Nhiều ứng dụng
Trong bối cảnh lượng án phải thi hành không ngừng tăng cao nhưng biên chế không tăng, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, Cục THADS tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp ứng dụng CNTT trong THADS.
Hàng năm, Cục THADS tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong hệ thống các cơ quan THADS tỉnh, đặc biệt là kế hoạch giai đoạn 2021-2025 về “Ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan THADS tỉnh Hậu Giang” đảm bảo bám sát các nội dung theo chỉ đạo, đạt nhiều kết quả cao.
Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, hiện nay, 100% công chức, người lao động của các cơ quan THADS được trang bị mỗi người 1 máy tính kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet, đảm bảo trang thiết bị làm việc...
Về nhân lực, tại Cục được phân bổ 1 biên chế chuyên trách CNTT; các chi cục THADS chưa có công chức chuyên trách về CNTT, chủ yếu là kiêm nhiệm.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh
Một số ứng dụng nội bộ đã được xây dựng triển khai áp dụng tại Cục và các chi cục: Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS; phần mềm quản lý văn bản đi/đến; phần mềm quản lý văn bản điều hành; phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; hộp thư công vụ... sử dụng hệ thống xác thực tập trung cho tất cả các phần mềm và áp dụng chữ ký số.
Đối với ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiện tại cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT) THADS thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động THADS; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2; hỗ trợ trực tuyến THADS đối với yêu cầu THADS; yêu cầu xác nhận kết quả THADS; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về THADS; đăng tải công khai danh sách người phải THA chưa có điều kiện, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai và thông tin về việc không chấp hành án hành chính; tích hợp với Cổng TTĐT Chính phủ đăng tải thông tin về thi hành án hành chính; tích hợp các thông báo lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá và thông tin bán đấu giá tài sản THADS; kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị qua các kênh thông tin như: Đường dây nóng, cổng dịch vụ công Quốc gia, ứng dụng di động Hậu Giang (App Hậu Giang)… nhằm để nâng cao hiệu quả phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin có liên quan đến lĩnh vực THADS trên địa bàn.
So với yêu cầu công tác THADS hiện nay thì việc ứng dụng CNTT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, trong thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện, tăng cường các nguồn lực, tích cực phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về CNTT hỗ trợ, hợp tác phát triển.
Cần sửa một số quy định
Trước cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để rút ngắn thời gian và tổ chức thi hành án, hệ thống THADS Hậu Giang có các đề xuất cụ thể.
Đó là cần sửa đổi quy định về chuyển giao bản án, quyết định: Theo Điều 28 Luật THADS quy định chuyển giao bản án, quyết định; thủ tục giao nhận bản án, quyết định tại Điều 29 Luật THADS khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hình thức này đang bộc lộ rất nhiều hạn chế như: Tốn nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc giao, nhận và cần nhiều nhân lực để thực hiện và có thể dẫn tới sai sót, nhầm lẫn, khó kiểm soát.
Hiện tại, thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử. Do vậy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống THADS với ngành Tòa án chỉ đạo gửi bản án, quyết định bằng thư điện tử hoặc chia sẻ trên phần mềm bằng cách cấp quyền truy cập vào phần mềm chung thì việc này hoàn toàn có tính khả thi. Việc “số hóa” bản án, quyết định và gửi, nhận trên phần mềm không chỉ đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời của việc chuyển giao mà còn phát huy tính chủ động của cơ quan THADS trong việc tiếp nhận bản án, quyết định từ các cơ quan tài phán có thẩm quyền.
Cần sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu THADS. Theo quy định về tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án tại Điều 31 Luật THADS có 3 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện); mặt khác, kèm theo yêu cầu thi hành án thì “người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”. Quy định này tạo ra sự chặt chẽ, gắn với hoạt động tư pháp chịu sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm lợi ích của đương sự.
Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án này có lẽ không còn phù hợp bởi lẽ bị hạn chế về tính nhanh chóng, toàn diện của hình thức yêu cầu THADS cũng như thời hạn ra quyết định THADS theo yêu cầu và nhiều thủ tục khác để kịp thời thi hành hiệu quả việc THADS. Việc quy định hình thức yêu cầu thi hành án trực tuyến cũng nên được quan tâm để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, góp phần rút ngắn thời gian thụ lý thi hành án.
Thực tiễn THADS cho thấy, qua thời gian việc thực hiện “hỗ trợ trực tuyến yêu cầu THADS” mà Tổng cục THADS đã triển khai, tích hợp lên cổng/trang TTĐT THADS, Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp, người dân có thể truy cập vào đó để tương tác trực tuyến với cơ quan thi hành án trên môi trường mạng, rất thuận tiện cho việc gửi email đến cơ quan thi hành án và tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến từ cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết, góp phần giảm thiểu chi phí về thời gian, vật chất; mặt khác, tạo môi trường tương tác trực tuyến giữa người dân với cơ quan THADS, từng bước tăng cường công khai, minh bạch thủ tục THADS, đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với công chức THADS.
Sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng cường thanh toán tiền thi hành án bằng hình thức chuyển khoản và thu, nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí qua Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hình thức trực tuyến. Theo quy định của Luật THADS, các thông tư hướng dẫn thì thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án theo phương thức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thu tiền, tài sản thi hành án, giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, cơ quan THADS phải tiến hành thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án theo thứ tự và thu phí thi hành án theo quy định của pháp luật.
Việc thanh toán tiền, trả tài sản được thực hiện theo một trong các hình thức: Đương sự trực tiếp đến nhận tiền tại trụ sở cơ quan thi hành án; đương sự ủy quyền cho người khác nhận thay. Với thủ tục thanh toán tiền THADS hiện nay thì phương thức thanh toán tiền thi hành án được ưu tiên là đương sự trực tiếp đến nhận tiền (hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận thay) tại cơ quan THADS và như vậy có nghĩa là thanh toán bằng tiền mặt. Việc thanh toán tiền bằng phương thức chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản chỉ được thực hiện khi người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản. Điều này phần nào hạn chế sự chủ động của cơ quan THADS, vì vậy, nếu đương sự không có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản thì cơ quan THADS không được thực hiện việc thanh toán tiền bằng phương thức này. Điều đó hạn chế sự chủ động của cơ quan THADS và trong trường hợp nhất định sẽ dẫn đến khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán tiền thi hành án, quá tải công việc đối với cơ quan THADS (do số tiền phải thanh toán lớn, thời gian rút tiền từ Kho bạc về cơ quan THADS, thời gian nhập quỹ, rút quỹ, kiểm đếm tiền mặt, xác định tiền thật hay tiền giả...).
Nếu như quy định việc thanh toán tiền qua tài khoản quy định là bắt buộc thì sẽ giảm bớt thời gian thanh toán tiền thi hành án và kiểm soát chặt chẽ được tiền, tài sản trong THADS; việc thanh toán bằng tiền mặt chỉ thực hiện trong trường hợp đặc biệt với số tiền rất nhỏ hoặc người được nhận tiền không thể có tài khoản.
Từ đó, cần phải sửa đổi Luật THADS để bổ sung quy định theo hướng tăng cường và bắt buộc thanh toán tiền thi hành án bằng hình thức chuyển khoản và thu, nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí qua Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hình thức trực tuyến; về hình thức gửi và nhận yêu cầu THADS trực tuyến và tạo lập cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ kết nối giữa Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh với cơ quan THADS để giảm thiểu chi phí về nhân lực và vật lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục THADS nhanh hơn, góp phần rút ngắn thời gian thi hành bản án, quyết định.
Bài, ảnh: H.HUY- T.THỨC
Theo Hậu Giang Online (https://www.baohaugiang.com.vn)