Sign In

BÌNH ĐỊNH: NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

31/07/2020

Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người làm công tác thi hành án phải thận trọng, nghiên cứu, vận dụng đầy đủ các qui định, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi hành án phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan có liên quan, nhất là cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án thì việc thi hành án dân sự mới thành công. Thực hiện Quy chế số 982/2014/QCLN/CTHADS-CA-TAND-VKSND, ngày 01/10/2014 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự; sau 5 năm ký kết Quy chế, các cơ quan: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thi hành án dân sự, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án hàng năm.
 
 Một vụ phối hợp cưỡng chế THA giữa cơ quan THADS, VKSND và Công an

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Để triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, các cơ quan: Thi hành án dân sự, Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp của tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự là nhiêm vụ quan trọng, nhằm đưa pháp luật về thi hành án dân sự vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Với yêu cầu đó, các cơ quan đã phối hợp với Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, huyện lồng ghép, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và được triển khai đến các địa phương. Trong từng giai đoạn tố tụng, mỗi cơ quan đã tuyên truyền, hướng dẫn bị can, bị cáo, người được thi hành án, phải thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bản án, quyết định của toà án, thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định. Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp công dân, đã tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quyền và nghĩa vụ về thi hành án dân sự của bên được thi hành án, phải thi hành án để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ theo bản án. Mặt khác, thông qua việc tổ chức thi hành án tại khu dân cư, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; thông qua từng vụ việc cụ thể, đã động viên, giáo dục, thuyết phục, giải thích các qui định pháp luật để các bên đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan THADS với Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân đã thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan Thi hành án được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng theo qui định. Trường hợp bản án, quyết định Tòa án chuyển giao có nội dung chưa rõ, có sai sót, nhầm lẫn số liệu, cơ quan Thi hành án dân sự đã đề nghị Tòa án giải thích, đính chính để có căn cứ thụ lý và tổ chức thi hành án. Việc đính chính, giải thích của Tòa án đã làm rõ những nội dung yêu cầu, giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án dân sự chính xác. Đối với những trường hợp phát hiện có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hiện cơ quan Thi hành án dân sự đang thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó theo quy định của pháp luật.
 
Cơ quan Thi hành án dân sự thường xuyên rà soát, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo qui định tại Điều 61 của Luật Thi hành án dân sự đối với các khoản thu cho ngân sách, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước. Trong quá trình tổ chức thi hành án hoặc xử lý tài sản của người phải thi hành án, tài sản kê biên có tranh chấp yêu cầu phân chia tài sản chung, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án đã hướng dẫn các bên có liên quan khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Điều 74, 75 Luật Thi hành án dân sự.
        
Thường xuyên phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp thường xuyên kiểm sát việc ban hành các quyết định về thi hành án dân sự, kiểm sát việc ủy thác, nhận uỷ thác thi hành án, việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, kiểm sát về trình tự, thủ tục, thời hạn tổ chức thi hành án theo quy định. Hàng năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp đối với Chi cục Thi hành án dân sự và Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phối hợp thi hành án dân sự. Thông qua việc kiểm tra, đã theo dõi, nắm bắt tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp; thống nhất hướng dẫn đối với một số kiến nghị liên quan đến công tác thi hành án, công tác phối hợp của 2 cơ quan, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của từng cơ quan. Đối với một số vụ việc thi hành án dân sự lớn, phức tạp hoặc có vướng mắc, khó khăn, cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Tòa án nhân dân 2 cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện họp bàn, phương án xử lý. Đối với những vụ việc có kế hoạch cưỡng chế, trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan Thi hành án dân sự đã kịp thời gửi hồ sơ, kế hoạch cưỡng chế cho cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để nghiên cứu tham gia kiểm sát, nhất là những vụ việc phức tạp, đương sự chống đối cần phải theo dõi, kiểm sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức cưỡng chế.

Kịp thời phối hợp giữa cơ quan THADS với cơ quan Công an

 Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phối hợp thường xuyên, kịp thời và có trách nhiệm trong việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Đối với những vụ việc dự kiến cưỡng chế, trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan Thi hành án dân sự đã kịp thời gửi hồ sơ, kế hoạch cưỡng chế cho cơ quan Công an cùng cấp để nghiên cứu có ý kiến, nhất là những vụ việc phức tạp cần phải có phương án bảo vệ cưỡng chế. Đối với những vụ việc có huy động lực lượng lớn, được cơ quan Công an nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt kỹ thông tin để có kế hoạch phân công lực lượng tham gia cưỡng chế. Nhờ đó, đã tổ chức thành công nhiều vụ việc phức tạp, đương sự có chống đối, điển hình như: Vụ ông Đường Tư Khiêm, bà Nguyễn Thị Phương Lập, tại phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn; Vụ Công ty TNHH SXTM Thành Long, Phước An, Tuy Phước; Vụ ông Huỳnh Đức Thể và bà Lê Thị Tú Oanh, tổ 7, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân, cơ quan Thi hành án dân sự đã thường xuyên phối hợp với trại giam và trại tạm giam thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, thu tiền của phạm nhân hoặc phối hợp giao trả tài sản cho người đang thi hành án phạt tù. Nhờ đó, đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án phần dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam.
Mặc dù vẫn còn nhiều nội dung cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian đến, nhưng phải nói rằng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự sau được khi ban hành, các cơ quan: Thi hành án dân sự, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp của tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Sau 5 năm ban hành và thực hiện Quy chế, các cơ quan đã có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thi hành án dân sự. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2019 đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án của Bộ Tư pháp giao; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
                                                                                                                                               Hoàng Chương

Các tin đã đưa ngày: