Sign In

Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực và Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk

04/08/2017

Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực và Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk
Ngày 02/8/2017, Đoàn Công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự do đồng chí Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực làm trưởng đoàn đã đến làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, các đồng chí Phó cục trưởng, Trưởng, Phó phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục, Chấp hành viên, Thẩm tra viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc.

Tại buổi làm việc với Đoàn, đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo kết quả các mặt công tác thi hành án dân sự của tỉnh đã đạt được trong 10 tháng năm 2017. Thuận lợi và kết quả thi hành án, Hệ thống Thi hành án dân sự của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự; sự quan tâm, ủng hộ của Cấp ủy và chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức và người lao động của Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã từng bước trưởng thành, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nên kết quả công tác của 10 tháng năm 2017 đạt được khả quan, thi hành xong về việc 10.359 việc đạt tỷ lệ 75,89%, về tiền 346.145.816.000 đồng đạt tỷ lệ 37,71%, tỷ lệ giảm việc có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn dương 29%, tỷ lệ giảm tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn dương 4,39%. So với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao, toàn Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành và vượt hai chỉ tiêu (giải quyết xong vượt 4,89% về việc, vượt 5,71% về tiền).
Khó khăn: tuy nhiên công tác thi hành án dân sự của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, như: Biên chế công chức các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh liên tục bị cắt giảm nên ngày càng teo, mỏng đi (năm 2016 và năm 2017 bị cắt giảm 05 biên chế), trong khi khối lượng công việc lớn và ngày càng tăng cao, quá tải về công việc (như: mỗi Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột phải giải quyết bình quân 02 việc/01 ngày, khoảng 400 việc/01 năm, trong khi theo Đề án xác định vị trí việc làm của Hệ thống Thi hành án dân sự, thì mỗi Chấp hành viên trong cả năm chỉ có khả năng thi hành và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ với khối lượng khoảng 80 việc đến 90 việc/01 năm).
Tính nghiêm khắc, nghiêm minh trong pháp luật về thi hành án dân sự chưa được đề cao, nhiều trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng cố tình chây ỳ, hoặc lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại, chống đối việc thi hành án.
Trình tự tổ chức thi hành án dân sự còn nhiều thủ tục, đặc biệt là việc kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Thực trạng, thực tế quyền sử dụng đất và tài sản trên đất so với với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự khác nhau (chênh lệch, sai sót về diện tích, vị trí, số lô, số thửa và tài sản,…), việc phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để kê biên, xử lý quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp còn chậm, nhất là thời gian giải quyết tranh chấp tài sản kê biên còn kéo dài. Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng chỉ một người trong hộ gia đình phải thi hành án, tuy nhiên việc xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và phải chờ đợi thời gian rất dài.
Việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thuận lợi, tuy có tài sản bảo đảm, nhưng việc thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân, như: người phải thi hành án có tài sản thế chấp nhưng đã chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản này cho nhiều người khác bằng giấy viết tay trước thời điểm thế chấp và cả ở thời điểm sau thế chấp, không qua thủ tục công chứng, chứng thực. Hiện trạng tài sản bảo đảm không đúng với nội dung bản án, quyết định của Tòa án; tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng khi thực hiện thế chấp không có ý kiến của tất cả các thành viên trong hộ gia đình nên khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản thì phát sinh tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng; giá trị thực của tài sản rất thấp, nhưng tổ chức tín dụng, ngân hàng thẩm định với giá rất cao và cho vay với số tiền rất lớn, nên kết quả thu hồi cho khoản vay này rất thấp. Việc giao bảo quản tài sản kê biên thi hành án theo Điều 58, Điều 112 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu chế tài điều chỉnh, nhiều trường hợp người được giao quản lý tài sản đã tự ý thay đổi hiện trạng tài sản (xây dựng, cơi nới thêm hoặc tháo dỡ tài sản, tháo dỡ một phần công trình, trồng thêm cây mới hoặc chặt phá cây cối v.v…) làm cản trở, gây khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án vv...
Trụ sở làm việc của các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh hầu hết đều nhỏ hẹp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công tác và hầu hết các đơn vị chưa được đầu tư xây dựng kho vật chứng (12/16 đơn vị chưa được xây dựng kho vật chứng)... Trên cơ sở đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cấp có thẩm quyền dừng thực hiện việc tinh giản biên chế với tỷ lệ 1,5%/năm của các cơ quan Thi hành án dân sự, giúp các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk ổn định biên chế, có đủ lực lượng và nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiến nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong đó đề cao tính nghiêm khắc, nghiêm minh của pháp luật về thi hành án dân sự, chú trọng rút gọn và đơn giản trình tự, thủ tục thi hành án, như: các trình tự Thông báo thi hành án, bỏ cơ chế bán đấu giá tài sản đến cùng để thi hành án. Kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng, người phải thi hành án có mặt và chứng kiến việc kê biên tài sản nhưng không ký vào biên bản giao bảo quản tài sản, thì biên bản giao bảo quản tài sản được coi là hợp lệ khi có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương và các thành viên tham gia cưỡng chế kê biên tài sản vv...


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã biểu dương và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong 10 tháng năm 2017 của Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều sáng kiến, sáng tạo của lãnh đạo Cục, đặc biệt là các sáng kiến, giải pháp của đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đồng thời ghi nhận và chia sẻ những khó khăn đối với Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, đồng thời đồng chí cũng yêu cầu Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh cần đẩy mạnh việc tổ chức thi hành án, xử lý án trọng điểm, chỉ đạo xử lý dứt điểm 03 việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được cho người mua trúng đấu giá tài sản, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án, phấn đấu đến 30/9/2017, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đạt được cả 4 chỉ tiêu công tác được Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
Đối với những kiến nghị và đề xuất của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đồng chí Phó tổng cục trưởng ghi nhận và sẽ báo cáo với đồng chí Tổng cục trưởng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp để xem xét giải quyết.
 

       Thay mặt cho Hệ thống Thi hành án dân sự của tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Bùi Đăng Thủy, Bí thư Đảng ủy Cục - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk trân trọng cảm ơn đồng chí Phó tổng cục trưởng và Đoàn công tác đã đến làm việc và có ý kiến chỉ đạo cũng như chia sẻ những khó khăn, thách thức của cán bộ, công chức và người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk trong tổ chức thi hành án để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm công tác 2017, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao. 

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
 
Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk

Các tin đã đưa ngày: