Tăng cường năng lực nhạy cảm giới cho đội ngũ công chức để công tác thi hành án dân sự ngày càng bền vững, nhân văn

29/12/2021
Trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tài trợ, ngày 27/12/2021, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với dự án tổ chức Lớp tập huấn Tăng cường năng lực nhạy cảm giới cho đội ngũ công chức làm công tác THADS nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án.

Lớp tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến,dưới sự chủ trì của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi và bà Lê Thị Lan Phương - Cán bộ phụ trách của Dự án UN Women. Lớp có sự tham gia của chuyên gia Dự án UN Women, đại diện Lãnh đạo, công chức các cơ quan trực thuộc Tổng cục THADS và Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: THADS bảo đảm nhạy cảm giới sẽ giúp quá trình tổ chức thi hành án được tiến hành nhanh chóng, bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, từ đó kết quả thi hành án mang tính bền vững, góp phần xây dựng môi trường xã hội thân thiện, tích cực. Do vậy, việc xây dựng Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức các lớp tập huấn tăng cường năng lực nhạy cảm giới cho đội ngũ công chức làm công tác THADS nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Đây là hoạt động đầu tiên của Tổng cục THADS tập trung vào chủ đề này, và sẽ mở đầu cho nhiều hoạt động hơn nữa để hệ thống THADS thực hiện tốt. Đội ngũ công chức làm công tác THADS sẽ có cơ hội để nghe, trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin, tìm hiểu những khái niệm có thể đã từng nghe nói đến nhưng chưa thực sự hiểu rõ. Qua đó, các chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án có cơ hội để vận dụng, áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác THADS để thử đánh giá xem quá trình tổ chức thi hành án đã chú trọng đến vấn đề giới, đã đủ nhạy cảm giới hay chưa; nếu chưa đủ, chưa tốt thì cần phải thay đổi cái gì, thay đổi thái độ ra sao, rèn luyện thêm kỹ năng nào. Từ việc có được nhận thức giới, tăng cường năng lực nhạy cảm giới, được trang bị các kỹ năng liên quan, các công chức làm công tác thi hành án dân sự sẽ thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong quá trình tổ chức thi hành án. Công tác THADS nhờ đó sẽ góp phần vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không những với tinh thần thượng tôn pháp luật, mà còn bảo đảm tính nhân văn, bảo đảm quyền con người, và hỗ trợ và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho nhóm yếu thế trong xã hội.
Bà Lê Thị Lan Phương - Cán bộ phụ trách dự án UN Women cho biết dự án UN Women đã có 11 năm hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có hoạt động phối hợp với Tổng cục THADS.Quá trình hợp tác, UN Women đã tích cực hợp tác với các cơ quan tư pháp để góp phần hỗ trợ nhóm yếu thế, phụ nữ, trẻ em trong tiến tình giải quyết các vụ việc. Công tác THADS hiện thực hóa các bản án, quyết định của tòa án, do đó, việc trang bị các kiến thức về giới, nâng cao năng lực nhạy cảm giới cho đội ngũ công chức THADS là hết sức cần thiết. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 cơ bản đã hoàn thành các hoạt động cao điểm, nhưng UN Women và các cơ quan tư pháp sẽ giữ vững tinh thần bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ nhóm yếu thế trong quá trình tố tụng nói chung và THADS nói riêng.
Lớp tập huấn đã phổ biến, quán triệt, bước đầu trang bị cho các Chấp hành viên và đội ngũ làm công chức làm công tác THADS các kiến thức, kỹ năng về lồng ghép các vấn đề về giới, kiến thức về bình đẳng giới và định kiến giới để có thái độ, phương pháp phù hợp khi tổ chức thi hành các vụ việc có đương sự thuộc nhóm dễ bị tổn thương.Lớp đã tập trung giới thiệu, trao đổi, thảo luận 06 chủ đề: Khái quát chung về nhạy cảm giới trong công tác THADS; Giới thiệu chung về gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: các dịch vụ Tư pháp và Hành pháp; Nhạy cảm giới trong tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự; Nhạy cảm giới trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự, hành chính, lao động; Giới thiệu một số kỹ năng trong THADS có nhạy cảm giới; Bảo đảm bình đẳng giới trong bố trí, sử dụng đội ngũ công chức Hệ thống các cơ quan THADS, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nữ công chức lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Tại Lớp tập huấn, các công chức làm công tác THADS còn được giới thiệu, phân tích và trang bị kỹ năng, cách thức giải quyết một số tình huống trong thực tiễn trong quá trình tổ chức thi hành án cần lưu tâm đến yếu tố giới để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi khi thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Lớp tập huấn cũng đã nhận được những ý kiến trao đổi, đóng góp, đề xuất kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng công tác trong đó tập trung vào một số đề nghị như:  (1) Bổ sung nguyên tắc về bình đẳng giới, nhạy cảm giới trong Luật THADS; (2) Cần có quy trình riêng trong việc thi hành án có yếu tố nhạy cảm giới; (3)Việc phân công Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án cần lưu ý đến yếu tố giới, tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm sống phù hợp với đặc thù loai việc, đương sự; (4) Cần xây dựng các phương án, kịch bản cho mỗi vụ việc đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới… Một số giải pháp nâng cao hiệu quả lồng ghép giới trong công tác THADS cũng được các đại biểu tham dự Lớp tập huấn đề xuất, như hoàn thiện pháp luật về THADS, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nhận thức về bình đẳng giới… và đề ra yêu cầu nhận thức đúng đắn về giới, linh động trong quá trình tổ chức thi hành án, có cách giáo dục thuyết phục cho phù hợp, nắm bắt tâm lý đối tượng, không được định kiện về giới…
Bế mạc Lớp tập huấn, bà Lê Thị Lan Phương - Cán bộ phụ trách dự án UN Women ghi nhận những kết quả trao đổi, thảo luận và nhấn mạnh rằng mục tiêu dự án của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng không chỉ giải phóng cho phụ nữ mà còn giải phóng cho cả nam giớicũng đang bị trói buộc bởi nhiều định kiến. Đạt được bình đẳng giới là đạt được sự bình đẳng cho tất cả mọi người.Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS khẳng định, Lớp tập huấn đã đạt được kết quả nhiều hơn mong đợi. Các đại biểu tham gia Lớp tập huấn đã được nâng cao nhận thức về giới và bổ sung các kỹ năng cần thiết để đảm yêu cầu nhạy cảm giới không những trong quá trình tổ chức thi hành án mà còn trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành.Từ những ý kiến trao đổi, thảo luận, Lớp tập huấn cũng đã được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm đầy tính thực tiễn, qua đó gợi mở nhiều giải pháp, định hướng cho việc nâng cao hiệu quả công tác THADS, đáp ứng các yêu cầu nhạy cảm giới từ nay về sau. Ông Nguyễn Thắng Lợi cũng nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ phía Dự án UN Women để công tác bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong THADS nói riêng ngày càng đạt được hiệu quả, mang lại quyền lợi cho cả nam giới và nữ giới, góp phần xây dựng môi trường xã hội thân thiện, tiến bộ, văn minh và phát triển.
Văn phòng Tổng cục