Tán thành sự cần thiết phải có Nghị quyết

05/04/2013
Chiều qua 2/4, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành liên quan về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước.


Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát, đánh giá thực trạng, đánh giá hiệu quả áp dụng các quy định của pháp luật, lấy ý kiến đóng góp...vào dự thảo. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2012, Chính phủ đã thông qua và giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh dự thảo. Tháng 10/2012Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc này.

Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, ông Thủy cho biết "quá trình lấy ý kiến một số Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự...hầu hết tán thành với sự cần thiết phải có Nghị quyết".

Đồng tình với chủ trương miễn để giảm án tồn đọng, tuy nhiên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào băn khoăn "những người phải thi hành án không có mặt ở nơi cư trú đã quá 5 năm mà được xét miễn thì không ổn. Phải quy định rõ hơn là họ không có tài sản, không có điều kiện thi hành án, nếu không miễn chẳng khác nào thừa nhận cho người trốn tránh thi hành án". Ông Hào cũng lưu ý tương tự đối với trường hợp doanh nghiệp dừng hoạt động.

Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đồng tình: nếu họ vắng mặt ở nơi cư trú mà vẫn có tài sản ở đó thì sao?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nói rõ, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ điều kiện miễn, trong đó việc miễn chỉ được thực hiện sau khi cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không thể thi hành được (vì không có tài sản-PV). Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng nên quy định bổ sung với người vắng mặt ở nơi cư trú quá 5 năm mà cơ quan Thi hành án dân sự đã xác minh liên tục trong 5 năm mà không được thì được xét miễn thi hành án.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy cũng cho biết thêm: pháp luật về thi hành án dân sự quy định các đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú cho dù vắng để trốn tránh nghĩa vụ nhưng nếu có tài sản thì vẫn bị xử lý để thi hành án, và ở đây chỉ áp dụng với đối tượng không có tài sản.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước:

Doanh nghiệp cũng được xét miễn?

Ngoài người phải thi hành án là cá nhân không có tài sản để thi hành, người phải thi hành án không có mặt ở nơi cư trú đã quá 5 năm mà cơ quan Thi hành án không xác định được địa chỉ mới thì người phải thi hành án là doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định và không xác định được người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự cũng được xét miễn thi hành án.

Đây là điểm mới nhất của Dự thảo Nghị quyết về việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước đang được Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

Miễn để tập trung nguồn lực giải quyết án mới phát sinh

Mặc dù tại Nghị quyết 24 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội đã cho miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500 ngàn đồng. Thực hiện Nghị quyết, các cơ quan Thi hành án đã lập hồ sơ đề nghị và được Tòa án ra quyết định miễn thi hành đối với 17.722 việc với số tiền miễn là trên 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan Thi hành án dân sự thì hiện nay toàn quốc vẫn còn gần 230 ngàn việc thi hành án dân sự tương ứng với số tiền gần 30 nghìn tỷ đồng chưa được thi hành dứt điểm. Trong số đó, có khoảng 48 ngàn việc tương ứng số tiền trên 700 tỷ đồng là khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành tính đến ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực (1/7/2009). Đây là những việc không thuộc phạm vi được miễn theo Nghị quyết 24 và cơ quan Thi hành án đã dùng mọi biện pháp thi hành nhưng không có kết quả.

"Miễn thi hành đối với các khoản thu này là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự đầu tư thời gian và tập trung nguồn lực giải quyết những việc mới phát sinh hàng năm (bình quân khoảng trên 340 nghìn việc với số tiền phải thi hành trên 15.000 tỷ mỗi năm)" Bộ Tư pháp nhấn mạnh

Người được miễn chấp hành hình phạt cũng không phải thi hành án

Việc miễn thi hành án dân sự theo dự thảo Nghị quyết sẽ được áp dụng cho hai loại đối tượng. Thứ nhất là người phải thi hành án là cá nhân không có tài sản để thi hành (nhóm này lớn nhất với gần 30 ngàn việc tương ứng số tiền trên 470 tỷ đồng), người phải thi hành án không có mặt ở nơi cư trú đã quá 5 năm mà cơ quan Thi hành án không xác định được địa chỉ mới; người phải thi hành án là doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định, và không xác định được người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự (nhóm này là gần 17 ngàn việc tương ứng số tiền trên 209 tỷ đồng)

Ngoài ra, những người phải thi hành án có quốc tịch nước ngoài nhưng không có tài sản ở Việt Nam, đã thực hiện việc tương trợ tư pháp để xác định địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài nhưng không có kết quả

Loại thứ hai được xét miễn là việc thi hành quyết định về án phí và quyết định dân sự khác đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước trong các bản án hình sự về hành vi tội phạm mà theo Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS không còn là tội phạm. Đây là những trường hợp mà theo Nghị quyết 33 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật hình sự thì kể từ ngày Luật được công bố (29/6/2009), người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt do hành vi phạm tội trước đây của họ không còn bị coi là tội phạm.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu thực hiện miễn cho các việc nêu trên, mỗi năm nhà nước sẽ tiết kiệm được trên 14 tỷ đồng và gần 383 ngàn ngày công lao động (vì dù án không thể thi hành nhưng theo luật định kỳ cơ quan Thi hành án vẫn phải tiến hành xác minh-PV). Nhà nước chỉ phải bỏ ra trên 100 triệu đồng và gần 2400 ngày công để thực hiện việc miễn thi hành án. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp phải thi hành án cũng tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.

Thu Hằng

Để đảm bảo cho việc miễn thi hành án được thực hiện một cách khách quan, đúng pháp luật, Dự thảo Nghị quyết giao trách nhiệm cho Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc giám sát, Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp kiểm sát đối với việc thực hiện miễn thi hành khoản thu cho ngân sách nhà nước đối với các loại việc thi hành án dân sự quy định tại Nghị quyết.


Các tin khác