Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết định định số 281/QĐ-BTP ngày 27/1/2014, gồm 15 thành viên, gồm đồng chí Lê Thành Long - Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng và các thành viên: đồng chí Nguyễn Đức Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tham dự cuộc họp còn có các chuyên gia của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm và Cục Bổ trợ tư pháp.
Thay mặt Tổ Biên tập, đồng chí Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng đã trình bày báo cáo Hội đồng thẩm định về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 82 điều, gồm: sửa đổi 71/183 điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và bổ sung mới 11 điều
Các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia tham dự đã trao đổi, phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị, liên quan đến các vấn đề cơ bản của những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, như tên gọi và phạm vi sửa đổi Luật Thi hành án dân sự; vai trò của Tòa án trong công tác thi hành án dân sự; trách nhiệm và phân công, phối hợp của các cơ quan, chính quyền địa phương; trình tự thủ tục thi hành án dân sự ...
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Thành Long thay mặt Hội đồng thẩm định khẳng định: Tài liệu thẩm định đã được chuẩn bị công phu, cầu thị, kỹ lưỡng, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh, thể chế hóa quan điểm của Đảng về vai trò và sự tham gia của Tòa án trong việc thi hành bản án do mình tuyên. Tuy nhiên, còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc về việc xây dựng Luật cần đảm bảo sự đồng bộ với các văn bản luật khác (Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính...). Phạm vi sửa đổi, bổ sung mặc dù số lượng khá lớn (82 điều) nhưng nếu xét theo vấn đề sửa đổi, bổ sung thì không nhiều, do đó có thể chấp nhận và giữ nguyên tiến độ xây dựng Luật và tên gọi của Luật. Dự thảo đã được xây dựng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, hợp hiến cơ bản hợp pháp và đảm bảo tính thống nhất, tuy nhiên cần rà soát lại để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Cán bộ công chức, Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự, Nghị định về bán đấu giá tài sản… Dự thảo về cơ bản đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp
Về các vấn đề cơ bản của Dự thảo, Hội đồng thẩm định kết luận: Về phạm vi sửa đổi và tên gọi, giữ nguyên tên gọi và tiến độ trình Dự án Luật theo nghị Nghị quyết số 45/2013/QH13; về vai trò của Tòa án, Tòa án chỉ ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, còn các quyết định khác về thi hành án dân sự do cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện; Tòa án ra quyết định miễn, giảm thi hành án; đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay; làm rõ vai trò của kiểm sát, thanh tra và phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình thi hành án; hoàn thiện trình tự, thủ tục về thi hành án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Hội đồng thẩm định đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Luật và Dự thảo Tờ trình, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ .
Nguyễn Thị Ngân