Căn cứ Quyết định số 2616/QĐ-BTP ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008 đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng- Phó trưởng Ban soạn thảo.
Sau khi Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành - thành viên Ban soạn thảo công bố các quyết định có liên quan, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự hiện nay gặp rất nhiều thuận lợi: Hiến pháp mới được thông qua, Luật tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đang chuẩn bị hội nghị tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác thi hành án dân sự nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự lần đầu tiên, đưa công tác thi hành án dân sự trước đây là một công tác khá yếu kém lên một tầm cao mới. Trong Hiến pháp có ghi nhận: Mọi Bản án, quyết định phải được thi hành nghiêm chỉnh. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quốc hội, trên cơ sở Luật Thi hành án dân sự, các Nghị định của Chính phủ, các văn bản liên tịch ban hành (trong đó có Quy chế phối hợp liên ngành) đã tạo ra bước chuyển biến mới vấn đề thi hành án dân sự đã được quan tâm. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, bất cập. Phải xác định thi hành án là hoạt động tư pháp, là một giai đoạn của hoạt động tố tụng, Tòa án phải có trách nhiệm đến cùng đối với bản án, quyết định của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Tòa án sẽ quản lý thi hành án dân sự mà thi hành án dân sự vẫn dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp.
Các ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho rằng việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự phải xuất phát từ thực trạng vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành án dân sự; sửa đổi các vấn đề mang tính nội hàm của quy phạm pháp luật; bảo đảm Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả về thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong hoạt động thi hành án dân sự. Vì vậy, cần phải tổng kết, đánh giá thực tiễn, thực chất, toàn diện, sâu sắc. Chính vì vậy, tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đều cơ bản nhất trí sẽ báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội để sửa đổi tên của Dự án Luật từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thành Dự án Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự