Sign In

Văn hóa công vụ - Các yếu tố tác động và giải pháp thực hiện ở nước ta hiện nay

13/11/2019

Năm 2019, văn hóa công vụ (VHCV) là một cụm từ xuất hiện khá thường xuyên trên các tạp chí, báo, trang thông tin điện tử… bởi sự kiện Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ (Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018). Quyết định này được xem là cú hích quan trọng để nền công vụ Việt Nam nhanh chóng khắc phục những trì trệ nhằm đạt được mục tiêu như đã đề ra tại Đề án này.
Có nhiều ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất, song cơ bản nhiều người đồng ý rằng: “Văn hóa công vụ là văn hóa tổ chức đặc thù, bao gồm hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức tạo nên tầm nhìn, tác động đến lối sống, hành vi và lề lối làm việc của người thực thi công vụ, tạo ra môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”[1].
Trong thời gian qua, quá trình thực thi công vụ ở Việt Nam đã xác lập được những giá trị hết sức cơ bản về VHCV, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả trong giữ nước và dựng nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ CBCCVC coi thường kỷ cương, phép nước, “dĩ công vi tư” nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân về quyền lực, vật chất, hưởng lạc thú… Đến nay thì hậu quả của những biểu hiện đó là cực kỳ nghiêm trọng. Đặc biệt, bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện như hiện nay đòi hỏi phải phát triển nền công vụ chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, minh bạch, cởi mở, hiệu lực, hiệu quả mới đáp ứng được yêu cầu.
Để xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta đáp ứng yêu cầu hiện nay, cần xác định rõ những yếu tố tác động, đó là cơ sở nhằm đề ra các giải pháp phù hợp và khả thi.
1. Những yếu tố tác động đến văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay
1.1. Truyền thống dân tộc
Truyền thống dân tộc là những phong tục, tập quán, tư tưởng, lối sống, lối nghĩ, hành vi... đã được cộng đồng thừa nhận và duy trì, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, truyền thống luôn tác động và hiện diện trong cuộc sống hiện tại, dù bản thân chúng ta có ý thức về điều đó hay không. Truyền thống theo cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là “cái cũ”. Đội ngũ CBCCVC cũng là một nhóm người cụ thể trong xã hội, cũng chịu ảnh hưởng từ thuyền thống quốc gia, dân tộc. Vì vậy, truyền thống cũng tác động đến văn hóa công vụ theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Bởi “cái cũ” thì có “cái tốt”, “cái xấu”, “cái không xấu nhưng phiền phức” như Bác đã nêu rõ.
(i) Một số tác động tích cực:
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, nền văn hóa truyền thống của Việt Nam vốn không phân biệt rạch ròi từng lĩnh vực trong quản lý xã hội, đất nước. Vì vậy, giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ ràng buộc, tác động qua lại, bổ sung và chuyển hóa cho nhau. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam vẫn có hệ thống luật pháp với việc ban hành các bộ luật, điều đó có thể hiện tư tưởng “pháp trị”. Song về cơ bản, các triều đại ấy vẫn trú trọng và phát huy các quy chuẩn đạo đức để quản lý xã hội, vì vậy, tư tưởng “đức trị” được thể hiện rất rõ. Nền tảng đạo đức phong kiến như “trung quân, ái quốc”, “tôn sư trọng đạo”, “hiếu kính với cha”, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… là những cơ sở quan trọng để quản lý xã hội.
Văn hóa truyền thống Việt Nam có nhiều giá trị đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Nổi bật nhất đó là lòng yêu nước nồng nàn, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đã hun đúc, tôi rèn người Việt tinh thần quyết tâm giữ nước và xây dựng nước một cách cao độ. Lòng tự cường dân tộc đó đã tiếp cho nhân dân sức mạnh để đưa đất nước hòa nhập với xu thế phát triển chung và khẳng định vị thế của Việt Nam.
Thứ đến, tinh thần tập thể, tính cộng đồng cao. Tập quán sinh sống trong các làng, xã giúp mọi người gần gũi, gắn bó và đoàn kết với nhau. Trong quản lý xã hội xưa thì không chỉ “phép vua”, mà “lệ làng”, “hương ước”, “luật tục”… cũng rất quan trọng. Điều đó khiến cho hành vi vi phạm pháp luật khi bị pháp luật trừng phạt không chỉ mang tính răn đe với từng cá nhân người phạm tội, mà họ còn phải chịu “búa rìu” dư luận xã hội từ gia đình, từ dòng họ, từ cộng đồng (có khi còn đáng sợ hơn cả án tử hình). Vì vậy, người Việt Nam (trong đó có đội ngũ        CBCCVC) cơ bản đều có ý thức trách nhiệm gìn giữ uy tín, danh dự cho bản thân, gia đình, dòng họ trước cộng đồng. Bên cạnh đó, văn hóa Việt Nam còn có sự ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo và Phật giáo, mà hai tôn giáo trên có những quy phạm đạo đức giúp cho xã hội ổn định hơn, ít tranh chấp, giảm xung đột… Vì vậy, việc quản lý xã hội cũng dễ dàng hơn. Các tư tưởng, nhiệm vụ, bổn phận được phát huy đúng cũng giúp người dân nói chung, đội ngũ CBCCVC nói riêng có ý thức hơn về trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội và đất nước.
Một điểm hết sức quan trọng khác là tình thương yêu con người, đó là giá trị đạo đức đặc trưng đáng tự hào của dân tộc ta. Đây là cơ sở rất quan trọng khiến cho đội ngũ CBCCVC phải có cái tâm vì dân. Tinh thần “thương người như thể thương thân” làm cho đại đa số người Việt Nam luôn coi trọng chữ tình trong quan hệ ứng xử, bởi “vì tình vì nghĩa ai vì đĩa xôi đầy”, “người sống hơn đống vàng”. Và cao hơn đó là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Vì vậy, nhiều bậc “minh quân”, “minh quan” ở Việt Nam có tư tưởng trọng dân, biết ơn dân, chăm lo cho dân. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát rất rõ, rằng tư tưởng “thương nước, thương dân” phải là những giá trị đạo đức cơ bản của những người lãnh đạo đất nước, của đội ngũ CBCCVC nói chung. Những tư tưởng của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng VHCV hiện nay.
(ii) Một số tác động tiêu cực:
Dù truyền thống dân tộc có nhiều giá trị tích cực nhưng bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực trong xây dựng VHCV của đội ngũ CBCCVC hiện nay. Cụ thể như:
- Trong xã hội phong kiến Việt Nam, quan lại, chức sắc thay mặt vua quản lý, điều hành công việc ở các tổng, huyện, xã, làng. Vì vậy, một bộ phận lợi dụng các đặc quyền, quyền lực để hạch sách, vòi vĩnh, áp bức nhân dân nhằm nhận đồ “biếu xén”, “trục lợi”… Đây là thói hư, tật xấu trong xã hội phong kiến có tác động đến vấn nạn vòi vĩnh, tham ô, hối lộ, cửa quyền, hách dịch… của một bộ phận CBCCVC hiện nay.
- Trong tuyển chọn, bố trí quan lại, chức sắc thời xưa, thì yếu tố thân quen hay gia đình trị thể hiện khá rõ. Ở cấp cao nhất, vua là “cha truyền con nối”. Ở trong làng, xã, tổng thì những dòng họ có người làm quan hay có thế lực thì dòng họ đó thường được cất nhắc, kế nhiệm bằng sự thân quen hay tiền bạc. Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, mua quan bán tước đó hiện nay chưa hẳn đã hết. Những thói quen đó đến nay vẫn hiện hữu ở một bộ phận không nhỏ CBCCVC như tính gia trưởng, tôn ti, cất nhắc người thân, óc bè phái, cục bộ địa phương...
- Người Việt xưa quan niệm pháp luật là hình phạt của Nhà nước để cai trị xã hội. Nhưng nếu quan lại có vi phạm các quy định, kỷ cương thì được giảm nhẹ so với dân thường. Vậy nên nhân dân đã đúc kết rằng người dân mà kiện quan lại thì như “con kiến mà kiện củ khoai”. Người dân xưa nếu có bị quan lại chèn ép, áp bức, bị thiệt thòi thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, “một sự nhịn bằng chín sự lành”. Tâm lý “nhất đáo tụng đình”, sợ đến nơi pháp đình, “kiện sẽ gặp họa” trở nên khá phổ biến. Mặc dù xã hội hiện nay đã thay đổi nhưng những thói quen cũ đó vẫn bám rễ trong cách nghĩ, cách làm trong bộ phận không nhỏ CBCCVC.
- Thời xưa, làng - xã là đơn vị trung tâm, tương đối ổn định, có phong tục, tập quán riêng: “Trống làng nào làng đó đánh/Thánh làng nào làng đó thờ”. Điều đó tạo nên tính tự trị, mỗi làng có luật lệ riêng thường gọi là hương ước. Lâu dần thành quen, từ đó hình thành nên thói quen trọng lệ làng hơn pháp luật: “Phép vua thua lệ làng”. Bên cạnh đó, người Việt vốn đề cao lối sống trọng nghĩa tình, dẫn đến thái độ cảm tính, xem trọng tình cảm, xem nhẹ cái lý, thiếu tôn trọng các nguyên tắc.
1.2. Bối cảnh hội nhập quốc tế
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi song cũng không ít thách thức đi kèm. Về những tác động tích cực, chúng ta thấy rõ là đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội được nâng lên. Ý thức về con người cá nhân, về tự do và dân chủ được nâng lên. Hoạt động của nền công vụ Việt Nam trên cơ sở đó cũng có tính dân chủ hơn, công khai và minh bạch hơn. Trong thời gian vừa qua, nền hành chính Việt Nam liên tục nỗ lực cải cách nhằm đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú và đa dạng của các tầng lớp dân cư. Mọi công dân trong xã hội có cơ hội tham gia, hiểu biết hơn về hoạt động quản lý nhà nước, thậm chí có điều kiện để giám sát, có môi trường để thể hiện ý kiến cá nhân… Điều đó đã và đang tác động ngày càng tốt trong xây dựng VHCV, đến hành vi ứng xử của đội ngũ CBCCVC. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dưới tác động của quá trình mở cửa hội nhập quốc tế và mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn đến những tác động tiêu cực. Đó là việc không ít người đề cao lối sống thực dụng, đặt mục tiêu lợi nhuận kinh tế lên trên hết, tuyệt đối hóa sức mạnh của đồng tiền, sùng bái vật chất… Không ít trường hợp vì danh lợi, địa vị, tiền tài mà xem nhẹ tình cảm, luật pháp, thậm chí còn “kèn cựa”, “hạ bệ”, đấu đá nhau làm mất tình cảm đồng chí, đồng nghiệp, làm xấu hình ảnh người đảng viên. Một số người giàu có tỏ ra khinh miệt người nghèo, lấy cuộc sống tiện nghi làm thước đo giá trị… Một bộ phận không nhỏ CBCCVC tập nhiễm lối sống thực dụng, phi đạo đức. Mục tiêu của họ là làm giàu lên một cách nhanh chóng để thỏa mãn những ham muốn về tiền tài, danh vọng, tiện nghi, hưởng lạc mà không phân biệt đúng - sai, tốt - xấu. Một bộ phận không nhỏ ấy đã sẵn sàng bòn rút của công, vòi vĩnh, tham ô, hối lộ, cửa quyền, hách dịch, lãng phí…
1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có nền VHCV. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh như việc xây dựng chủ trương, chính sách, chuẩn mực của nền VHCV; việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ quan, công sở văn minh, hiện đại, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc; việc trả lương, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC…
Đất nước ta từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội có sự phát triển ổn định, liên tục, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đó là cơ sở để có thêm điều kiện dành nhiều nguồn lực hơn cho việc xây dựng VHCV. Nhờ vậy, nền hành chính, công vụ ở Việt Nam theo định hướng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thể chế này ngày càng thể hiện tính dân chủ, tiến bộ; chính quyền ngày càng liêm chính, công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Mối quan hệ giữa khu vực tư và khu vực công ngày càng gần gũi hơn cả trong nhận thức và hành động. Công dân được trao nhiều quyền hơn thông qua các hình thức ủy quyền, phân quyền, nhiều nhiệm vụ hơn và cũng có nhiều sự tự do hơn khi họ áp dụng những nguyên tắc, hệ thống các quy tắc linh hoạt hơn. Sự cầm quyền ngày càng khoa học, dân chủ, bằng Hiến pháp, pháp luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở công sở ngày càng đầy đủ, ngăn nắp, khoa học đã hỗ trợ đắc lực cho CBCCVC, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần hoàn thành công vụ được giao…
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước dù phát triển nhanh nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu. Điều đó được thể hiện khá rõ ở chính sách tiền lương cho đội ngũ CBCCVC vẫn còn thấp. Vì lương chưa đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống nên họ vẫn chưa thật sự chuyên tâm, vẫn còn tình trạng “chân trong, chân ngoài”, dẫn đến một số hiện tượng vòi vĩnh, tham nhũng, hối lộ… Thể chế VHCV chưa được hoàn thiện: “Năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế chính sách chưa cao, một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn; nhiều chính sách còn chồng chéo, chậm khắc phục... Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”[2]. Cơ quan, công sở ở cấp cơ sở (cấp xã) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhất là ở các địa phương có kinh tế chậm phát triển…
1.4. Năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Đội ngũ CBCCVC có vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong nền công vụ, họ là người xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật và là người thực hiện chính sách, pháp luật trong thực tế, đem chính sách, pháp luật vào cuộc sống, mang lại hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Do đó, CBCCVC trực tiếp quản trị đất nước, là người thực hiện mối quan hệ Nhà nước với dân, phục vụ nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, trình độ, năng lực của đội ngũ CBCCVC nhìn chung được nâng lên. Khả năng hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh hiện nay là khá phức tạp song ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”[3]. Tác phong công vụ vẫn là điểm yếu trong bộ máy công quyền; quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với nhân dân còn thiếu dân chủ; hiện tượng quan liêu, cửa quyền chậm được khắc phục đẩy lùi; tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “cục bộ địa phương”, “lợi ích nhóm” vẫn còn diễn biến phức tạp…
2. Một số giải pháp thực hiện văn hóa công vụ ở nước ta hiện nay
Đề án Văn hóa công vụ được phê duyệt theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg đã nêu ra ba nhóm giải pháp (khoản 5 Điều 1) rất chính xác, cụ thể, trực tiếp, để các cơ quan công quyền và đội ngũ CBCCVC phải thực hiện. Đề án cũng đã nêu rõ đối tượng và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, theo tác giả, bên cạnh những giải pháp đó, cần phải kết hợp với một số giải pháp khác mang tính đồng bộ trên cơ sở các yếu tố tác động đến VHCV như sau:
Thứ nhất, song song với việc hoàn thiện quy định về VHCV, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật và các văn bản dưới luật. Phải xây dựng hệ thống pháp luật của Nhà nước hoàn chỉnh, đồng bộ, công bằng và khả thi. Hệ thống pháp luật đó phải thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, đảm bảo các quyền thiêng liêng của con người, tôn trọng các giá trị xã hội… Có như vậy, mọi người mới tin tưởng mà làm theo luật pháp. Trong thời gian qua, công tác xây dựng luật của chúng ta còn nhiều hạn chế, vì vậy, thời gian từ khi ban hành văn bản luật đến khi phải sửa đổi, bổ sung khá ngắn và các luật còn nhiều kẽ hở nên CBCCVC, công dân dễ “lách luật”…
Thứ hai, khi đã hoàn thiện quy định về VHCV, xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì cần có cách thức tổ chức đưa luật vào cuộc sống. Để đưa luật vào cuộc sống, trước tiên phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ CBCCVC, trong mọi tầng lớp nhân dân; phải tiến hành đồng bộ nhiều cách thức, biện pháp nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo thói quen và nếp sống tôn trọng pháp luật trong CBCCVC và mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đối với đội ngũ CBCCVC thì cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ, khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh. Các cơ quan quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm minh.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả công tác tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tiền lương. Bởi “Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành”[4]. Vì vậy, cần tinh giản bộ máy quản lý, sáp nhập những đơn vị gần chức năng, nhiệm vụ với nhau, đảm bảo một đơn vị có thể đảm nhận nhiều việc, nhưng một việc thì chỉ một đơn vị đảm nhận. Như vậy, vừa rõ về quyền hạn, trách nhiệm, vừa để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi có sai phạm. Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, các khâu trung gian, chuẩn hóa các thủ tục. Tăng cường công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính, các thông tin trong công tác quản lý nhà nước không liên quan đến bí mật quốc gia. Đó cũng là cơ sở để tinh giản đội ngũ CBCCVC, để tăng tiền lương cho CBCCVC. Khi chính sách tiền lương cho đội ngũ CBCCVC đảm bảo cho bản thân và gia đình có mức sống khá trong xã hội, sẽ tạo động lực để họ rèn luyện nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, chuyên tâm cống hiến hết mình cho công việc.
Thứ tư, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác quản lý bằng pháp luật, cần chú ý tới hệ thống các quy phạm văn hóa - xã hội ở nước ta hiện nay. Bởi cho dù hệ thống pháp luật có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng khó đi vào tất cả mọi khía cạnh, ngõ ngách của đời sống, tâm tư, tình cảm con người. Thực tế, hệ thống các quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, của dòng họ, của gia đình, của các tổ chức xã hội, của tôn giáo… đã và đang góp phần điều chỉnh hành vi của con người. Các quy phạm văn hóa - xã hội điều chỉnh các mối quan hệ bằng dư luận xã hội, bằng phong tục, tập quán, bằng sự nhận thức, giác ngộ và sự thôi thúc từ bên trong, bằng tư tưởng, lương tâm, tình cảm… Các quy phạm văn hóa - xã hội sẽ tác động lớn đến ý thức của CBCCVC, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác và khuyến khích, nâng đỡ cái tốt, cái thiện trong mỗi con người.
Thứ năm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần tiếp thu và bổ sung các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại về ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; sự phân minh, rạch ròi giữa lý và tình; tính công khai, minh bạch; tính trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC… Cần phát huy, học tập những tấm gương liêm chính, hết lòng vì dân, vì nước trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, phải kiên quyết loại bỏ những thói hư, tật xấu, tập quán lạc hậu cản trở đến quá trình thực thi pháp luật. Chúng ta có thể dùng các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội để phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực.
Như vậy, để thực hiện được những giải pháp nêu trên, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, nhất là tư pháp, văn hóa, thông tin, các cấp chính quyền… Mà quan trọng nhất là quyết tâm của lãnh đạo cấp cao, của những người đứng đầu các địa phương, các cấp, các ngành. Bởi phạm vi tác động, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của lãnh đạo là rất lớn. Với mỗi CBCCVC phải gương mẫu trong việc thực thi VHCV. Có như vậy, chúng ta mới sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Đề án Văn hóa công vụ, sớm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
ThS. Lưu Thị Tươi
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng
 
 
[1]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Văn hóa và phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, năm 2018, tr. 161.
[2]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2016, tr. 259.
[3]. Trích trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
[4]. Nguyễn Phú Trọng, Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 của Tổng Bí thư, https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-phat-bieu-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-7-cua-tong-bi-thu-760158.vov.


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: