Sign In

Một số vấn đề về dân chủ và thực hành dân chủ trong hoạt động của các cơ quan thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự

22/10/2019

1. Dân chủ và vai trò của việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhiều bài học kinh nghiệm về vai trò làm chủ của nhân dân đã được đúc kết. Nguyễn Trãi từng nói “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”; “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Tư tưởng Nho giáo cũng nhìn nhận “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”;… Đến lượt mình, trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ của ông cha và luận điểm của Chủ nghĩa Mac - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đề cập đến xây dựng Nhà nước, cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc thiết lập một nền dân chủ XHCN chân chính đó là nền dân chủ mà “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân[1]. Đến nay, quan điểm đó vẫn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, xem đó là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với quá trình phát triển của đất nước (“Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”).
Bản chất của dân chủ trong Nhà nước ta chính là dân là chủ và dân làm chủ. Tính dân chủ ấy đã được xác định rõ tại khoản 1, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực, trao quyền cho Nhà nước để thay mình thực hiện việc quản lý chung mọi mặt đời sống xã hội; và ngược lại, Nhà nước - với vai trò là đại diện của Nhân dân phải đảm bảo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình: quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và thụ hưởng quyền lợi về vật chất, tinh thần.
Với vị trí là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Tính dân chủ không chỉ thể hiện qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến người dân, cơ quan, tổ chức khác; mà còn thể hiện trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhằm bảo đảm quyền dân chủ cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức người lao động (sau đây gọi chung là công chức) trong cơ quan đó. 
Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị là điều kiện hết sức quan trọng để công chức, cá nhân, tổ chức phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Tuy nhiên, dân chủ phải đặt trong giới hạn nhất định nhằm bảo đảm trật tự xã hội. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị cần gắn liền với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mà trước tiên đó là sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Dân chủ phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chức và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
2. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan thuộc Hệ thống thi hành án dân sự
Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt quản lý lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân, cơ quan, tổ chức, vấn đề bảo đảm dân chủ càng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 04/2015/NĐ-CP); Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 01/2016/TT-BNV). Đối với hoạt động của các cơ quan thuộc Hệ thống THADS, trên cơ sở Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp Tổng cục THADS đã ban hành Quy chế mẫu thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Kèm theo Quyết định số 1149/QĐ-TCTHADS ngày 08/11/2016); Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Tổng cục THADS (Kèm theo Quyết định số 729/QĐ-TCTHADS ngày 05/7/2017 thay thế Quyết định số 782/QĐ-TCTHADS ngày 30/10/2012 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS). Theo đó, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan thuộc Hệ thống THADS (sau đây gọi chung là cơ quan THADS), bao gồm: (1) dân chủ trong nội bộ cơ quan THADS; (2) dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
2.1. Dân chủ trong nội bộ cơ quan
Thực hiện dân chủ trong nội bộ của cơ quan THADS là những hoạt động nhằm bảo đảm quyền dân chủ của đội ngũ công chức đối với hoạt động của cơ quan theo quy định của pháp luật và quy chế dân chủ tại cơ quan THADS. Dân chủ trong nội bộ cơ quan được thể hiện qua một số khía cạnh, cụ thể:
2.1.1. Thực hiện quyền được biết
Quyền được biết của công chức được pháp luật về cán bộ, công chức khái quát đó là được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong các cơ quan THADS, thủ trưởng đơn vị phải đảm bảo chỉ đạo thực hiện công khai đến công chức 09 nhóm việc theo quy định tại Quy chế mẫu thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Tổng cục THADS (gọi chung là quy chế dân chủ) như liên quan đến kế hoạch, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, các vấn đề về chế độ, chính sách của công chức,… Đây đều là những nội dung vừa có liên quan trực tiếp, thiết thực đến hoạt động của cơ quan; vừa trực tiếp giúp cho mỗi công chức có thể chủ động thực hiện tốt công việc chuyên môn, nghiệp vụ được giao. Việc công khai những nội dung này chính là tạo điều kiện thuận lợi để công chức nắm vững và chủ động sử dụng quyền được biết, phát huy quyền làm chủ của mình trong quá trình thực hiện các nội dung hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Cơ quan THADS lựa chọn công khai theo quy định bằng một trong các hình thức: Niêm yết tại cơ quan; thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức cơ quan; Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, công chức; Thông báo cho người phụ trách các bộ phận của cơ quan, cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn để thông báo đến công chức, đảng viên, hội viên; Đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan.
2.1.2. Thực hiện quyền tham gia ý kiến
Quyền tham gia ý kiến của công chức là quyền được trao đổi, bàn bạc, thảo luận của công chức đối với hoạt động của cơ quan và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan, qua đó, giúp thủ trưởng cơ quan đưa ra quyết định đúng đắn và đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất của tập thể. Trong Hệ thống THADS, các cơ quan làm việc theo chế độ thủ trưởng. Theo đó để bảo đảm tập trung, dân chủ, công chức có quyền tham gia ý kiến trước khi thủ trưởng đơn vị quyết định đối với một số vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan. Các vấn đề này được ghi nhận rõ trong quy chế dân chủ của đơn vị và tập trung chủ yếu về các chủ trương, kế hoạch công tác của cơ quan, việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của công chức.
Công chức có thể tham gia ý kiến thông qua một trong ba hình thức như: Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc tham gia ý kiến thông qua người đại diện với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thông qua hội nghị công chức của cơ quan, đơn vị; phát phiếu hỏi ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo văn bản để công chức tham gia ý kiến; tham gia ý kiến thông qua Hòm thư góp ý (nếu có).
2.1.3. Thực hiện quyền làm việc
Pháp luật cán bộ, công chức, pháp luật THADS đã quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan THADS nói riêng trong việc bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công chức trong quá trình công tác tại đơn vị như liên quan đến bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ; các chế độ, chính sách về tiền lương, nghỉ ngơi, đào tạo, bồi dưỡng,… Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan THADS có trách nhiệm của trong việc thực hiện công khai, dân chủ đối với hoạt động quản lý điều hành; Kịp thời xử lý người có hành vi không chấp hành hoặc cản trở thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, người có hành vi trả thù, trù dập đối với công chức có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, người có hành vi lợi dụng dân chủ để gây mất uy tín, mất đoàn kết nội bộ; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; Tạo điều kiện để công chức thực hiện các quyền của mình, phát huy tinh thần phê bình, tự phê bình.
2.1.4. Thực hiện quyền giám sát, kiểm tra
Quyền giám sát, kiểm tra của công chức là quyền theo dõi, đánh giá của công chức đối với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nói chung và các bộ phận, công chức khác trong cơ quan nói riêng. Trong hoạt động của các cơ quan THADS, quyền giám sát, kiểm tra của công chức được bảo đảm đồng thời các bên cạnh các quyền được làm việc, quyền được biết, quyền được tham gia ý kiến. Điều này góp phần giúp công chức trong quá trình thực hiện công vụ theo sát, đánh giá chính xác đối với hoạt động chung của cơ quan và  việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến, phản ánh của cơ quan đối với công chức.
Cơ quan THADS bảo đảm các điều kiện để công chức giám sát, kiểm tra thông qua ba hình thức sau: Thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân; thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình; thông qua hội nghị công chức của cơ quan, đơn vị. Đây đều là những phương thức, cơ chế, diễn đàn để công chức thực hiện có hiệu quả quyền giám sát, kiểm tra của mình đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế trong hoạt động của cơ quan.
2.2. Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan
Nền dân chủ mà Nhà nước ta đang xây dựng là nền dân chủ XHCN - dân chủ thực chất trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, cơ quan THADS nói riêng, tính dân chủ không chỉ thể hiện trên phương diện hoạt động nội bộ của cơ quan đó, mà còn trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đối với công dân: Công dân là chủ thể trực tiếp của quyền dân chủ. Để thực hiện quyền làm chủ của mình, công dân phải được biết, được tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, cơ quan THADS nói riêng. Theo đó, cơ quan THADS có trách nhiệm thực hiện theo quy định việc cung cấp thông tin, lấy ý kiến, hướng dẫn, giải quyết công việc liên quan đến công dân, cơ quan, tổ chức; tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức. Xử lý theo quy định của pháp luật đối với những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
- Đối với cơ quan, đơn vị có liên quan: Trong mối quan hệ với cơ quan cấp dưới, cấp trên, mỗi cơ quan THADS là chủ thể độc lập, có các quyền dân chủ của mình trong phạm vi thứ bậc hành chính của hoạt động quản lý hành chính nhà nước (chấp hành – điều hành). Trong quan hệ với cơ quan cấp trên, cơ quan THADS có quyền, trách nhiệm chấp hành, báo cáo; phản ánh, kiến nghị và tham gia ý kiến đối với các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan đối với cơ quan cấp trên. Trong quan hệ với cơ quan cấp dưới, cơ quan THADS có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin, hướng dẫn, kiểm tra cũng như giải quyết kịp thời kiến nghị của cơ quan cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Có thể nói, “dân chủ” đã và đang trở thành một yêu cầu của xã hội hiện đại, là thước đo cơ bản của sự phát triển đất nước. Với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế - xã hội hiện đại, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là một trong những nội dung quan trọng góp phần huy động đông đảo nguồn lực sáng tạo trong nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội để thúc đẩy tiến trình cải cách, phát triển và hội nhập đất nước. Đối với lĩnh vực THADS, công tác thực hiện dân chủ còn có ý nghĩa trực tiếp trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Song, thực tế, để bảo đảm dân chủ thực chất, đòi hỏi bản thân công chức, đặc biệt là người đứng đầu mỗi cơ quan hành chính nhà nước nói chung, cơ quan THADS nói riêng ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phát huy, bảo đảm quyền dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị cần phát huy hơn nữa vai trò đại diện trong việc giám sát, thực hiện quyền dân chủ “gián tiếp” nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, công chức.
Văn phòng Tổng cục
[1] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2005, tr. 326


Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: