Sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP: Thừa phát lại không được lập vi bằng về bí mật đời tư

07/05/2013
Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13, việc thí điểm chế định Thừa phát lại sẽ được tiếp tục đến hết ngày 31/12/2015 và mở rộng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để triển khai chủ trương này, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đang được tính toán sửa đổi để các tỉnh, thành phố tới đây được thí điểm mô hình Thừa phát lại có cơ sở pháp lý áp dụng.


“Khoanh vùng” phạm vi lập vi bằng

Yêu cầu phổ biến nhất của khách hàng khi tìm đến văn phòng Thừa phát lại trong thời gian thí điểm hơn 2 năm vừa qua chính là việc lập vi bằng. Người dân cho rằng, có không ít các thỏa thuận, giao dịch, sự kiện xảy ra nhưng không thuộc thẩm quyền chứng của cơ quan nào nên họ phải gõ cửa văn phòng Thừa phát lại và được đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả. Chẳng hạn, họ muốn ghi nhận thỏa thuận giữa hai bên mua bán nhà về chuyện giao nhận tiền, ghi nhận việc tự thỏa thuận tài sản sau ly hôn giữa hai vợ chồng rằng người vợ sẽ trả cho chồng 500 triệu đồng để được sở hữu căn nhà mà vợ chồng đã cùng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân, hay đơn giản chỉ là ghi nhận có việc xây dựng của nhà hàng xóm, có vệt nứt trên nhà mình…

Nghị định 61 đã quy định, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định Thừa phát lại không được làm (như không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại …), các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại quy định như trên là rất rộng và thực tế hoạt động cho thấy, đã có sự chồng lấn với hoạt động của các tổ chức khác như công chứng, chứng thực. Ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh thì đặt vấn đề, có nhiều đương sự đến Văn phòng yêu cầu lập vi bằng về việc “bắt” vợ/chồng mình có hành vi ngoại tình. Tuy nhiên, do Nghị định 61 chưa hướng dẫn rõ ràng và khái niệm “đời tư” lại là vấn đề chưa ngã ngũ nên đến nay cũng chưa có văn phòng Thừa phát lại nào lập vi bằng về việc ngoại tình bởi e ngại xâm phạm đời tư của người khác.

Vì vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự kiến quy định chi tiết hơn về phạm vi lập vi bằng, nhằm đảm bảo việc lập vi bằng đúng pháp luật, không vi phạm điều cấm, thuần phong, mỹ tục và chống lấn lĩnh vực khác. Theo Dự thảo Nghị định, Thừa phát lại vẫn có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, song hướng dẫn cụ thể các trường hợp không được lập vi bằng. Đó là: trường hợp quy định Thừa phát lại không được làm (tương ứng với Điều 6 Nghị định 61); trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hay thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp; trường hợp thuộc về bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự và văn bản liên quan; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu xác minh của Thừa phát lại phải được thực hiện

Cũng theo Nghị định 61, văn phòng Thừa phát lại có chức năng xác minh điều kiện thi hành án. Nhưng để “làm tròn” chức năng xác minh, TPL thường bị nhiều cơ quan gây khó dễ, “yêu cầu này nọ”, đặc biệt là ngành ngân hàng luôn thẳng thừng từ chối khi các Văn phòng Thừa phát lại đề nghị phối hợp xác minh thông tin tài khoản của người phải thi hành án.

Ông Nguyễn Năng Quang (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình) chia sẻ, Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình xác minh tài khoản của người phải thi hành án tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thì bị từ chối. Lý do là ngân hàng này căn cứ vào Công văn hướng dẫn số 7102 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, công văn của Ngân hàng Nhà nước cho rằng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề Thừa phát lại chứ không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên các ngân hàng không có nghĩa vụ phải hợp tác.

Thừa nhận bất cập trên, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự phân tích nguyên nhân là do Nghị định 61 quy định chưa cụ thể về vấn đề xác minh của Thừa phát lại, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện yêu cầu xác minh của Thừa phát lại. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định hiện quy dịnh theo hướng rõ ràng hơn về thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại. Trong đó, có quy định: “Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại về xác minh và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp”.

Cẩm Vân


Các tin khác