Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Thực trạng công tác thi hành án hành chính và định hướng hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính ở Việt Nam”

18/12/2020
Sáng ngày 17/12/2020, tại Bộ Tư pháp, Viện khoa học pháp lý đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ “Thực trạng công tác thi hành án hành chính và định hướng hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính ở Việt Nam” do Ths. Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự làm chủ nhiệm Đề tài, Ths. Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự làm Thư ký Đề tài. TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm Chủ tịch Hội đồng.

Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án nói chung trong đó có công tác thi hành án hành chính từ Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đến Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX. Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật thi hành án nói chung, trong đó có pháp luật điều chỉnh hoạt động thi hành án hành chính đã từng bước được hoàn thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, thi hành án hành chính ở Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó phải kể đến: Số lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ bản án, quyết định được cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thi hành xong trên tổng số bản án, quyết định phải thi hành hàng năm đạt kết quả ở mức khiêm tốn. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cần có một nghiên cứu toàn diện về thực trạng công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân từ thể chế thi hành án hành chính, trên cơ sở đó đề xuất cho được phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật thi hành án hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính trong bối cảnh dự báo khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng hiện nay.
 


Thay mặt Ban chủ nhiệm, Ths Mai Lương Khôi, chủ nhiệm Đề tài đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình thực hiện, kết quả nghiên cứu và một số nội dung cơ bản của Đề tài. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu khái niệm chung về thi hành án, những đặc điểm của hoạt động thi hành án nói chung, Đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận về thi hành án hành chính, bao gồm: Khái niệm về thi hành án hành chính, đặc thù của hoạt động thi hành án hành chính, tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động thi hành án hành chính … làm cơ sở định hướng cho việc đánh giá thực trạng công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam và đề ra phương hướng hoàn thiện pháp luật thi hành án hành chính phù hợp với đặc thù của hoạt động thi hành án hành chính. Đồng thời, qua việc phân tích số liệu kết quả thi hành án hành chính trong giai đoạn 05 năm từ 2015 đến hết năm 2019; kết quả khảo sát thực trạng công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam cùng các báo cáo chuyên đề về các yếu tố tác động đến hiệu quả công tác thi hành án hành chính, Đề tài đã phác họa bức tranh công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam, trong đó chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc từ thẩm quyền của tài phán hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính hiện hành chi phối đến cơ chế “tự thi hành” trong thi hành án hành chính.
 


Trên cơ sở đó, Đề tài đã đưa ra định hướng và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, theo đó, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp chung, Đề tài đã đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng hệ thống cơ quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Những cơ quan, hệ thống cơ quan được đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các định hướng hoàn thiện pháp luật thi hành án hành chính được đặt trong bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở Việt Nam. Đặc biệt hoàn thiện thể chế thi hành án hành chính không tách rời và cần bắt đầu hoàn thiện từ thể chế về tố tụng hành chính. Theo đó, khi giải quyết được căn bản thẩm quyền của tài phán hành chính sẽ là cơ sở thay đổi căn bản cơ chế “tự thi hành án” trong thi hành án hành chính theo pháp luật hiện hành. Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế tố tụng hành chính sẽ là cơ sở để bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hành chính ngay từ khâu xét xử vụ án hành chính tại Tòa án.
 


Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, về tổng thể, đề tài nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra, đã đảm bảo kết cấu và tính logic của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, là Đề tài có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn cao. Cụ thể, Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về thi hành án hành chính, đánh giá được thực trạng công tác thi hành án hành chính hiện nay, trên nền tảng đó, Đề tài đã nêu ra định hướng và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã có những góp ý, bổ sung vào một số nội dung của Đề tài để Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kết quả nghiên cứu.
 


Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng, phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, TS. Dương Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của các thành viên Hội đồng, đồng thời đánh giá cao kết quả nghiên cứu rất công phu của Đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Ban chủ nhiệm và cá nhân Chủ nhiệm Đề tài đối với các kết quả đạt được của Đề tài, Đề tài được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu, có giá trị thực tiễn cao, kết quả nghiên cứu có giá trị tham khảo quan trọng không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính mà còn đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Đề tài … để sớm đưa kết quả nghiên cứu của Đề tài vào áp dụng trong thực tiễn.
Kết quả chấm điểm và đánh giá xếp loại Đề tài: Đề tài đạt loại Xuất sắc.
 
Nguyễn Thanh Nam
Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự.