Tọa đàm về mô hình cơ quan Thi hành án dân sự khu vực

05/06/2013
Chiều ngày 03/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm mô hình cơ quan Thi hành án dân sự khu vực, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cùng ông Takeshi Nishioka, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì tọa đàm. Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia cùng một số cơ quan Trung ương như Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Ban Tổ chức Tỉnh ủy một số địa phương, một số Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy cho biết, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan Tư pháp, trong đó đặt trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng: Tổ chức Hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một số đơn vị hành chính cấp huyện…

Thực hiện Nghị quyết nêu trên của Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu trình Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Bộ Chính trị Đề án tổ chức Hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Điều này được nêu rõ trong Chương trình số 05-CTR/CCTP ngày 10/01/2011 của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương: Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện, đề xuất thời gian báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đối với những đề án cụ thể hóa các chủ trương, định hướng nêu trong Kết luận số 79-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Điều tra theo Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

 

Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, Quốc hội vừa ban hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự mới được tổ chức thành hệ thống dọc từ 01/11/2009. Tuy nhiên, do tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự có mối liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án nên nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu như rà soát hệ thống các văn bản có liên quan khi tổ chức cơ quan Tòa án có sự thay đổi; tổ chức bộ máy của cơ quan Thi hành án dân sự cũng cần nghiên cứu, trong đó cần xác định rõ có nhất thiết phải tổ chức lại theo mô hình khu vực như tòa án hay chỉ sửa đổi, bổ sung thẩm quyền, kinh phí, cơ sở vật chất và các vấn đề khác có liên quan…

Vậy vấn đề được đặt ra là: Trong điều kiện thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực thì có nên thành lập cơ quan Thi hành án dân sự khu vực hay không?

Điều này được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy cho biết, hiện đang có hai quan điểm trái ngược: Quan điểm thứ nhất cho rằng nên thành lập cơ quan Thi hành án dân sự khu vực, như vậy sẽ tạo được sự tương thích, gắn kết, phối hợp công tác giữa cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn, như vậy cũng sẽ gọn đầu mối chỉ đạo, gọn bộ máy.

 

Ngược lại, quan điểm thứ hai lại cho rằng nên giữ nguyên hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự như hiện nay, không nên thành lập cơ quan Thi hành án dân sự khu vực vì bản chất của công tác thi hành án dân sự là phải gắn với chính quyền địa phương, với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của địa phương và người dân, thi hành án dân sự mà không có sự phối hợp của chính quyền thì sẽ không làm tốt được. Quan điểm này nhận được đông đảo ý kiến ủng hộ vì hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự như hiện nay sẽ không bị xáo trộn, thay đổi, giữ được tính ổn định của tổ chức hệ thống; giữ được mối quan hệ phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; thuận lợi trong việc phối hợp giữa các cơ quan ban ngành hữu quan; giữ ổn định về tổ chức Đảng, Công đoàn, thanh niên và đặc biệt giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án dân sự…

 

Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê