi hành được hơn 14.000 tỉ đồng - chiếm 88,20% số tổng thi hành của cả nước
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Võ Quang Huy cũng cho rằng, có những bất cập, khó khăn rất lớn trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát thi hành án dân sự. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc tài sản không đủ để thi hành án. Trong khi đó, các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài mới xét xử nên bị can, bị cáo đã thực hiện việc tẩu tán tài sản.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết quá trình điều tra, bị can án tham nhũng, kinh tế tự nguyện nộp tài sản chiếm đoạt chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, thượng tá Lê Quang Phúc (Trưởng phòng PC03 Công an TP.HCM) cho biết từ ngày 1.1.2018 – 30.9.2022, Công an TP.HCM thụ lý 276 vụ án về tham nhũng, kinh tế, và đã giải quyết 252 vụ. Trong 252 vụ đã giải quyết thì tài sản phải thu hồi là 1.961 tỉ đồng; CQĐT đã thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ 1.379 tỉ đồng – được khoảng 72% số cần phải thu hồi. Trong đó số tiền bị can tự nguyện giao nộp là 1.367 tỉ đồng – khoảng 99,2%, còn lại là áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa - Thành viên Đoàn giám sát
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) - thành viên Đoàn giám sát, chia sẻ: “Nếu công tác thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế không được quan tâm ngay từ giai đoạn đầu phát hiện sai phạm đến điều tra, truy tố, xét xử thì kết quả thu hồi tài sản ở giai đoạn thi hành án sẽ không còn nữa”. Đơn cử, bà Hoa cho biết một số vụ như Hà Văn Thắm, ngày trước xét xử thì ngày sau tài sản bị chuyển nhượng; hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền thu hồi rất thấp so với tổng số chiếm đoạt, do bị án không có tài sản đảm bảo, không còn tài sản để thi hành án. Theo lãnh đạo Tổng cục THADS, cơ chế phối hợp, không bó hẹp ở bất cứ giai đoạn nào, cũng như nếu cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có phương thức xác minh, kê biên, phong tỏa tài sản rõ ràng, thì công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ đạt hiệu quả.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực thay mặt Đoàn Giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của đại diện các cơ quan Cục THADS TP HCM, TAND TP HCM, Viện KSND TP HCM và đại diện Công an TP HCM.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì buổi giám sát.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, từ việc làm rõ những kết quả giải quyết, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế từ 2018 đến nay, sẽ tổng kết được những hạn chế, vướng mắc, khó khăn và bất cập hiện nay trong công tác này. Từ đó, đề ra được những phương hướng, nhiệm vụ hiệu quả cho những năm tiếp theo.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, kết quả giải quyết, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo các tỉnh, thành phố, trong đó có TP HCM sẽ giúp trung ương nắm được nguyên nhân một số vụ việc đến nay chưa hoàn thành việc thu hồi.
Ngoài ra, từ các kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách pháp luật còn vướng mắc, bất cập (điểm, điều, văn bản pháp luật) tại buổi giám sát cũng được Đoàn Giám sát ghi nhận và chuyển đến các cơ quan liên quan xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới./.
Cẩm Tú