Năm 2023, nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu của ngành THADS tỉnh đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp
tặng bằng khen. Ông Lê Phước Toàn (giữa), Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, trao thưởng.
Trong năm 2023, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông ?
- Năm qua, trên cơ sở kế hoạch công tác năm đã đề ra, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao với tinh thần khẩn trương, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Về phía tập thể lãnh đạo Cục THADS tỉnh, các đơn vị đã rất quyết liệt, sâu sát, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Qua đó, trong năm toàn ngành giải quyết xong 8.229/9.802 việc và 246/481 tỉ đồng về tiền có điều kiện thi hành; lần lượt đạt tỷ lệ 83,95% về việc, vượt so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao 1,15% và 51,24% về tiền, vượt so với chỉ tiêu giao là 5,44%.
Công tác thi hành án dân sự liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đương sự. Quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn kéo dài, phải không thưa ông?
- THADS được xem khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của tòa vào thực tiễn cuộc sống; công tác thi hành án có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy rằng, công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Đối với Hậu Giang, hiện nay một số vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn, nhất là các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng, tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần không có người mua, dẫn đến kéo dài thời gian không thi hành dứt điểm được.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, người phải thi hành án không có tài sản lại đang chấp hành hình phạt tù, khi mãn hạn tù bỏ địa phương đi xa không xác định được địa chỉ... một số trường hợp đương sự cố tình khiếu nại, cản trở, né tránh trách nhiệm thi hành án gây khó khăn cho cơ quan thi hành án. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo tính chất ngày càng gay gắt và phức tạp; một số vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Ngoài ra, hiện ngành thi hành án còn 7/8 đơn vị chưa có kho vật chứng nên còn gặp khó khăn trong việc giao nhận, trả và bảo quản tang vật cũng như tài sản của đương sự.
Qua 20 năm tỉnh Hậu Giang thành lập, ngành THADS Hậu Giang đã có những bước trưởng thành và phát triển, ông đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành viên của ngành THADS tỉnh hiện nay và đơn vị đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ này?
- Về đội ngũ cán bộ, công chức, toàn ngành hiện có 93/94 biên chế định biên, được bố trí đảm bảo theo vị trí việc làm, đảm bảo việc phân công một bộ phận, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một bộ phận, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Nhìn chung, đội ngũ công chức tại các cơ quan THADS trong tỉnh còn trẻ, đặc biệt là đội ngũ chấp hành viên, thư ký thi hành án, đây là lực lượng nòng cốt theo cơ cấu tổ chức, bộ máy của hệ thống. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ vẫn còn hạn chế nhất định.
Trước thực trạng trên, Cục THADS tỉnh đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của ngành. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phổ biến, quán triệt thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường, nắm bắt, nhận diện tình hình công chức tại Cục THADS tỉnh và các chi cục THADS trực thuộc để kịp thời xử lý ngay, hạn chế các trường hợp phải xử lý kỷ luật; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đơn vị cũng sẽ kịp thời kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý đảm bảo về số lượng, đáp ứng về chất lượng; thường xuyên rà soát điều kiện, tiêu chuẩn của công chức theo vị trí việc làm cử đi đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trong công tác THADS, thưa ông?
- Để tiếp tục hoàn thành tốt công tác THADS trong năm 2024, ngay từ đầu năm công tác, Cục THADS tỉnh đã phát động phong trào thi đua chuyên đề về tổ chức THADS năm 2024, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với tình hình của các cơ quan THADS tại địa phương. Mặt khác, trong khi chờ Tổng cục THADS giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm, Cục THADS tỉnh cũng chủ động ban hành Quyết định về việc tạm giao chỉ tiêu thi hành án dân sự, hành chính năm 2024 cho các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh để thực hiện, không để xảy ra tình trạng đủng đỉnh, nghỉ xả hơi.
Trong thời gian tới, các cơ quan THADS trong tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ và triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác THADS; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, nâng cao thái độ đúng mực, ý thức trách nhiệm của công chức được giao phụ trách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đang sử dụng trong hệ thống THADS để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; tăng cường cải cách hành chính vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác THADS.
Ngành thi hành án có những bước tiến vượt bậc sau 20 năm thành lập tỉnh
Năm 2004, khi tỉnh Hậu Giang mới thành lập, ngành THADS Hậu Giang ra đời trên cơ sở Phòng Thi hành án trực thuộc Sở Tư pháp và 6 đội thi hành án với 32 biên chế; số việc giải quyết gần 2.000 việc, tương ứng số tiền gần 10 tỉ đồng. Đến nay, toàn ngành THADS Hậu Giang đã có 93 biên chế, 8 chi cục thi hành án cấp huyện và 4 phòng nghiệp vụ, giải quyết hàng năm trên 8.000 việc với số tiền trên 200 tỉ đồng, qua đó đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh nhà.
|
Trân trọng cảm ơn ông !
Đ.BẢO thực hiện