Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2022. Qua gần 14 năm thực hiện cho thấy vị trí, vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây; hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự được tăng cường; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được quy định chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể hơn; mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự và việc nhận thức, tính chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự của các cá nhân, tổ chức được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế chiếm tỷ lệ khá lớn, các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân được đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Thi hành án dân sự cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa được hoàn thiện; nhiều quy định của Luật với các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc với các quy định pháp luật có liên quan thiếu đồng bộ, thống nhất làm cho công tác thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn, vướng mắc... Một trong những vướng mắc, bất cập thường gặp trong trong thi hành án là lĩnh vực đất đai, tài sản gắn liền với đất liên quan đến thi hành nội dung bản án, quyết định. Trên thực tế, những khó khăn, vướng mắc này không chỉ do số lượng vụ việc thi hành án có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ rất lớn, tính chất phức tạp mà trong đó, nhiều vụ việc vướng mắc do một số qui định của Luật thi hành án dân sự và Luật Đất đai năm 2013 có sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính thống nhất, thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai qui định “ Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo qui định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử sụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Điều 212 BLDS năm 2015 qui định sở hữu chung của các thành viên trong gia đình: Tài sản của các thành viên trong gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên góp và cùng nhau tạo lập nên. Từ hai khái niệm trên dẫn đến việc xác định thành viên hộ khác nhau, cơ quan Thi hành án dân sự khi kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án gặp khó khăn. Mặt khác, cùng vấn đề này trên thực tế nhiều trường hợp chuyển quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng trong giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lại ghi cấp cho hộ gia đình dẫn đến việc xử lý tài sản thi hành án trong các trường hợp này phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phần quyền sở hữu tài sản, phân chia tài sản, xác định công sức đóng góp của các thành viên của hộ trong khối tài sản chung.
Thứ hai, về thẩm quyên thu hồi đất, Điều 66 của Luật Đất đai năm 2013 qui định về thẩm quyền thu hồi đất, trong đó không có thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tại Điểm d Khoản 2 Điều 36 của Luật THADS năm 2008, sửa đổi năm 2014 và năm 2022 qui định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án đối với phần bản án, quyết định sau: .. d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung công quỹ nhà nước;”. Như vậy, việc Luật THADS qui định Thủ trưởng cơ quan THADS phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án đối với phần bản án, quyết định về thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung công quỹ nhà nước, trong khi theo qui định của Luật Đất đai năm 2013 thì Chấp hành viên không có thẩm quyền thu hồi đất là chưa đảm bảo tính thống nhất.
Thứ ba, về cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo qui định tại khoản 3 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đối với hộ gia đình, cá nhân, được sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền “đã được thi hành” thì được cấp giấy chứng nhận. Trên thực tế có một số bản án, quyết định được Tòa án tuyên giao quyền sử dụng đất trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng, mặc dù tại quyết định của bản án đã xác định mỗi người đều đang tự quản lý, sử dụng phần tài sản được nhận, đồng thời tuyên rõ các bên đương sự có quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục liên quan đến việc xác lập quyền sử dụng đối với tài sản. Tuy nhiên, một số địa phương, cơ quan có thẩm quyền không thực hiện việc cấp GCNQSDĐ khi công dân có đề nghị với lý do qui định liên quan đến nội dung “đã được thi hành” nêu trên, cần phải có quyết định thi hành án và có kết quả thi hành án giao tài sản của cơ quan THADS đối với tài sản. Trong khi đó theo Điều 32 của Luật THADS và khoản 5, Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, ngày 17 tháng 3 năm 2020 thì trường hợp này không thuộc thẩm quyền thụ lý của cơ quan Thi hành án dân sự. Đây là nội dung pháp luật chưa điều chỉnh đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ tư, về đính chính, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, Điểm d Khoản 2, Điều 106 của Luật Đất đai đã qui định Nhà nước tiến hành đính chính và thu hồi giấy chứng nhận đã cấp khi: “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo qui định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo qui định của pháp luật đất đai”. Khoản 5 Điều 87 Nghi định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai: “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp qui định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyền theo qui định của pháp luật. Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo qui định tạo Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai.
Tuy nhiên, tại Khoản 4 Điều 106 và Khoản 3 Điều 116 Luật THADS qui định: “Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành việc có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án, người trúng đấu giá tài sản thi hành án…” Như vậy, theo qui định của pháp luật đất đai thì Nhà nước sẽ không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp mà chỉ xử lý hậu quả của việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật và xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, không qui định về việc cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp qui định tại Khoản 4 Điều 106 và Khoản 3 Điều 116 của Luật THADS nên dẫn đến khó khăn, vướng mắc do không thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua được tài sản hoặc được giao tài sản thi hành án trong trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận của người phải thi hành án.
Công Hoàng