Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định chủ thể tham gia các quan hệ dân sự bao gồm: Cá nhân và pháp nhân. Điều đó có nghĩa là hộ gia đình không phải chủ thể của quan hệ dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức sở hữu chung của các thành viên gia đình tại Điều 212.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 101 Bộ luật dân sự quy định: Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.
Theo đó, Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Từ các khái niệm về xác định các thành viên trong hộ gia đình nêu trên đã dẫn đến nhiều quan điểm xác định các thành viên trong hộ khác nhau trong cùng một trường hợp cụ thể, dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, bất cập trình tự thủ tục áp dụng không đảm bảo pháp luật.
Khi xử lý tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì Chấp hành viên căn cứ điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ để xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình theo điều luật nêu trên và Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Còn tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp quyền sử dụng đất mà “vợ, chồng có được sau khi kết hôn” là tài sản chung của vợ chồng, nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại ghi là “ hộ” nên Chấp hành viên phải phân chia quyền sử dụng đất cho các thành viên khác trong hộ (ví dụ: các con còn nhỏ, không có công sức đóng góp) làm giảm đi giá trị tài sản đảm bảo thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Hoặc có trường hợp quyền sử dụng đất cấp “hộ” thế chấp vay tiền tại Ngân hàng. Khi quá hạn, Ngân hàng kiện yêu cầu vợ (chồng) trả tiền vốn, lãi vay theo hợp đồng tín dụng nhưng không đề nghị xử lý hợp đồng thế chấp tài sản hoặc tại thời điểm vay các thành viên trong “hộ” chưa đủ tuổi xác lập hợp đồng thế chấp theo Bộ Luật Dân sự. Đến giai đoạn thi hành án, khi xử lý quyền sử dụng đất cấp cho “hộ”, Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ làm giảm đáng kể giá trị tài sản của người phải thi hành án, gây thiệt thòi quyền lợi của Ngân hàng.
Mặt khác, việc thông báo cho các thành viên biết việc phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản cũng gặp nhiều khó khăn trong trường hợp như: tại thời điểm thi hành án các thành viên trong hộ đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa không rõ địa chỉ... Đến khi cơ quan THADS xử lý xong tài sản thì lại có thành viên trong gia đình khiếu nại hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Do vậy, về vấn đề này ngành Công an cần có sớm cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý dân cư và cơ chế quản lý nhân thân được chặt chẽ hơn, áp dụng thống nhất trong cả nước.
Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, khi tiến hành xác minh đối với quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cơ quan THADS cần xác minh rõ nguồn gốc đất, thành viên trong hộ gia đình gồm những ai, làm rõ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Đối với việc thông báo thi hành án, cơ quan THADS cần thông báo cho tất cả các thành viên của hộ gia đình biết quyền thỏa thuận trong việc xác định, phân chia quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong quyền sử dụng đất của hộ gia đình, thông báo việc Chấp hành viên xác định, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong quyền sử dụng đất của hộ gia đình để hạn chế các khiếu nại.
Lê Hồng
Theo báo pháp luật việt nam