Thông qua Báo cáo tại Hội nghị cho thấy năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm với 09 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, thực hiện việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, Hệ thống Thi hành án dân sự đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 576 nghìn việc, đạt tỉ lệ 81,41% (tăng 2,82% so với năm 2019), tương ứng với số tiền trên 53 nghìn tỷ đồng, đạt tỉ lệ 41,04% (tăng 5,61% so với năm 2019).
|
|
Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan THADS 2.631 bản án, quyết định về vụ án hành chính. Tổng số việc thi hành án hành chính là 830 việc (trong đó, kỳ trước chuyển sang là 339 việc; phát sinh trong kỳ là 491 việc), đã thi hành xong 363/830 việc (tăng 65 việc so với năm 2019). Các cơ quan THADS đã ra 572 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 201 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 318 việc; ban hành 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Để hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019. Bộ Tư pháp đã tiếp nhận tổng số 183 đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ từ các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, đã giải quyết 169/183 đề nghị, đạt tỷ lệ 93%, còn 14 đề nghị đang trong thời hạn giải quyết.
Chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp đối với 12 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện thuộc các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Cao Bằng. Thực hiện tinh giản được 51 trường hợp (tăng 7 trường hợp so với năm 2019). Công tác quy hoạch đã được thực hiện đúng quy định theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý được triển khai thực hiện liên tục, kịp thời để đảm bảo sự xuyên suốt trong hoạt động điều hành, quản lý.
|
|
Năm 2020, đã tiếp 9.545 lượt công dân (trong đó, tại Bộ Tư pháp là 452 lượt và tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương là 9.093 lượt), giảm 6.461 lượt (giảm 40,37%) so với năm 2019. Tiếp nhận 8.580 đơn (bao gồm: 5.981 đơn khiếu nại, 2.599 đơn tố cáo - giảm 277 đơn) tương ứng với 7.001 việc, trong đó số việc thuộc thẩm quyền giải quyết là 2.867 việc, giảm 338 việc (giảm 10,55%) so với năm 2019. Kết quả: Đã giải quyết xong 2.792/2.867 việc (2.300 việc khiếu nại và 492 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 97,38%; số việc đang tiếp tục giải quyết là 75 việc (50 việc khiếu nại và 25 việc tố cáo).
Các mặt công tác khác tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả như công tác bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, bồi thường nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công tác phối hợp…
Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng, tích cực vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế như: Vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; kết quả thi hành án đối với các khoản thu cho tổ chức tín dụng, các khoản bị chiếm đoạt trong vụ hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng theo dõi và công tác theo dõi thi hành án hành chính hiệu quả chưa đạt được như yêu cầu; vẫn còn một số vi phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án.
Tại Hội nghị, đại diện một số Cục Thi hành án dân sự đã trình bày tham luận về kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 (Hà Nội, Long An, Bình Dương, Nghệ An, Tây Ninh); phát biểu của Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tư pháp về công tác phối hợp trong Thi hành án dân sự năm 2020; phát biểu của Lãnh đạo Vụ kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát Thi hành án dân sự, hành chính’ phát biểu của đại diện Ngân hàng Vietcombank về công tác phối hợp trong thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
|
|
Biểu dương kết quả mà toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, dự báo nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu từ ảnh hưởng tác động của đại dịch Covid -19 kéo dài..., do vậy, Bộ trưởng đề nghị toàn Hệ thống Thi hành án dân sự cần nhận thức sâu sắc đầy đủ, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; kịp thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp hiệu quả trước mắt và lâu dài, ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng yêu cầu Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội. Tập trung nâng cao chất lượng, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước; chú trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.
Rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành; kịp thời, chủ động hơn nữa trong việc tham mưu tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính.
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, thiếu sót, có biện pháp khắc phục ngay từ giai đoạn đầu khi tổ chức thi hành vụ việc.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức thi hành án dân sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tiếp tục chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Tài nguyên và Môi trường... trong công tác cán bộ, việc tổ chức thi hành án trên địa bàn, đặc biệt là trong việc tập trung chỉ đạo, lãnh đạo giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ việc phức tạp kéo dài.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự, tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính.
Trước đó, sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc nội bộ với Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục và 63 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2021.
Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố, trao khen thưởng cấp Nhà nước cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích (Huân chương, Cờ Thi đua, Bằng khen của Thủ tướng): Huân chương Cống hiến (06 cá nhân); Cờ Thi đua của Chính phủ (02 tập thể); Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ (01 tập thể, 08 cá nhân) và tặng quà các công chức lãnh đạo của Hệ thống nghỉ hưu trong năm 2020.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI NGHỊ