Sign In

Tòa tuyên không rõ, khó thi hành

14/07/2015

Án tuyên không rõ gây khó khăn cho việc thi hành án là chuyện "thường" gặp đối với cơ quan Thi hành án dân sự. Để gỡ "khó" khi gặp những trường hợp này, pháp luật qui định cơ quan Thi hành án dân sự có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Toà án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Qui định là vậy, nhưng thực tế khi cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Có những trường hợp văn bản của Tòa án trả lời chung chung, không đúng nội dung văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu hoặc làm "thinh" không trả lời hoặc có văn bản khẳng định "không dùng Công văn của cơ quan Thi hành án dân sự để nhằm giải thích cho bản án đã tuyên" đã gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến án dân sự ngày càng tồn đọng. Trường hợp dưới đây là một ví dụ cụ thể:

Bản án số 03/2013/DSST ngày 29/7/2013 của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tuyên buộc vợ chồng ông C và bà K phải trả cho Ngân hàng TMCP-ĐA, Phòng giao dịch tại KT, số tiền 334.600.000 đồng. Nếu chậm trả số tiền này, ông C và bà K còn phải trả tiền lãi phát sinh, với hai cách tính lãi khác nhau, đó là:

- Số tiền lãi phát sinh kể từ ngày xét xử là ngày 29/7/2013 cho đến khi thi hành án xong theo hợp đồng vay vốn số N 1135/1, ngày 07/10/2011 giữa Ngân hàng với vợ chồng ông C.

- Số tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán kể từ ngày Bản án có hiệu lực và người được thi hành án có đơn yêu cầu cho đến khi thi hành xong.

Tòa này còn tuyên bán toàn bộ tài sản thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, nhưng không nói rõ ai bán?.

Khi đưa Bản án ra thi hành, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa thầy "bí" không biết tính lãi suất theo cách nào? Ai có quyền bán tài sản thế chấp? Nên đã có Công văn số 01/NV-THA ngày 08/10/2013, yêu cầu Tòa án đã ra bản án giải thích những điểm chưa rõ. Trả lời cơ quan Thi hành án dân sự, tại Công văn số 90/CV-TA ngày 14/10/2013 Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy, khảng định: "Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy không dùng Công văn này (Công văn của cơ quan Thi hành án dân sự - NV) để nhằm giải thích cho Bản án đã tuyên. Việc xét xử của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy là hoàn toàn đúng với qui định của pháp luật, không có gì là khó khăn cho việc thi hành án".

Ở đây, chúng tôi không bình luận về bản án của Tòa án đã tuyên. Mà trách nhiệm của Tòa án giải thích bản án được qui định tại Khoản 1 Điều 382 Bộ luật Tố tụng dân sự: "Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án và cơ quan Thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Toà án phải có văn bản giải thích và gửi cho người có yêu cầu, Viện Kiểm sát cùng cấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án".

Luật Thi hành án dân sự, Khoản 1 Điều 179 cũng qui định trách nhiệm của Tòa án khi ra bản án: "Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế"; Khoản 2 Điều luật này cũng qui định trách nhiệm của Tòa án "Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu".

Như vậy, pháp luật đã qui định trách nhiệm của Tòa án khi ra bản án phải đảm bảo bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án và cơ quan Thi hành án phát hiện phần quyết định của Bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra Bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Toà án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu.

Vậy, căn cứ vào đâu mà Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy không dùng Công văn của cơ quan Thi hành án để nhằm giải thích cho Bản án đã tuyên? Tòa không dùng Công văn của cơ quan Thi hành án thì dùng văn bản gì để giải thích? Câu hỏi này, mong rằng Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum có câu trả lời công luận, để Bản án, quyết định của quí Tòa được thi hành trên thực tế.

Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy, án tuyên không rõ, khó thi hành là một trong những nguyên nhân làm cho án dân sự tồn đọng, kéo dài không thi hành được. Ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến khiếu nại trong thi hành án. Đặc biệt, bản án của tòa án đã tuyên chỉ có hiệu lực trên giấy, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với nền Tư pháp nước nhà.

Phạm Công Ý

 

02/12/2013     

Các tin đã đưa ngày: