Hội nghị đã được nghe giới thiệu và phổ biến tuyên truyền những điểm mới và một số vấn đề cần lưu ý của 02 Luật: Luật đấu giá tài sản năm 2016 và Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016 gồm 8 chương, 81 điều. Sự ra đời của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, triển khai Luật nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá, trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Tại hội nghị, các đại biểu và hội viên được đồng chí Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng đấu giá tài sản, Cục bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật như: Nguyên tắc đấu giá và các hành vi bị cấm; quy định về đấu giá viên, trình tự, thủ tục, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá…
Về tài sản bán đấu giá: Luật quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản khi bán đấu giá các loại tài sản đó.
Về nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm: Luật quy định nguyên tắc đấu giá tài sản phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Về Đấu giá viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Luật cũng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, Thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.
Về tổ chức đấu giá tài sản: Luật quy định tổ chức đấu giá tài sản bao gồm doanh nghiệp đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.
Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Khắc phục hạn chế, vướng mắc của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản đã tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước (thể hiện qua các quy định về việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá; hình thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá; các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản...).
Tiếp đó, Hội nghị cũng được nghe đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính - Bộ Tư pháp phổ biến những nội dung cơ bản của BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), đề cập đến 4 điểm sửa đổi, bổ sung chính về những quy định liên quan đến chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, những quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, mức định lượng trong các khung của một số điều luật và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của luật sư về tội che giấu tội phạm. Cụ thể, về quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017, luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu “không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”. Điểm khác của quy định này so với Bộ luật năm 2015 nằm ở nội hàm “biết rõ” của người bào chữa mà theo đồng chí báo cáo viên, giới luật sư rất “thích thú” vì khó có thể có chứng cứ chứng minh được việc “biết rõ”.Hay đối với các quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, Báo cáo viên cho biết, việc sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh là tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324). Luật cũng bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9 và 86 của BLHS)…
Sau một buổi chiều, Hội nghị tuyên truyền phổ biến Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật đấu giá tài sản năm 2016 của Chi hội Luật gia Cục THADS thành phố Hà Nội đã diễn ra nghiêm túc, cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Qua Hội nghị ngày, các Hội viên của Chi hội Luật gia tiếp tục phát huy tốt nhất những kiến thức đã được học tập để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018 của ngành Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội./.
Nguyễn Văn Dụng