I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Thiết thực chào mừng Ngày truyền thống Thi hành án dân sự; tìm kiếm biểu trưng thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngành Thi hành án dân sự.
- Lựa chọn được biểu trưng phục vụ cho công tác tuyên truyền và sử dụng làm biểu trưng chính thức cho ngành Thi hành án dân sự.
- Thông qua cuộc thi, giới thiệu đến cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Thi hành án dân sự và toàn xã hội về vai trò, những đóng góp của Ngành Thi hành án dân sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2. Yêu cầu:
- Cuộc thi phải được tổ chức chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả.
- Tác phẩm dự thi phải đảm bảo đúng chất lượng và đủ số lượng.
- Tác phẩm dự thi mang tính nghệ thuật cao, không được sao chép, hình thức sáng tạo, đơn giản và mang tính khả thi. Tác giả có tác phẩm dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm của mình.
II. ĐỐI TƯỢNG – THỜI GIAN – ĐỊA ĐIỂM NỘP BÀI DỰ THI:
1. Đối tượng:
Tất cả công dân Việt Nam không phân biệt ngành nghề, nơi cư trú đều được tham gia cuộc thi. Khuyến khích các họa sĩ thiết kế, các bạn sinh viên, học sinh tham gia dự thi, không giới hạn tác phẩm dự thi.
2. Thời gian, địa điểm dự thi:
- Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày 10/9/2013 đến hết ngày 10/10/2013 (tính theo dấu bưu điện).
- Địa điểm nhận tác phẩm: Tổng cục Thi hành án dân sự, số 58, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
3. Hồ sơ dự thi: gồm có:
- Bản vẽ biểu trưng trên giấy A4 không ghi tên, không có ký hiệu riêng, mặt sau bản vẽ ghi mã số tự chọn (gồm 5 chữ số).
- Bản thuyết minh có ghi mã số tự chọn.
- Phiếu đăng ký dự thi được điền đầy đủ thông tin. Lưu ý mã số tự chọn phải thống nhất giữa bản vẽ, bản thuyết minh, bao thư đựng hồ sơ và phiếu đăng ký dự thi.
- Bao thư đựng hồ sơ dự thi, bên ngoài ghi mã số tự chọn.
III. NỘI DUNG - HÌNH THỨC- GIẢI THƯỞNG:
1. Nội dung:
- Biểu trưng phải mang tính khái quát cao, mang nét đặc trưng của ngành Thi hành án dân sự.
- Biểu trưng không được trùng lắp hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với các biểu trưng, biểu tượng, hình ảnh, nhãn hiệu hoặc dấu hiệu đặc trưng của quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Biểu trưng phải chưa được công bố công khai trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào.
- Biểu trưng phải có tính thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, gây ấn tượng với công chúng và không quá 05 màu. Đảm bảo dễ thể hiện trong in ấn, chạm khắc, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ trên các chất liệu thông thường và đặc biệt là không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như thuần phong mỹ tục.
- Các tác giả tham gia dự thi sáng tác biểu trưng (logo) của ngành Thi hành án dân sự cần lưu ý thiết kế logo phải có sự tương đồng và không mâu thuẩn với phù hiệu của ngành Thi hành án dân sự đã được quy định tại Điều 42 Nghị định 74/2009/NĐ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể sáng tác và gửi một hoặc nhiều mẫu dự thi. Mẫu sáng tác dự thi được đảm bảo tính khách quan, bí mật về người dự thi trước ban giám khảo cho đến khi công bố kết quả.
2. Hình thức:
- Thể hiện trên mặt giấy trắng dày, khổ A4, chi tiết đơn giản, không quá 4 màu, khi in đơn sắc và thu nhỏ không làm mất chi tiết.
- Trình bày 01 mẫu lớn nằm chính giữa đúng kích cỡ 15cm, 1 mẫu thu nhỏ màu và 1 mẫu đen trắng kích cỡ 2,5cm nằm phía dưới góc bên trái trang giấy, không dùng kỹ xảo vi tính.
- Mẫu thiết kế dự thi phải kèm theo bảng thuyết minh tác phẩm, trình bày ngắn gọn trên một mặt giấy A4, cỡ chữ 14 và phiếu dự thi sáng tác mẫu biểu trưng.
- Hình thức sáng tạo, đơn giản và mang tính khả thi trong thi công.
- Tính năng sử dụng: để làm logo và có thể thi công trên mọi chất liệu.
3. Giải thưởng:
- 01 giải nhất: 20 triệu đồng/giải;
- 01 giải nhì: 10 triệu đồng/giải;
- 01 giải ba: 5 triệu đồng/giải;
- 03 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 02 triệu đồng.
Trên cơ sở chấm điểm của Ban giám khảo, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn biểu trưng chính thức cho Ngành Thi hành án dân sự. Ban Tổ chức cuộc thi được toàn quyền sử dụng các tác phẩm đạt giải và không hoàn trả các hồ sơ, tác phẩm dự thi không đạt giải.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thành lập Ban giám khảo cuộc thi:
- Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự;
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức, cán bộ, Bộ Tư pháp;
- Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Bộ;
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Tư pháp;
- Đại diện Lãnh đạo Báo Pháp luật;
- Đại điện Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin;
- Đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội;
- Đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh;
- Đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng;
- Một số họa sĩ, nhà thiết kế, giảng viên có uy tín trong lĩnh vực đồ họa, mỹ thuật công nghiệp.
2. Tiến độ thực hiện:
- Ngày 14/8/2013: Phát động cuộc thi và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Từ 10/9/2013 – 10/10/2013: Nhận tác phẩm dự thi.
- Từ 10/10/2013 - 15/10/2013: Chấm điểm.
- Từ 20/10/2013 - 30/10/2013: Công bố và tổ chức trao giải cuộc thi.
- Từ 01/11/2013 - 10/11/2013: Đăng báo những tác phẩm đạt giải.
- Từ 10/11 - 20/11/2013: Tổ chức giới thiệu những tác phẩm đạt giải.
3. Phân công nhiệm vụ:
- Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan thường trực của cuộc thi, có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ, triển khai nội dung, thể lệ cuộc thi đến cán bộ, công chức trong Ngành Thi hành án dân sự và nhân dân, các họa sĩ, nhà thiết kế; tuyên truyền cuộc thi trên Trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, đăng tải thông tin trên Báo Pháp luật,....; tiếp nhận các tác phẩm dự thi, tổ chức công tác chuẩn bị chấm giải, trao giải, triển lãm các tác phẩm đạt giải cao; là đầu mối chính trong liên lạc với các tác giả dự thi.
- Đề nghị Báo Pháp luật, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Tổng cục Thi hành án tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu biểu trưng (logo) theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cụ thể:
+ Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về cuộc thi đăng tin trên Báo Pháp luật, thông báo tới cán bộ, công chức, nhân dân và các nhà thiết kế tham gia cuộc thi (Báo Pháp luật).
+ Công tác tổng kết, trao giải cuộc thi (Văn phòng Bộ).
+ Công tác tuyên truyền, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin).
Trên đây là Kế hoạch Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu biểu trưng (logo) ngành Thi hành án dân sự, trong quá trình thực hiện, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thường xuyên thông tin, báo cáo với Tổng cục Thi hành án dân sự về những khó khăn, vướng mắc để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời./.
Tổng cục Thi hành án dân sự