Khai mạc Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2013

17/04/2013
Sáng ngày 17/4/2013, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã khai mạc Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2013 bằng hình thức giao ban trực tuyến tại 06 điểm cầu: Hà Nội, Yên Bái, Đà Nẵng, Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tham dự Hội nghị có đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Vụ Tư pháp - Văn phòng Quốc hội Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc bộ, các Cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục và một số cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã bám sát Chương trình, Kế hoạch của Bộ, ngành, đồng bộ các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 2013, Chương trình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ngày 13/03/2013, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 562/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thực hiện kế hoạch tổng thể nêu trên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 603/QĐ-BTP ngày 18/03/2013), đồng thời, có văn bản quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch nêu trên.

 

 

Xác định việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án được giao trong năm 2013 là hết sức khó khăn, chính vì vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có sự đổi mới trong công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn, với phương châm hướng về cơ sở, phấn đấu để Tổng cục thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương”, tập trung chỉ đạo việc tổ chức thi hành án đối với các địa phương có nhiều án, án lớn, phức tạp, những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Trên cơ sở chỉ tiêu Bộ trưởng giao cho ngành Thi hành án dân sự, Tổng cục đã giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cho các địa phương; ra thông báo kết quả công tác năm 2012 để các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc có thể đánh giá, so sánh kết quả của địa phương mình với các địa phương khác. Trong thời gian từ trước, sau nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, Tổng cục đã có hàng loạt văn bản (04 văn bản) chỉ đạo, quán triệt các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, bắt tay ngay vào công việc; tập trung tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Tổng cục đã lưu ý, nhắc nhở các đơn vị có nhiều án, kết quả thi hành án đạt thấp tập trung cao độ và đưa ra các giải pháp phù hợp, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Kết quả đạt được đã có sự đột phá so với năm 2012 và những năm trước đây: Về việc, tính đến ngày 31/3/2013, đã thụ lý tổng số 479.029 việc, trong đó, số thụ lý mới là 248.345 việc, tăng 44.628 việc (22%) so với cùng kỳ năm 2012; về tiền, tổng số thụ lý là 48.818 tỷ 788 triệu 77 nghìn đồng, trong đó, số thụ lý mới là 20.407 tỷ 727 triệu 221 nghìn đồng, tăng 8.203 tỷ 368 triệu 663 nghìn đồng (67,21%) so với cùng kỳ năm 2012.

 

 

Tổng cục đã quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch công tác trong toàn hệ thống được quan tâm thực hiện bài bản và đi vào nề nếp hơn; công tác kiểm tra của Tổng cục đối với các Cục và của Cục đối với các Chi cục, nhất là kiểm tra phát hiện để chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã được quan tâm chú trọng, ngày càng bảo đảm chất lượng; một số tồn tại, hạn chế và yếu kém từ năm 2012 được quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã được khắc phục, nhất là tình trạng chậm trễ xây dựng, ban hành văn bản, đề án và vi phạm về nghiệp vụ...; bộ máy, tổ chức trong hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục được kiện toàn bằng việc thành lập Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Tài chính, kế toán thuộc các Cục, đội ngũ cán bộ quản lý, các chức danh pháp lý được tăng cường, bảo đảm về số lượng và chất lượng, các mặt công tác khác cũng được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém, chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá; kết quả thi hành án đạt thấp; vẫn còn để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến số cán bộ bị xử lý kỷ luật còn nhiều; năng lực, trình độ, phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành ở nhiều đơn vị còn chậm được đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí còn yếu kém; ý thức trách nhiệm, thái độ, tác phong công tác của bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thực hiện thí điểm thừa phát lại còn nhiều khó khăn, một số việc triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao...

 

 

Nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2013 Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiếp tục phát huy những ưu điểm và kết quả đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, thiếu sót đã nêu trên, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp và của hệ thống Thi hành án dân sự, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Hoàn thành việc xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Chương trình, Kế hoạch, nhất là các đề án lớn, quan trọng; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và Bộ Tư pháp giao, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền,  giảm án chuyển kỳ sau;

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự;

Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh pháp lý đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng;

Tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện các nội dung công việc theo Kế hoạch triển khai Đề án mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại đã đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg;

Triển khai thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra năm 2013;

Tiếp tục thực hiện tốt việc phân cấp quản lý về tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản giữa Tổng cục với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương;

Giúp Chính phủ và Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng, hoàn thiện Báo cáo công tác thi hành án năm 2013 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6;

Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai Kế hoạch công tác năm 2014, kết hợp với Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống thi hành án dân sự”, tổng kết 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự về Chính phủ và Bộ Tư pháp quản lý...

 

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Tổng cục. Bộ trưởng cho biết, bước vào năm 2013 chúng ta có rất nhiều thuận lợi, trong đó có 4 thuận lợi lớn nhất: Cơ bản thể chế pháp luật về thi hành án dân sự đã được hoàn thiện; Quy chế hoạt động từ trên Bộ, Tổng cục cho đến địa phương cơ bản đã hoàn thành, sự phối kết hợp giữa Tổng cục với các Bộ, ngành, giữa các Cục Thi hành án với các ngành, sự phối hợp ở địa phương đã bắt đầu đi vào nề nếp. Sự phân cấp cho Tổng cục, cho Cục Thi hành án dân sự, các Chi cục đã tiến một bước dài, đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị; Chúng ta đã có một vị thế là 1 ngành, khác rất xa so với những năm trước đây; Cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đều đã được quan tâm hết mức, biên chế đã gần như được kiện toàn. Bên cạnh những thuận lợi đó vẫn có những khó khăn nhất định, nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, trì trệ; bất động sản đóng băng trong khi số thụ lý mới thì tăng đột biến, tài sản bất động sản khó thi hành, nhiều nơi điều kiện làm việc còn khó khăn, hạn chế…

Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh đó, kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến rõ rệt: Kết quả phân loại án có tiến bộ lớn, cao hơn so với cùng kỳ và có cơ hội tiếp cận với chỉ tiêu của Quốc hội giao; Kết quả thi hành án tăng về việc thi hành xong, về tiền cũng xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái; Thể chế và sự phối hợp giữa các ngành được tăng cường, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương; Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được tăng cường. Nguyên nhân chính để đạt được những kết quả đó là có sự chuyển biến nhận thức về trách nhiệm của Lãnh đạo Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự và những người đứng đầu. Sự năng động, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp với các cấp, các ngành…

 

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, theo đó có 3 vấn đề đáng lo ngại và cần quan tâm sâu sát hơn nữa. Đó là kết quả thi hành án về tiền còn thấp, rất xa so với chỉ tiêu được giao, về việc có cao hơn song cũng chưa thật sự khả quan; Vi phạm kỷ luật, kỷ cương tăng lên, có nơi chạy theo thành tích để xếp loại, phân loại án không trung thực; Nhiều đề án rất chậm.

Bộ trưởng nhấn mạnh về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm phải phân loại, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện được Nghị quyết của Quốc hội; phân loại rõ việc gì Tổng cục làm, việc gì Cục Thi hành án dân sự làm. Cần bổ sung những giải pháp như: Điều động chấp hành viên tăng cường cho những đơn vị có nhiều án; phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ Tổ chức cán bộ ban hành tiêu chí xếp hạng các cơ quan Thi hành án dân sự năm 2013; Phối hợp với vụ Bổ trợ tư pháp tháo gỡ ngay khó khăn về bán đấu giá tài sản; Phối hợp với cơ quan đại diện phía Nam, cần có đại diện của Lãnh đạo Tổng cục tại cơ quan đại diện phía Nam; Phối hợp với các trường Trung cấp Luật để đưa học viên đi thực tế và tuyển dụng cán bộ từ các trường Trung cáp luật…

Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê


Các tin khác