Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự, hướng tới Chính phủ điện tử

24/08/2020
Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, Tổng cục THADS đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong Hệ thống cơ quan THADS hết sức cụ thể, thiết thực như: Đã ban hành Quyết định số 248/QĐ-TCTHADS ngày 20/3/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS về việc ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự năm 2020. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện một số thủ tục về thi hành án dân sự, ngày 20 tháng 3 năm 2020, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-TCTHADS về việc triển khai thí điểm Phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự. Công văn số: 955/TCTHADS-TKDLCN ngày 26/3/2020 về việc triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự.
Kế hoạch triển khai thí điểm Phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, gắn kết, thúc đẩy cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, công sở điện tử; xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; tin học hóa, triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; giảm dần số lần người dân phải đến cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các thủ tục hành chính; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng và phát triển CNTT.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục THADS về việc triển khai phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự, các Cục THADS đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thí điểm phần mềm Hỗ trợ trực tuyến THADS đến các Chi cục THADS trực thuộc. Trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung sau: Triển khai thí điểm phần mềm từ ngày 15/4/2020 đến ngày 30/6/2020; các nội dung thực hiện hỗ trợ trực tuyến THADS thông qua Phần mềm gồm: (1) Hỗ trợ trực tuyến yêu cầu THADS; (2) hỗ trợ trực tuyến xác nhận kết quả THADS; (3) hỗ trợ trực tuyến tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về THADS; bố trí công chức thực hiện hỗ trợ trực tuyến và bố trí lịch công tác phù hợp để hỗ trợ trực tuyến; lập danh sách thông tin Chi cục trưởng, công chức thực hiện tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến để phân quyền và tham gia sử dụng phần mềm.
Các cơ quan THADS địa phương đã triển khai tổ chức tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp biết về việc triển khai thực hiện phần mềm bằng một số hình thức như: có văn bản gửi các cơ quan liên quan của tỉnh, các ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; niêm yết thông báo tại trụ sở cơ quan, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân trong việc tuyên truyền phổ biến về việc triển khai thực hiện phần mềm. Một số cơ quan THADS đã thiết kế Banner và có tin bài về việc triển khai thực hiện thí điểm Phần mềm Hỗ trợ trực tuyến THADS trên Trang Thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp biết, tham gia sử dụng.
Việc yêu cầu hỗ trợ trực tuyến THADS còn tương đối mới mẻ với người dân, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa do trình độ dân trí còn thấp, trang thiết bị công nghệ còn hạn chế do vậy việc tham gia sử dụng của người dân còn ít. Trong thời gian tới, các Cục THADS địa phương sẽ tiếp tục có các biện pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, phối hợp với Tòa án, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền về phần mềm nhằm phục vụ tốt việc cung cấp các dịch vụ, ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động THADS.
Ngoài việc triển khai phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự, trong thời gian tới Tổng cục cũng triển khai nhiều phần mềm khác nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thi hành án dân sự theo Kế hoạch đã đề ra, như: 1) Tiếp tục tham mưu hoàn thiện, nâng cấp phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS; 2) tiếp tục triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; 3) Tiếp tục hoàn thiện và triển khai phần mềm quản lý cán bộ THADS; 4) Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành; 5) Nâng cấp Cổng Thông tin điện tử THADS và các Trang thông tin điện tử THADS; 6) Nâng cấp phần mềm kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự….
Để triển khai thực hiện đạt kết quả, Tổng cục THADS yêu cầu các cơ quan THADS địa phương cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách về CNTT được học tập, nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong xử lý công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Trong hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục đầu tư, đảm bảo tính kế thừa, tích hợp đồng bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp; có biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh thông tin.
Tổng cục THADS cũng yêu cầu việc ứng dụng CNTT phải gắn với chương trình cải cách hành chính; phải hợp lý hóa các quy trình công việc, chuẩn hóa các mẫu biểu hành chính, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng để tạo cơ sở cho việc tin học hóa. Trong đó cần quan tâm tới việc đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 sẽ cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tiến tới mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục THADS cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở thay thế dần cho các phần mềm nguồn đóng có bản quyền; tăng cường sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin của đơn vị đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến,... Yêu cầu các Cục THADS ưu tiên bố trí kinh phí cho việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT và bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng, ban hành cơ chế, chế độ, chính sách thu hút, sử dụng nguồn lực CNTT trong cơ quan, đơn vị; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Thi hành án dân sự.