Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2021) và trong không khí phấn khởi chung của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp trân trọng giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, phát triển của Phòng Tổ chức cán bộ và một số thành tích nổi bật của Phòng trong thời gian qua và mục tiêu, giải pháp công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới.
Phòng Tổ chức cán bộ tiền thân gồm bộ phận cán bộ phụ trách công tác tổ chức, cán bộ thuộc Phòng Tổ chức, hành chính, tổng hợp và tài vụ của Thi hành án dân sự Tỉnh.
Đến năm 2008, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự, văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác Thi hành án dân sự. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp được thành lập (Quyết định số 3096/QĐ-BTP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp) với 04 Phòng chuyên môn và cũng từ đó Phòng Tổ chức cán bộ được thành lập với 02 biên chế. Cũng từ đây, Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự đã không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình trong công tác tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị trong về công tác tổ chức cán bộ trong toàn tỉnh.
Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Phòng Tổ chức cán bộ tuy có sự thay đổi liên tục về biên chế (khi cao nhất là 04 biên chế). Đến nay, biên chế của Phòng là 03 công chức, trong đó có 01 Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 01 công chức chuyên môn.
Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ trước đây, công chức Phòng Tổ chức cán bộ hiện nay đã và đang nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Những năm gần đây, Phòng Tổ chức cán bộ đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ngành và Hệ thống Thi hành án dân sự, trong củng cố, kiện toàn và phát triển công tác cán bộ. Phòng Tổ chức cán bộ cơ bản đã thực hiện tốt trong việc tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp trên các lĩnh vực chuyên môn góp phần thiết thực nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của Cục Thi hành án dân sự; giúp Cục Thi hành án dân sự thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về công tác thi hành án dân sự nói chung và trong công tác quản lý công chức, người lao động nói riêng.
Với chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thực hiện quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự và Chi Cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố thuộc tỉnh. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản như:
- Tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, biện pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật về tổ chức cán bộ thi hành án dân sự đối với Cục và các Chi cục trực thuộc sau khi được ban hành.
- Nắm bắt tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức cán bộ để kịp thời đề xuất với Lãnh đạo Cục, Tổng cục các biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Tham mưu, hoàn tất Hồ sơ, thủ tục để Cục trưởng trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định các nội dung về công tác cán bộ thuộc Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc;
- Giúp Cục trưởng thực hiện quản lý toàn diện công tác tổ chức cán bộ của Cục, Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc trên các mặt công tác.
- Tham mưu giúp Cục trưởng thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua khen thưởng của Cục và của Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc;
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quy chế làm việc; Quy chế quản lý tài sản; Quy chế chi tiêu nội bộ của Cục Thi hành án dân sự, các quy định của Bộ Tư pháp và theo quy định của pháp luật...
Được sự quản lý, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, và của ngành cấp trên, cùng sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, sự phối hợp của các Phòng chuyên môn, Chi cục Thi hành án dân sự. Trong những năm qua Phòng Tổ chức cán bộ đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu giúp lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoàn thành những nhiệm vụ của công tác tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Đi đôi với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, Phòng Tổ chức cán bộ cũng từng bước trưởng thành, đáp ứng những nhiệm vụ ngày càng cao của từng thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể Phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự được một số thành quả nổi bật trong công tác tổ chức, cán bộ như sau:
1. Về công tác xây dựng hệ thống các cơ quan và biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh
Cách đây 28 năm, năm 1993, Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập 12 cơ quan Thi hành án, gồm Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp và 11 Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, Tòa án đã bàn giao công tác thi hành án sang cho cơ quan Tư pháp với số lượng 35 công chức (gồm 01 Chánh án, 02 Phó Chánh án, 01 Thẩm phán, 08 Chấp hành viên và 23 công chức khác). Các công chức này có kinh nghiệm thực tiễn làm công tác thi hành án, nhưng về trình độ pháp lý thì phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, chỉ có 28% Chấp hành viên, công chức có trình độ đại học Luật và tương đương; cơ cấu tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị chỉ có Thủ trưởng hoặc chỉ có người phụ trách, Chấp hành viên rất ít, có 04 đơn vị không có Chấp hành viên.
Đến nay, công tác xây dựng hệ thống và biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được củng cố và kiện toàn:
- Về hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự: Cục Thi hành án dân sự có 05 Phòng chuyên môn (Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Tài chính – Kế toán, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự và Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo) và 12 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (03 Chi cục Thi hành án dân sự thành phố và 09 Chi cục Thi hành án dân sự huyện).
- Về biên chế hiện nay tăng gấp ba lần so với năm 1993, gấp đôi so với năm 2004, tính đến thời điểm 01/7/2021 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp có 156/163 biên chế công chức và 47 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng tại Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Trong đó, có 29 Chấp hành viên trung cấp, 49 Chấp hành viên sơ cấp, 01 Thẩm tra viên chính, 02 Chuyên viên chính, 17 Thẩm tra viên, 22 Thư ký, Thư ký trung cấp và 37 chức danh khác.
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh ngày càng được củng cố và kiện toàn. Tính đến thời điểm hiện tại có 44 công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự có 02 công chức, lãnh đạo Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự là 12 công chức và lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện là 31 công chức.
(Hội nghị triển khai công tác năm)
|
(Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục THADS)
|
Qua đó có thể thấy, cơ cấu tổ chức của các đơn vị cơ bản được kiện toàn, với các chức vụ, chức danh cần thiết của một cơ quan, tổ chức theo quy định. Lực lượng Chấp hành viên, công chức hiện nay, hầu hết đều được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức
Để nâng cao chất lượng của công chức nói chung và đáp ứng nhiệm vụ trong thời đại mới. Hàng năm, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đã cử nhiều lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ như Đại học, Thạc sỹ, lý luận chính trị, bồi dưỡng các ngạch Chấp hành viên trung cấp; Nghiệp vụ thi hành án; Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên, Quản lý nhà nước; Quản lý lãnh đạo; Quốc phòng An ninh...
Hầu hết các công chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành cũng như công việc đề ra, được bố trí, sử dụng đúng người đúng việc, đúng chuyên môn để nâng cao hiệu quả công việc. Những công chức trong quy hoạch sau khi được đào tạo về lý luận chính trị được đề bạt bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đã phát huy tốt chức trách của mình trên cương vị mới. Chất lượng công chức đã được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực công tác, thay đổi phong cách làm việc theo hướng tích cực, thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn; đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới.
Nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn. Về chuyên môn nghiệp vụ tính đến nay các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh có 09 công chức có trình độ thạc sỹ, 141 công chức có trình độ đại học và 06 công chức có trình trình độ dưới đại học. Về trình độ chính trị có 30 công chức có trình độ Cao cấp và cử nhân chính trị; 47 công chức có trình độ Trung cấp lý luận chính trị; 26 công chức có trình độ Quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên chính; 61 công chức có trình độ Quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên; 100% công chức đã qua đào tạo ngoại ngữ và tin học theo quy định. Đồng thời, hầu hất các công chức lãnh đạo, quản lý đã qua bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và Quốc phòng an ninh theo quy định.
3. Về công tác chế độ chính sách và thi đua khen thưởng
* Về công tác chế độ chính sách: Căn cứ các quy định của pháp luật, trong những năm qua Phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách cho công chức và người lao động trong tỉnh. Các chế độ như lương và các khoản phụ cấp, cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an sinh.... Đồng thời, Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự đều thực hiện tiết kiệm và chi thu nhập tăng thêm cho công chức, người lao động nhằm để cải thiện đời sống vật chất, khích lệ tinh thần làm việc của công chức, người lao động.
* Về công tác thi đua khen thưởng
Trên cơ sở các thành tích đạt được trong các cơ quan Thi hành án dân sự đã được các cấp có thẩm quyền tặng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng như:
- Khen thưởng cấp nhà nước: có 03 tập thể và 03 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3; có 04 tập thể và 03 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 01 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Chính phủ.
- Khen thưởng của Bộ Tư pháp: tính từ năm 2005 đến năm 2020 các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận tập thể lao động xuất sắc cho 75 lượt tập thể; tặng Cờ thi đua Ngành Tư pháp cho 12 lượt tập thể; tặng Bằng khen cho 44 lượt tập thể và 99 lượt cá nhân và tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành cho 07 lượt cá nhân.
- Khen thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh: tính từ năm 2005 đến năm 2020 các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc cho 08 lượt tập thể; tặng Cờ thi đua cho 02 lượt tập thể; tặng Bằng khen cho 27 lượt tập thể và 54 lượt cá nhân và tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 02 lượt cá nhân.
Bên cạnh đó, Phòng tổ chức cán bộ còn tham mưu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, Giấy khen cho nhiều lượt tập thể và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; lao động tiên tiến và tặng Giấy khen Cục trưởng cho nhiều lượt cá nhân.
Một số hình ảnh về công tác khen thưởng
(Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan, trao Bằng khen)
(Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, trao Cờ thi đua Chính phủ cho đại diện Cục THADS)
(Cục trưởng Vũ Quang Hiện, trao Cờ thi đua Ngành Tư pháp cho đại diện Cục THADS và Chi cục THADS)
Chính sự cố gắng, nỗ lực đó trong công tác tham mưu về tổ chức cán bộ, Phòng Tổ chức cán bộ đã nhiều năm liền được Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự công nhận và khen thưởng thành tích Tập thể lao động xuất sắc; 03 lần được Bộ Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Ngoài ra, công chức của phòng nhiều năm được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác.
Với những kết quả đã đạt được và nhiệm vụ trong thời gian tới Phòng Tổ chức cán bộ đề ra mục tiêu và định hướng giải pháp như sau:
Về mục tiêu: tham mưu lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự kiện toàn đủ biên chế được giao, cũng như đủ số lượng công chức lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng...
Về giải pháp trong thời gian tới:
Để xây dựng được một bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu công tâm, vừa có tâm, có tầm, am hiểu về công tác tổ chức, cán bộ ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như công chức của phòng cần không ngừng nâng cao nhận thức trong về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Trau dồi và nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ; không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với nhu cầu công việc...
Phấn khởi, tự hào về truyền thống Thi hành án dân sự và trên cơ sở nhận thức sâu sắc các yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới, toàn thể công chức, người lao động các cơ quan THADS tỉnh Đồng Tháp và công chức Phòng Tổ chức cán bộ nói riêng sẽ thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, nổ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác THADS và công tác cán bộ trong thời gian tới.
Phòng Tổ chức cán bộ Cục THADS tỉnh Đồng Tháp