Thứ nhất: Đối với việc xác định tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung còn gặp nhiều khó khăn:
Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và hộ gia đình đòi hỏi phải tuân thủ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật có liên quan. Đặc biệt, các quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng đối với tài sản là bất động sản rất phức tạp nên việc xác minh làm rõ về nguồn gốc tài sản là rất khó khăn. Việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ chồng do đó cũng rất dễ tiềm ẩn những thiếu sót.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS thì thời hạn yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung là 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Trên thực tế áp dụng thì cho thấy không có hiệu quả vì đa phần đương sự không thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án. Nguyên nhân do người phải thi hành án thì không muốn thi hành hoặc tìm mọi cách để kéo dài thời gian thi hành án, còn những người còn lại thì cho rằng đó không phải là việc của họ vì họ không có tranh chấp gì với người phải thi hành án và đặc biệt là họ không khởi kiện thì cũng đã có chấp hành viên khởi kiện thay. Bên cạnh đó, thì việc quy định thời hạn 30 ngày nêu trên là quá dài. Bởi lẽ, việc khởi kiện để phân chia tài sản không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các đồng sở hữu. Chính vì thế nên xem xét rút ngắn thời gian khởi kiện này. Mặt khác, sau khi Tòa án thụ lý lại phải mất một thời gian dài để Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Đối với quy định chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự khi chủ sở hữu, sử dụng tài sản chung và người được thi hành án không khởi kiện thì để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tải sản để thi hành án trong quá trình xây dựng pháp luật cần sửa đổi quy định này vì một số lý do sau:
1. Trong việc xử lý tài sản chung thì người có nghĩa vụ và quyền lợi trực tiếp về tài sản trong việc thi hành án là đương sự và người có chung quyền sở hữu với người phải thi hành án. Do vậy, trách nhiệm khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu, sử dụng chỉ nên quy định cho đương sự và những người có chung quyền sở hữu với người phải thi hành án. Đặc biệt là người được thi hành án, vì việc khởi kiện này nhằm mục đích để giải quyết nhanh việc thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Việc quy định chấp hành viên có trách nhiệm yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự khi các bên liên quan không khởi kiện trong một số trường hợp có thể sẽ tạo ra tâm lý ỉ lại của đương sự, người có tài sản chung để kéo dài việc thi hành án.
3. Chấp hành viên là công chức, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định và các công việc phụ trợ khác nhằm mục đích tổ chức thi hành án (như tổ chức bán đấu giá tài sản, tư vấn cho đương sự để họ thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ thi hành án…). Việc thực hiện yêu cầu phân chia quyền sử dụng, sở hữu tài sản chỉ thuộc về những người có quyền sở hữu, sử dụng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong khi chấp hành viên là người không thuộc một trong các đối tượng này mà lại trao cho họ thực hiện các quyền này thì có lẽ chưa hợp lý và thực tế nhiều hệ lụy tiếp theo liên quan có thể phát sinh, ví dụ như: Tư cách tham gia tố tụng; trách nhiệm có liên quan trong trường hợp bản án, quyết định giải quyết tiếp theo ở các giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; thời gian tham gia tố tụng… Như vậy, những bế tắc hoặc là không được thực hiện triệt để ở các giai đoạn trước đó (giai đoạn điều tra, xét xử, giai đoạn thực hiện quyền của người phải thi hành án, giai đoạn thực hiện quyền của người được thi hành án), cuối cùng pháp luật lại trao công việc nộp đơn yêu cầu khởi kiện vụ án cho chấp hành viên về công việc không liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Ngoài ra, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về trao quyền cho chấp hành viên xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản là quy định còn thiếu thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác. Ví dụ: Điểm c khoản 1 Điều 170 Luật Thi hành án dân sự quy định, một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự đó là thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản, hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án; hoặc khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, một trong những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đó là yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Từ những nguyên nhân nêu trên cho thấy, trường hợp trong thời gian tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các quy định khác có liên quan, những quy định nêu trên cần cân nhắc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, theo hướng không trao quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản này cho chấp hành viên, không nên xem đây là quyền phái sinh của chấp hành viên, đồng thời cũng không nên quy định chấp hành viên có thẩm quyền xác định quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản trong khối tài sản chung, vì đây là một trong những thẩm quyền đặc trưng của cơ quan Tòa án.
Thứ hai: Đối với quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS thì thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là 03 tháng đối với bất động sản và 01 tháng đối với động sản kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Quy định này được dựa trên tinh thần Bộ luật Dân sự năm 2005 và được kế thừa theo quy định tại khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc định đoạt tài sản chung. Đây là trường hợp Bộ luật Dân sự quy định cho chủ sở hữu chung khi tự định đoạt phần sở hữu của mình. Tuy nhiên, việc giữ nguyên thời hạn nêu trên và còn quy định thêm đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ là chưa hợp lý. Trong khi đó, theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì tối thiểu phải có 30 – 45 ngày cho một phiên bán đấu giá. Do đó, quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là quá dài, làm mất nhiều thời gian và thủ tục cho quá trình tổ chức thi hành án.
Từ thực tiễn áp dụng trong việc xử lý tài sản thuộc sở hữu chung, tôi mạnh dạn đề xuất cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định nêu trên cho phù hợp hơn với thực tiễn, theo hướng xác định Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền phân chia tài sản chung ở giai đoạn thi hành án dân sự; cân nhắc loại bỏ trách nhiệm của chấp hành viên trong việc yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản chung và xem xét rút ngắn thời hạn ưu tiên mua tài sản chung. Đồng thời, quyền ưu tiên mua tài sản chung cũng chỉ nên quy định ở lần đầu tiên bán tài sản để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và nâng cao hiệu quả kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trong thực tế.
Một số khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14
Một là, có một số trường hợp các tổ chức tín dụng không đồng ý trích tiền hỗ trợ hoặc trích không đủ số tiền thuê nhà ở theo Điều 115 Luật THADS nên cơ quan THADS không bố trí được chỗ ở cho người phải thi hành án, Ban Chỉ đạo THADS, chính quyền địa phương, cơ quan công an không đồng tình việc cưỡng chế thi hành án do không đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; do không cưỡng chế huy động lực lượng được nên không chi được tiền cho Ngân hàng.
Hai là, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định không được trừ từ tiền bán tài sản các khoản thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm (như tiền thuế thu nhập cá nhân...); các khoản nợ thuế phí khác (như tiền thuê đất hàng năm, phí hạ tầng của các khu công nghiệp còn nợ); các khoản phí thuế trước đây được miễn do thuộc diện thu hút đầu tư của người phải thi hành án. Chỉ thị số 32/CT-Ttg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa có nội dung hướng dẫn cụ thể như cơ chế “khoanh nợ, treo nợ, xóa nợ...” dẫn đến rất khó khăn cho người mua được tài sản khi làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, nhiều trường hợp bán tài sản bảo đảm xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng, các cơ quan thuế thường yêu cầu trích từ số tiền bán tài sản bảo đảm để thanh toán tiền thuế trước khi thanh toán cho bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục sang tên.
Ba là, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho bên mua, bên nhận tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết. Tuy nhiên, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù có bổ sung 01 điều nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để sang tên liên quan tài sản thi hành án (thuế thu nhập cá nhân, không thu hồi được giấy CNQSDĐ...), dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy CNQSDĐ cho người mua người nhận tài sản.
Bên cạnh đó, việc Nghị quyết ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng trước khoản án phí nhưng không có cơ chế xử lý tiền này khiến cho việc thi hành án khoản chủ động thi hành án phí chưa có giải pháp tháo gỡ dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước, tồn đọng án.
Nguyễn Thị Thái Linh
Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục thi hành án dân sự