Sign In

Cần tháo gỡ khó khăn, nâng cao trách nhiệm của các bên trong thi hành án hành chính

31/03/2023

Thi hành án hành chính là công việc hết sức quan trọng, đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi được thực hiện trên thực tế. Mặc dù, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (TTHC) và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016  của Chính phủ (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP) qui định rất cụ thể về trình tự, thủ tục và trách nhiệm thi hành bản án của Tòa án về vụ án hành chính, nhưng trong những năm gần đây, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính chưa cao, kết quả thi hành các bản án hành chính trên thực tế của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng còn thấp, nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn kéo dài, chưa được người phải thi hành án (cơ quan hành chính nhà nước) tự nguyện thi hành, số vụ việc chưa thi hành chuyển sang kỳ sau còn chiếm tỷ lệ khá lớn.
 

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, kết quả theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) có nội dung theo dõi trong 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh còn thấp, cụ thể: Năm 2020, cơ quan THADS thực hiện theo dõi 12 bản án, đã thi hành xong 04 bản án, chưa thi hành xong 08 bản án (đạt tỷ lệ 33%); năm 2021, theo dõi 18 bản án, kết quả thi hành xong 06 bản án, chưa thi hành xong 12 bản án (đạt tỷ lệ 33%); năm 2022, theo dõi thi hành 17 bản án, đã thi hành xong 08 bản án, chưa thi hành xong 09 bản án (đạt tỷ lệ 47%).

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (TTHC) và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, thì trách nhiệm thi hành bản án hành chính gồm: Người phải thi hành án (bao gồm cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị Tòa án ra tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính); cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo thi hành án hành chính; cơ quan Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm theo dõi việc thi hành án hành chính, theo đó đã qui định: (1) Trách nhiệm của người phải thi hành án hành chính (cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền), được qui định tại khoản 2 Điều 311 Luật TTHC: Người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 311 của Luật TTHC kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án; phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 311 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. (2)Trách nhiệm trong thi hành án hành chính của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, được quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật TTHC: Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật (nếu không thi hành, thi hành không đúng, không đầy đủ theo bản án của Toà án đã tuyên). (3) Trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự: Theo qui định tại Điều 14 Nghi định số 71/2016/NĐ-CP: Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án gửi. Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính... Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án... Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành bản án hành chính, cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền (cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp) xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính và Chương III của Nghi định số 71/2016/NĐ-CP.

Mặc dù pháp luật về thi hành án hành chính qui định trách nhiệm thi hành án của các cơ quan trong thi hành án hành chính rất rõ, nhưng trên thực tế thi hành án trong thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, từ qui định pháp luật nên việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của người phải thi hành án chưa được nghiêm túc, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Qua theo dõi cho thấy, kết quả thi hành án còn thấp có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu ở một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, Thi hành án hành chính theo qui định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ là cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, chưa có cơ chế bắt buộc người phải thi hành án thi hành nếu không tự nguyện THAHC (chưa qui định biện pháp cưỡng chế thi hành như trong thi hành án dân sự). Theo qui định thì người phải thi hành án (cơ quan hành chính) có trách nhiệm thi hành án sau khi nhận bản án hành chính có hiệu lực pháp luật và thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án, cho cơ quan cấp trên trực tiếp và cho cơ quan thi hành án dân sự (Điều 6, Điều 7 của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).

Thứ hai, Nhiều trường hợp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án của cấp dưới, chưa xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo qui định tại Chương III của Nghi định số 71/2016/NĐ-CP, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính nhưng không tự nguyện thi hành bản án hành chính.

Thứ ba, Một số bản án, quyết định của Tòa án chưa được sự đồng thuận của người phải thi hành án (cơ quan nhà nước) hoặc của người được thi hành án; có trường hợp bản án xét xử không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thi hành bản án, người phải thi hành án có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, nên lấy lý do kéo dài thời gian thi hành án.

 Thứ tư, Một số trường hợp người phải thi hành án chưa tự mình khắc phục,  thực hiện các thủ tục, hành vi hành chính trước đây đã bị tòa án tuyên hủy, sửa, nhất là trong việc cấp, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất cho người được thi hành án nhưng vẫn không bị cơ quan cấp trên xử lý trách nhiệm theo qui định.

Thứ năm, Bản án, quyết định của Tòa án về hành chính thường là những vụ việc có tính chất rất phức tạp, liên quan đến tranh chấp đất đai, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ, các chính sách pháp luật về đất đai ở mỗi giai đoạn có sự thay đổi, qui định có sự khác nhau. Để theo dõi, thi hành dứt điểm đòi hỏi phải trải qua nhiều thủ tục với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau, trong khi đó cơ quan Thi hành án dân sự không có biện pháp nào khác ngoài việc chỉ kiến nghị cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án.

Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính trong thời gian đến, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các bên trong thi hành án hành chính, nhất là người phải thi hành án hành chính, chúng ta cần phải thực hiện các đồng bộ giải pháp, trong đó tập trung các giải pháp chủ yếu, đó là:

Thứ nhất, Sớm rà soát các qui định Luật Tố tụng hành chính và pháp luật có liên quan, trong đó cần tập trung rà soát những qui định bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn thi hành án hành chính, kịp thời kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng các chế tài, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, có cơ chế bắt buộc đối với người phải thi hành án khi không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính; nếu không thực hiện, cần có cơ chế xử lý kỷ luật bằng các hình thức phù hợp.

Thứ hai, Xác định rõ và gắn trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan quản lý cấp trên của người phải thi hành án hành chính trong giai đoạn thi hành án hành chính, đồng thời phải liên đới chịu trách nhiệm nếu không chỉ đạo, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp dưới, khi không thi hành bản án, quyết định về hành chính.

Thứ ba, Cùng với việc tăng cường trách nhiệm, pháp luật cần trao cho cơ quan Thi hành án dân sự những nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hành chính đủ mạnh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn để tổ chức thi hành án đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất.

 
Hoàng Chương

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: