Bộ Luật dân sự được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là một Bộ luật quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, liên quan đến hoạt động của nhiều ngành, nhiều cấp. Bộ Luật dân sự năm 2005 ra đời đã phát huy được vai trò to lớn, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới của đất nước, cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp năm 1992, nhằm điều chỉnh chung các quan hệ xã hội theo nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, công bằng và bình đẳng, tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể theo khuôn khổ quy định của pháp luật hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào quan hệ dân sự, tôn trọng và phát huy sự tự thỏa thuận, tự quyết định của các chủ thể. Đây có thể được coi là Bộ luật gốc, là cơ sở cho việc xây dựng các Luật chuyên ngành. Việc mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của Bộ Luật dân sự 2005 và các luật chuyên ngành (nếu có) sẽ gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong phạm vi bài viết, tôi xin trình bày một vài ý kiến cá nhân về một số mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của Bộ Luật dân sự 2005 để làm cơ sở tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Bộ Luật dân sự 2005 và Luật Thi hành án dân sự 2008.