Sign In

Hoàn thiện quy định pháp luật về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án

14/08/2019

Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án là một nội dung quan trọng trong quá trình thi hành án. Việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện.
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) thì có điều kiện thi hành án (THA) là trường hợp người phải THA có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ THA. Theo đó có thể hiểu, việc người phải THA chưa có điều kiện THA là trường hợp người phải THA không có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; không thể tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ THA. Vấn đề về xác định việc chưa có điều kiện THA được quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
1. Căn cứ xác định việc chưa có điều kiện thi hành án
Căn cứ kết quả xác minh điều kiện THA, thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, người phải THA không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA[1]
Theo quy định tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự thì thu nhập của người phải THA bao gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động, thu nhập hợp pháp khác. Người phải THA không có thu nhập là người không có một trong các loại thu nhập trên. Trong trường hợp người phải THA có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người phải THA và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định, việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải THA và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể.
Đối với trường hợp người phải THA không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA, nếu giá trị tài sản bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế thì có căn cứ để xác định việc chưa có điều kiện THA. Trường hợp người phải THA có tài sản nhưng tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA, đây là trường hợp người phải THA có tài sản nhưng tài sản thuộc diện không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự hoặc người phải THA có tài sản nhưng tài sản này đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp trước khi có bản án, quyết định mà giá trị tài sản đó nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế THA (Điều 90 Luật Thi hành án dân sự)[2].
Thứ hai, người phải THA phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác[3]
Theo khoản 2 Điều 113 Bộ luật Dân sự năm 2015, vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, đối tượng THA là “trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được”. Có thể thấy, đối tượng THA ở đây đã không còn, người được THA có thể sẽ không bao giờ được thi hành đối với các khoản này, do đó, nếu xếp các việc THA loại này vào diện chưa có điều kiện THA thì chưa hoàn toàn phù hợp. Mặt khác, cơ quan THA vẫn phải mang việc THA tồn đọng từ năm này qua năm khác (vì việc chưa có điều kiện tiếp tục được chuyển kỳ sau). Đa số quan điểm đề xuất quy định bỏ trường hợp chưa có điều kiện thi hành khi vật đặc định không còn[4]. Do đó, cần nghiên cứu và có hướng xử lý dứt điểm đối với các trường hợp này.
Thứ ba, chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng[5]
Có thể thấy, cùng một căn cứ “chưa xác định được địa chỉ của người phải THA”, nhưng điểm c khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự quy định việc ra quyết định chưa có điều kiện THA, còn điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định việc ra quyết định hoãn THA. Chỉ với một căn cứ pháp lý nhưng lại áp dụng cho 02 thủ tục THA là chưa hợp lý. Hoãn THA và chưa có điều kiện THA là 02 phạm trù pháp lý khác nhau và có hệ quả pháp lý khác nhau. Trong một số trường hợp như hoãn theo yêu cầu của đương sự, hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị thì thời hạn hoãn THA được xác định rõ ràng…; còn đối với căn cứ “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA” thì rất khó để ấn định thời gian hoãn. Do đó, nếu cơ quan THA dân sự áp dụng căn cứ này để ra quyết định hoãn THA là chưa phù hợp[6] và dẫn đến nhiều bất cập trong việc áp dụng vào thực tiễn.  
 Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định, trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải THA hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải THA mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA. Quyết định về việc chưa có điều kiện THA phải ghi rõ việc THA bị hoãn theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Quy định này nhằm khắc phục một phần bất cập đã nêu, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, giữa việc ra quyết định hoãn THA và ra quyết định chưa có điều kiện thi hành theo quy định trên với cùng một lý do chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA, thực sự vẫn là chưa rõ ràng[7].
2. Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, về tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện THA
Cần mở rộng hơn về tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện THA vì trong thực tế, có rất nhiều trường hợp khác ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự mà cơ quan THA dân sự không thể xử lý tài sản nhưng cũng không thể phân loại án sang dạng án chưa có điều kiện thi hành.
Thực tế có các trường hợp như: Người phải THA có tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất nhưng đất mà người đó đang sử dụng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; có nhà xây trên thửa đất lấn chiếm, đất hành lang giao thông, hành lang sông hoặc hành lang bảo vệ công trình thủy; người phải THA có nhà ở nhưng nhà ở đó nằm trên đất của người khác và người có quyền sử dụng đất không đồng ý kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó để THA trong khi không thể tách rời nhà và đất... Theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự thì các căn cứ để ra quyết định chưa có điều kiện THA không bao gồm những trường hợp mặc dù người phải THA có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng lại bế tắc trong việc xử lý tài sản. Do đó, những trường hợp trên đã trở thành vướng mắc nhiều năm qua trong THA dân sự.
Bên cạnh đó, theo Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA trong trường hợp người phải THA không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp qua xác minh cho thấy tài sản của người phải THA rất lớn, gấp nhiều lần so với nghĩa vụ của họ (ví dụ như có tài sản là đất, nhà trong khi khoản phải THA chỉ là 5.000.000 - 10.000.000 đồng). Đối với trường hợp này, việc kê biên xử lý tài sản là không thuyết phục, trong khi đó, nếu xếp vào diện chưa có điều THA thì không đúng mà nếu xếp vào diện có điều kiện thi hành thì cũng khó xử lý. Vì vậy, có một số quan điểm đề xuất việc nghiên cứu bổ sung trường hợp chưa có điều kiện THA là tài sản lớn gấp nhiều lần (mấy lần?) đối với nghĩa vụ, vật không thể tách rời có giá trị chênh lệch quá lớn so với nghĩa vụ THA[8].
Thứ hai, về việc xác minh định kỳ đối với việc chưa có điều kiện THA
Theo khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cơ quan THA dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện THA trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau: (i) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải THA hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA; (ii) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự; (iii) Không có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA.
Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất 06 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA; trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải THA thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải THA vẫn chưa có điều kiện THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được THA về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA”. Tuy nhiên, để xác định thời hạn tiến hành xác minh tiếp trong thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian bắt đầu chấp hành hình phạt tù thực tế của phạm nhân không thể hiện trong bản án mà được xác định theo quyết định THA phạt tù của cơ quan THA hình sự, nhiều trường hợp, cơ quan THA dân sự không xác định được chính xác thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại của đương sự là bao lâu để tiến hành xác minh định kỳ theo quy định.
Thứ ba, về đăng tải thông tin về việc chưa có điều kiện THA 
Vấn đề đăng tải thông tin về việc chưa có điều kiện THA được quy định chi tiết tại Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA, cơ quan THA dân sự đăng tải thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải THA của người phải THA trên Trang thông tin điện tử của Cục THA dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện THA cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện THA là 03 tháng, kể từ ngày niêm yết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, quyết định về việc chưa có điều kiện THA sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết. Tuy nhiên, Luật chưa quy định Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi niêm yết phải lập biên bản và gửi biên bản cho cơ quan THA dân sự. Do đó, hồ sơ THA chưa có thủ tục thể hiện đã niêm yết quyết định về việc chưa có điều kiện THA, gây khó khăn cho việc xác định thời gian niêm yết công khai đối với việc chưa có điều kiện THA. Mặt khác, khoản 3 Điều 35 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân xã là “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã”. Do đó việc quy định giao quyết định chưa có điều kiện cho Ủy ban nhân dân xã niêm yết cũng đang gặp phải những quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng, Ủy ban nhân dân xã chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THA dân sự do đó đây không phải là công việc mà Ủy ban nhân dân xã phải thực hiện. Do đó cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã đối với các công tác tư pháp nói chung và công tác THA dân sự nói riêng để nâng cao hơn chất lượng công tác phối hợp với địa phương khi giải quyết việc THA.
Thứ tư, cần có phương án xử lý đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành đã kéo dài nhưng không thể xét miễn, giảm
Thực tế việc thực hiện xác minh điều kiện THA đối với một số việc chưa có điều kiện thi hành của cơ quan THA dân sự cho thấy, có một số trường hợp chưa có điều kiện THA đã 10 năm. Tuy nhiên, thực tế xác minh tại địa phương thì phát hiện đối tượng đã không có mặt tại địa phương từ lâu, hiện không rõ địa chỉ cư trú (thường gặp ở đối tượng nghiện ma túy, đã hết thời hạn chấp hành án về địa phương nhưng không có nơi cư trú rõ ràng). Cơ quan THA dân sự vẫn phải duy trì trong sổ theo dõi qua nhiều năm mà không có căn cứ để xử lý vì không đủ điều kiện để xét miễn, giảm THA theo quy định tại Điều 61 Luật THA dân sự.
Trường hợp khác là khi người phải THA có tài sản là nhà, đất, nhưng nghĩa vụ phải THA lại quá nhỏ, cơ quan THA dân sự không thể tiến hành kê biên xử lý tài sản; hoặc cá biệt có trường hợp đã kê biên xử lý tài sản nhưng bán đấu giá, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được tài sản (do giá trị tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế, cơ quan THA dân sự đã giao lại cho người phải THA theo khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự). Mặc dù đã hết thời hạn 10 năm, nhưng vẫn không thể thực hiện được việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA do các trường hợp trên vẫn thuộc diện “có tài sản” nên không thể phân loại chưa có điều kiện THA theo Điều 44a Luật Thi hành án dân sự. Do đó, cần bổ sung quy định về việc phân loại chưa có điều kiện THA đối với những trường hợp có tài sản nhưng tài sản có giá trị quá lớn, không thể xử lý được hoặc đã xử lý tài sản nhưng không hiệu quả.
Công tác phân loại việc THA theo tiêu chí có điều kiện THA và chưa có điều kiện THA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác THA dân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự cũng như các chỉ tiêu THA. Do đó, đây là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
 
Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội
 
[1] Điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự.
[2] ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa & ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Cẩm nang Thi hành án dân sự, Nxb. Tư pháp, 2018, tr. 166.
[3] Điểm b khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự.
[4] Hoàng Thu Trang, Hoàn thiện quy định pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự; http://thi hành án dân sự.moj.gov.vn/nghean/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=13; ngày đăng: 21/3/2016; ngày truy cập: 01/11/2018.
[5] Điểm c khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự.
[6] Mai Thị Thùy Dung, Trao đổi một số điểm về quy định xác định chưa có điều kiện thi hành án; http://ctpn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi-kinh-nghiem.aspx?ItemID=40, ngày truy cập: 03/8/2018
[7] Mai Thị Thùy Dung, tlđd.
[8] Hoàng Thu Trang, tlđd.


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: