Đề xuất lập Hội đồng tư vấn
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong dự thảo Nghị quyết nói trên là trong năm 2014, sẽ nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn thi hành án dân sự ở Cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Thi hành án dân sự dưới hình thức kiêm nhiệm để tư vấn giúp Cục trưởng và Tổng cục trưởng về đường lối, giải pháp giải quyết những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự khó khăn, kéo dài.
Nhận định việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết song, theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội thì do Thi hành án dân sự là lĩnh vực đặc biệt phức tạp, dễ sai phạm và nếu có sai phạm thì khó và thậm chí không sửa được. Trong khi cơ quan này không có các tổ chức như ở Tòa án, Kiểm sát (có các hội đồng, Ủy ban). Do đó, theo bà Hạnh “Việc lập hội đồng tư vấn ở Cục và Tổng cục là cần thiết nhằm tạo ra một thiết chế an toàn hơn cho công tác thi hành án dân sự”.
Từ kinh nghiệm của địa phương trong công tác tổ chức cán bộ, trong việc phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thi hành những vụ án khó dưới sự quan tâm lãnh đạo của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Long An, Nguyễn Văn Gấu cho rằng nếu vận dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các ngành có liên quan đặc biệt với Tòa án, Viện Kiểm sát cùng cấp. Và nếu như ở cấp Trung ương thành lập Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự thì việc chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án lớn, khó khăn, phức tạp và giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc phức tạp, kéo dài sẽ đạt kết quả tốt.
Vì những lý do này, Cục trưởng Nguyễn Văn Gấu cho rằng “trong điều kiện hiện nay chưa cần thiết thành lập Hội đồng tư vấn Thi hành án dân sự ở Tổng cục và ở Cục”.
Không nên cứng nhắc 2 nhiệm kỳ
Một vấn đề khác được quan tâm trong dự thảo Nghị quyết đó là việc nghiên cứu thực hiện chủ trương cán bộ cấp trưởng của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đã quá 2 nhiệm kỳ nhưng vẫn đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ thì không bổ nhiệm lại vị trí cũ mà xem xét chuyển đổi, bổ nhiệm vị trí mới hoặc đơn vị mới nhằm đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, đổi mới hoạt động tại các cơ quan Thi hành án dân sự.
Phó Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hạnh cho rằng, đối với một cơ quan như cơ quan Thi hành án dân sự nếu quy định cứng nhắc vấn đề này như trong dự thảo Nghị quyết (nhất là ở cấp thành phố) thì có thể gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, đề nghị cân nhắc kỹ quy định này.
Cũng đề nghị nghiên cứu thêm quy định này nhưng đại diện Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tỏ ra lạc quan “nếu có cơ chế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương thì hoàn toàn có thể hoán đổi vị trí, chẳng hạn giữa Cục Thi hành án dân sự và Sở Tư pháp”.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về việc chuyển đổi vị trí đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý (cấp trưởng, cấp phó cơ quan Thi hành án) đã giữ một vị trí lãnh đạo, quản lý liên tiếp hai nhiệm kỳ.
Ngoài việc quy định nhiệm kỳ cấp trưởng, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc xem xét, luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận môi trường mới đối với cán bộ lãnh đạo cấp phó của các cơ quan Thi hành án dân sự thuộc diện quy hoạch cấp trưởng hoặc cao hơn khi hết nhiệm kỳ đầu. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển đổi vị trí công tác.
Năm 2013 và những năm tiếp theo, thực hiện có hiệu quả chủ trương biệt phái công chức của hệ thống Thi hành án dân sự trong phạm vi địa phương cấp tỉnh hoặc từ địa phương này sang địa phương khác để tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, cấp bách. Với những định hướng mang tầm chiến lược Nghị quyết của Ban Cán sự cũng đề ra mục tiêu đến năm 2015 hệ thống Thi hành án dân sự được kiện toàn về tổ chức, đủ về số lượng công chức và từng bước nâng cao chất lượng công chức, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh vững vàng, kỷ cương, kỷ luật.
Thu Hằng