1. Chủ thể tiến hành xác minh
Chấp hành viên là người được Nhà nước bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ và trao quyền để thi hành các bản án, quyết định. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên được quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS), Chấp hành viên có nhiệm vụ
“Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án”. Như vậy
, Chấp hành viên là người được Nhà nước bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ, nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án chỉ có thể thuộc về Chấp hành viên.
2. Thời hạn tiến hành xác minh
Luật THADS năm 2014 quy định rõ thời hạn phải tiến hành xác minh của Chấp hành viên, đối với từng trường hợp cụ thể được quy định như sau:
Đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản 1 Điều 44 Luật THADS quy định
“Trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. Như vậy, xuất phát từ tính khẩn cấp của biện pháp áp dụng, sau khi được phân công giải quyết, Chấp hành viên phải xác minh ngay. Việc xác minh ngay được hiểu là trong ngày được giao tổ chức thực hiện việc thi hành án, Chấp hành viên cần phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, ví dụ như liên hệ với ủy ban nhân dân, với tổ trưởng tổ dân phố, với công an, hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Việc liên hệ này phải đồng thời được thể hiện trong hồ sơ thi hành ánbằng các lịch làm việc, công văn đề nghị, biên bản xác minh… mới đảm bảo không vi phạm thời hạn.
Đối với trường hợp thông thường
Khoản 1 Điều 44 Luật THADS quy định
“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh”. Như vậy, 10 ngày kể từ khi hết thời hạn tự nguyện là thời gian tối đa để Chấp hành viên phải tiến hành xác minh. Thời hạn này không tính theo ngày làm việc.
Trong thực tế, đối với các đơn vị có số lượng việc phải thi hành án lớn thì đảm bảo thời hạn xác minh theo quy định trên là vấn đề khó thực hiện, nhất là trong trường hợp Toà án thực hiện việc xét xử rồi chuyển giao án theo từng đợt, tuy nhiên các Chấp hành luôn luôn phải tuân thủ và thực hiện đảm bảo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp khác
Quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật THADS,
"trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án".
Như vậy, đối với những vụ việc đã xác minh rõ ràng không có điều kiện thi hành án thì quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên vì không phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để xác minh nhiều lần lặp lại cùng một nội dung. Đồng thời, điều luật cũng đã tính toán một thời gian hợp lý để đảm bảo Chấp hành viên nắm bắt ngay sự thay đổi về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
3. Nguyên tắc trong xác minh
Xác minh phải trực tiếp
Xác minh là
“làm cho rõ sự thật qua thực tế và chứng cứ cụ thể”. Muốn vậy, đòi hỏi Chấp hành viên phải trực tiếp xác minh làm rõ và cụ thể về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (có điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành, nếu có thì điều kiện thi hành án như thế nào). Việc xác minh trực tiếp giúp Chấp hành viên nắm bắt được điều kiện thực tế của người phải thi hành án, tiến tới động viên, thuyết phục, đôn đốc thu tiền hoặc xác định người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Các trường hợp xác minh bằng hình thức nắm bắt thông tin qua việc cung cấp của cán bộ tư pháp tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn rồi lấy dấu mà không trực tiếp xuống địa chỉ hoặc nơi ở, nơi cư trú của người phải thi hành án là không đúng quy định pháp luật và dẫn tới kết quả xác minh mang tính phiến diện, thiếu chính xác.
Xác minh phải kịp thời
Tính kịp thời trong xác minh điều kiện thi hành án rất được trú trọng bởi đây có thể là nguyên nhân để xác định người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hay không và ngăn chặn kịp thời những hành vi tẩu tán tài sản của đương sự, nhất là tài khoản hoặc động sản. Xác minh phải kịp thời là nguyên tắc, là quy định của Luật THADS trong thời hạn nhất định, tuy nhiên thực tế nó còn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài như số lượng việc Chấp hành viên được giao, điều kiện thời tiết, sự tận tâm của Chấp hành viên. Sự tận tâm của Chấp hành viên trong trường hợp này rất quan trọng, đó chính là trách nhiệm với nghề, với công việc, không quản thời tiết, đường xá xa xôi, kịp thời xác minh điều kiện thi hành án để đảm bảo tài sản của người phải thi hành án (nếu có) phải được xử lý kịp thời, tránh tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, bảo vệ quyền của người được thi hành án.
Xác minh phải chính xác và đầy đủ
Tính chính xác và đầy đủ là yêu cầu trong xác minh điều kiện thi hành án. Sự chính xác và đầy đủ ở đây không phải là số lượng, trọng lượng... mà chính là hàm lượng thông tin được thể hiện bằng ngôn ngữ trong biên bản xác minh. Tính chính xác, đầy đủ của kết quả xác minh sẽ giúp Chấp hành viên khi thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc lựa chọn biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp. Đặc biệt, tính chính xác của kết quả xác minh còn giúp cho Chấp hành viên trong việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế sát với tình hình thực tế, dự liệu các tình huống có thể xảy ra khi tổ chức cưỡng chế và phương án giải quyết các tình huống đó.
Trên thực tế, không phải Chấp hành viên nào cũng đảm bảo được tính chính xác và đầy đủ trong biên bản xác minh. Các trường hợp xác minh qua loa, thiếu nội dung, thông tin, thành phần đều không đảm bảo tính chính xác và đầy đủ trong xác minh điều kiện thi hành án.
4. Các bước cần thiết trong xác minh
Xác định mục tiêu, yêu cầu cần xác minh
Trước khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên cần xác định mục đích, yêu cầu của buổi xác minh là cần làm rõ cái gì? Xác minh để làm gì? Để phân loại hồ sơ hay để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, xác minh để xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao tài sản, với kết quả xác minh như thế nào để đủ điều kiện ủy thác về THA?
Luật THADS không có quy định bắt buộc Chấp hành viên phải lập kế hoạch xác minh trước khi tiến hành xác minh. Tuy nhiên, với các quy định về thời hạn xác minh và các quy định khác về thời hạn giải quyết việc thi hành án, đòi hỏi Chấp hành viên phải có kế hoạch tổ chức thi hành án cụ thể. Bên cạnh đó, việc Chấp hành viên lập kế hoạch xác minh trước khi tiến hành xác minh sẽ giúp cho việc xác minh có hiệu quả hơn, đảm bảo nội dung xác minh được chính xác, kịp thời, đầy đủ hơn.
Xác định đối tượng cần xác minh, các vấn đề cần xác minh
Đối tượng xác minh bắt nguồn từ nội dung quyết định thi hành án, phải xem xét người phải thi hành án là cá nhân hay tổ chức. Các đối tượng xác minh khác nhau có độ tuổi, nghề nghiệp, vị trí xã hội, trình độ nhận thức khác nhau đòi hỏi có phương pháp tiếp cận, giao tiếp và khai thác các loại thông tin khác nhau (như: ý thức, thái độ chấp hành bản án, quan hệ nhân thân của các đương sự, tài sản là động sản hoặc bất động sản, số dư trong tài khoản…).Tuy nhiên nội dung xác minh tập trung vào các nội dung chính: họ và tên, tuổi, giới tính, hoàn cảnh gia đình, thu nhập của cá nhân hoặc hộ gia đình, ý thức chấp hành pháp luật, tài sản (động sản, bất động sản, tài sản riêng hay chung). Nếu là tổ chức thì tên đơn vị, tổ chức, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, mã số doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, có tài khoản không, mở tại chi nhánh ngân hàng nào, tình hình hoạt động kinh doanh (thông qua cơ quan thuế).
Thành phần tham gia xác minh
Thành phần tham gia xác minh có vai trò quan trọng trong xác minh điều kiện thi hành án, các thành phần này đại diện và xác nhận các nội dung đã tiến hành xác minh làm cơ sở để tổ chức thi hành án tiếp theo. Mỗi thành phần có chức năng và vai trò riêng, không thể thay thế và đại diện cho các thành phần khác. Do đó, tương ứng với nội dung cần xác minh, Chấp viên mời thành phần tham gia phù hợp. Thông thường thành phần tham gia có Lãnh đạo UBND phường, xã, cán bộ tư pháp, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực và mời thêm Kiểm sát viên cùng tham gia (nếu thấy cần thiết). Nếu xác minh về tài sản là những động sản đặc biệt, ít phổ biến trên thị trường (dây chuyền sản xuất, thiết bị y tế…) hoặc liên quan đến công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thì thành phần tham gia ngoài các thành phần đã nêu ở trên, nhất thiết phải có các cơ quan chuyên môn liên quan tham gia, có như vậy mới đảm bảo kết quả xác minh khách quan, khoa học, chính xác và đầy đủ.
Trong việc thực hiện xác minh, mặc dù Biên bản xác minh đã có mẫu sẵn nhưng việc sắp xếp các nội dung xác minh sao cho tuần tự, logic, dễ đọc, dễ hiểu, đầy đủ nội dung cũng đòi hỏi kĩ năng của Chấp hành viên và Thư ký thi hành án. Một biên bản xác minh hoàn chỉnh phải sử dụng mẫu biểu biên bản xác minh do Bộ Tư pháp ban hành; phải ghi đầy đủ các tiêu mục trên biên bản có sẵn như thời gian, địa điểm, thành phần, chức danh của các thành phần tham gia. Phải gạch chéo những phần còn trống trong biên bản; Phải chọn lọc các thông tin do người cung cấp trao đổi, cách viết phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với các quy định pháp luật về thi hành án, nội dung xác minh phải làm rõ những vấn đề đã xác định trong kế hoạch, biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia và có đóng dấu. Trong biên bản không được tẩy xóa, không được viết lan man hoặc những việc không liên quan đến nội dung cần xác minh.
Xác định địa điểm cần xác minh
Từ đối tượng xác minh đã được xác định, Chấp hành viên sẽ lựa chọn địa điểm xác minh (xác minh ở đâu, gặp ai, gặp cơ quan nào) và thời điểm xác minh cho phù hợp với đối tượng xác minh. Ví dụ: Khi xác minh hiện trạng nhà đất bắt buộc phải xác minh tại nơi có nhà đất; xác minh chủ sở hữu của phương tiện giao thông phải xác minh tại Phòng cảnh sát giao thông…
Nội dung cần xác minh
Khi tiến hành xác minh, các nội dung cần phải xác minh đó là: Xác minh nhân thân của người phải thi hành án, của thân nhân của họ; Xác minh điều kiện tài sản của người phải thi hành án; về chỗ ở; nơi làm việc; những đối tượng phải nuôi dưỡng; Làm rõ quan điểm của chính quyền địa phương; dư luận quần chúng; các điều kiện thi hành án khác phát sinh trong quá trình xác minh. Khi đã có đầy đủ thông tin về tài sản của người phải thi hành án: tài sản là gì (tên gọi, màu sắc, kích thước); mục đích sử dụng (cho tiêu dùng hay phục vụ sản xuất kinh doanh); tình trạng tài sản (số lượng chất lượng), tài sản đó đang ở đâu, ai đang quản lý…Ví dụ:
- Đối với trường hợp tài sản là động sản được ghi nhận ngay trong bản án và quyết định thi hành án thì Chấp hành viên xác minh làm rõ tài sản đó đang ở đâu, do ai đang quản lý, tình trạng thế nào (còn hay mất). Đối với các loại tài sản không phổ biến trên thị trường như: dụng cụ y tế, thiết bị điện, các loại dây chuyền sản xuất… thì việc xác minh kiểm tra hiện trạng tài sản là vô cùng quan trọng, trong đó thành phần kiểm tra hiện trạng bắt buộc phải có chuyên gia chuyên ngành tham gia để việc xác minh kiểm tra hiện trạng khách quan, trung thực và đầy đủ chính xác.
- Đối với trường hợp tài sản là bất động sản, việc xác minh phải bắt đầu từ việc nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai; sở hữu chung hay sở hữu riêng; Có bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không; Nhà đất có thể phân chia hay không thể phân chia. Bất động sản đó đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền quản lý sử dụng đất (sổ đỏ) hay chưa? Số, ký hiệu, ngày cấp, nơi cấp. Nếu chưa được cấp vì lý do gì (nằm trong quy hoạch, có tranh chấp) và phải làm rõ. Diện tích, kích thước cụ thể của mảnh đất; Tài sản trên đất: mô tả cụ thể nhưng không nên quá tỉ mỉ (ví dụ: nhà cấp mấy; tường rào 110 hay 220…), ai đang quản lý trực tiếp nhà đất đó, quan hệ với chủ sở hữu? Hình thức: cho ở nhờ, cho thuê, cho mượn…
- Đối với tài sản là giấy tờ có giá. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ, “Giấy tờ có giá bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”, theo đó khi xác minh Chấp hành viên phải làm rõ đối tượng phát hành, đối tượng được mua, hình thức quản lý và phát hành của giấy tờ có giá đó có phù hợp quy định pháp luật không, cách thức xử lý như thế nào để định hướng việc tổ chức thi hành án tiếp theo. Nếu giấy tờ có giá là cổ phiếu thì Chấp hành viên tiến hành xác minh loại cổ phiếu; số lượng cổ phiếu; giá trị cổ phiếu tại thời điểm xác minh. Việc xác minh được thực hiện qua người phải thi hành án, qua doanh nghiệp phát hành hoặc qua các công ty chứng khoán. Riêng đối với trường hợp cổ phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung thì Chấp hành viên tiến hành xác minh qua người phải thi hành án hoặc qua doanh nghiệp phát hành mà không xác minh tại các công ty chứng khoán. Đối với các loại giấy tờ có giá khác, phải xác minh loại giấy tờ có giá; cơ quan tổ chức phát hành; số lượng giấy tờ có giá; giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm xác minh; đặc điểm, điều kiện quản lý và giao dịch đối với loại giấy tờ có giá đó… việc xác minh được tiến hành thông qua người phải thi hành án, đơn vị phát hành loại giấy tờ có giá (có ghi danh).
- Đối với tài sản là thu nhập. Theo quy định tại Điều 78 Luật THADS thì thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Thực tế cho thấy, thu nhập của người phải thi hành án theo quy định trên ở một phạm vi hẹp, bởi thu nhập của công dân nói chung Nhà nước chưa kiểm soát được, nhất là những người lao động tự do. Vì vậy, xác minh thu nhập của người phải thi hành án là vấn đề khó trong bối cảnh hiện nay. Khi tiến hành xác minh tài sản là thu nhập của người phải thi hành án, Chấp hành viên cần xác định được loại thu nhập: là tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hay là loại thu nhập khác...; Mức thu nhập hàng tháng. Nếu thu nhập theo sản phẩm hoặc ngày công (thất thường) thì đề nghị cung cấp trước đó 6 tháng hoặc 12 tháng xem thu nhập bình quân hàng tháng là bao nhiêu để có căn cứ khấu trừ theo đúng quy định; thời gian, cách thức chi trả thu nhập. Việc xác minh này được tiến hành tại nơi cư trú của người phải thi hành án; trụ sở của cơ quan, tổ chức quản lý thu nhập.
- Đối với tài sản là tài khoản, sổ tiết kiệm
. Việc xác minh tài sản là tài khoản, sổ tiết kiệm yêu cầu Chấp hành viên phải năng động, khéo léo khai thác thông tin đối với người phải thi hành án, người thân của người phải thi hành án, bạn hàng hoặc trực tiếp từ các tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, thông qua các hợp đồng, đối tác của người phải thi hành án. Chấp hành viên có thể yêu cầu Chi nhánh ngân hàng nơi người phải thi hành án mở tài khoản sao kê toàn bộ hoạt động trên tài khoản xác minh trước đó 15 hoặc 30 ngày để kiểm chứng người phải thi hành án có thường xuyên giao dịch trên tài khoản xác minh, nguồn tiền được xác minh làm căn cứ để định hướng các bước tiếp theo.
Đối với tài sản là tiền, đây là một việc làm khó đối với Chấp hành viên vì tiền của người phải thi hành án thường được quản lý hoặc sử dụng theo nhiều cách: có thể để trong tủ của gia đình, có thể đang tồn tại ở ngân hàng dưới dạng tài khoản, có thể đang gửi ở ngân hàng dưới dạng tiết kiệm, hoặc đang cho người khác vay... Để xác minh hiệu quả tài sản là tiền thì Chấp hành viên phải khéo léo khai thác thông qua người phải thi hành án hoặc người thân thích của người phải thi hành án, đồng thời để xử lý được tài sản là tiền cũng yêu cầu tính cấp bách và lực lượng tham gia xác minh phải đảm bảo thì mới xử lý kịp thời được.
- Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà. Thông thường đối với nghĩa vụ giao nhà, trả nhà trong bản án đã tuyên rõ nhà phải giao ở địa điểm nào, diện tích cụ thể, vị trí, tứ cận, người đang quản lý, sử dụng tài sản… Tuy nhiên, khi tiến hành xác minh Chấp hành viên cần chú trọng xác minh vị trí cụ thể của nhà phải giao, số phòng, diện tích sử dụng; Tình trạng nhà phải giao (có xây dựng, sửa chữa hay phá dỡ gì không so với bản án; nếu có thì thời điểm thực hiện công việc đó là thời điểm nào); Nhà phải giao đang do ai quản lý, sử dụng; có cho thuê, cho mượn cho ở nhờ không, gia đình cho thuê mượn ở nhờ là ai, nhân hộ khẩu, nghề nghiệp; Giấy tờ nhà hiện do ai nắm giữ; Các nhân khẩu đang sinh sống trong nhà phải giao là những ai, có người già, trẻ em, đối tượng chính sách không; Các tài sản có trong nhà bao gồm những tài sản gì. Để xác minh nội dung này, yêu cầu Chấp hành viên phải đến trực tiếp xem xét để có phương án liệt kê, đóng gói vận chuyển tài sản đảm bảo không để mất mát, đổ vỡ, hư hỏng. Nếu người phải thi hành án có nơi ở khác hợp pháp thì thông báo để họ chuyển về nơi ở hợp pháp đó. Nếu họ không có nơi ở nào khác thì phải xác minh làm rõ giá thuê nhà trung bình ở địa phương cho số lượng nhân khẩu hiện đang sinh sống tại căn nhà bị cưỡng chế, phải thi hành nghĩa vụ giao nhà. Trường hợp phải thuê nhà, kho để bảo quản tài sản vận chuyển từ địa điểm cưỡng chế cần khảo sát điều kiện bảo quản, cá nhân hoặc tổ chức có đủ điều kiện bảo quản tài sản, giá thuê, hóa đơn bảo đảm cho việc thanh toán tiền thuê, từ đó mới quyết định lựa chọn để ký kết hợp đồng thuê bảo quản tài sản cưỡng chế.
- Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản. Đối tượng chính mà Chấp hành viên phải quan tâm xác minh là người phải thi hành án, bởi vì, trong phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án thường là người đang quản lý hoặc sử dụng hoặc khai thác vật, giấy tờ, tài sản phải trả. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án cung cấp hiện vật đang do một người khác quản lý, sử dụng thì Chấp hành viên mới tiến hành xác minh qua người này. Tại nơi có vật, Chấp hành viên tập trung xác minh vật phải giao có còn không; ai là người đang quản lý hoặc sử dụng vật phải giao; vật phải giao đang trong tình trạng như thế nào (ghi chi tiết số lượng, chất lượng, chủng loại). Đối chiếu với bản án, quyết định có gì sai khác không? Nếu có khác là do bản án tuyên không chính xác, do thời gian, ngoại cảnh tác động hay do bị hủy hoại? Ai là người hủy hoại, phá hỏng, làm giảm giá trị của vật phải giao?
- Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất. Chấp hành viên cần tiến hành xác minh vị trí, diện tích đất phải giao có đúng với bản án, quyết định; Trên đất phải giao có tài sản hay không, nếu có thì tài sản đó có trước hay sau khi có bản án; Số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản có trên đất.
- Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc nhất định. Đây là loại nghĩa vụ liên quan đến nhân thân của người phải thi hành án. Do đó, nội dung xác minh của Chấp hành viên chính là khả năng, điều kiện thực hiện công việc của đương sự. Tuy nhiên, cần phải phân biệt nghĩa vụ có liên quan đến tài sản (như buộc tháo dỡ nhà trái phép, mở lối đi, bịt cửa sổ…) hoặc nghĩa vụ không liên quan đến tài sản (như xin lỗi công khai, cải chính, chấm dứt hành vi, giao con…) để có cách thức xác minh phù hợp. Tại nơi thực hiện công việc; nơi người phải thi hành án cư trú; UBND nơi người phải thi hành án cư trú, Chấp hành viên xác minh điều kiện kinh tế để thực hiện nghĩa vụ; thể chất, ý thức, thái độ của người phải thi hành án; khả năng tự thực hiện hành vi; trường hợp người phải thi hành án không tự thực hiện, người khác có thể thực hiện công việc theo quy định của pháp luật được không…
Có thể thấy rằng, trong tổ chức thi hành án, xác minh có vai trò rất quan trọng, có thể chi phối đối với hầu hết các giai đoạn khác nhau của quá trình thi hành án. Kết quả xác minh sẽ là cơ sở, định hướng để Chấp hành viên tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật, trên cơ sở kết quả xác minh một cách chính xác, toàn diện và đầy đủ, Chấp hành viên tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan xử lý hồ sơ phù hợp thực tế, đúng quy định pháp luật. Chính vì vậy, xác minh thi hành án phải được Chấp hành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa theo diễn biến của hồ sơ, vừa theo quy định pháp luật. Để trả lời cho câu hỏi hồ sơ có hay không có điều kiện thi hành án chỉ có thông qua kết quả xác minh mới trả lời được câu hỏi này, đồng thời thông qua xác minh làm cho công tác phân loại hồ sơ một cách chính xác, giảm áp lực công việc và tăng tính hiệu quả của công tác THADS.