- Là địa phương có lượng án lớn nhất trong cả nước, xin ông cho biết Thi hành án thành phố đã có những biện pháp cũng như cách làm hay nào để giải quyết lượng án đó?
Thi hành án dân sự là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và phức tạp, không riêng gì ở thành phố Hồ Chí Minh mà các địa phương khác cũng vậy. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan Thi hành án dân sự phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền địa phương. Phải làm cho cấp Ủy, chính quyền địa phương thấy được công tác thi hành án dân sự ở thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh mà là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thực tế, những năm qua, ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ rất thiết thực.
Thứ hai là về chuyên môn nghiệp vụ, đây là điều rất quan trọng vì nó quyết định tới hiệu quả công việc nên chúng tôi cũng áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Hàng năm xác định địa bàn trọng điểm vể thi hành án để quan tâm đầu tư, chỉ đạo. Xây dựng các đợt cao điểm về thi hành án. Huy động lực lượng giải quyết việc thi hành án tồn đọng ở các địa bàn trọng điểm. Có chương trình đối thoại với chấp hành viên, đối thoại với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Xây dựng kế hoạch thí điểm cho người được thi hành án là các Ngân hàng, tổ chức tín dụng lựa chọn chấp hành viên tổ chức thi hành án. Định kỳ thông báo kết quả thi hành án cho Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện biết để phối hợp chỉ đạo. Xây dựng quy chế phối hợp với các ngành. Thực hiện công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân án cho chấp hành viên…
Bên cạnh đó, để có được những thành công thì phải kể đến công tác tổ chức cán bộ. Để có được nguồn nhân lực mạnh như hiện nay, bên cạnh việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ thì phải có giải pháp thu hút nhân lực. Chúng tôi đã xây dựng đề án tuyển dụng công chức thi hành án có hộ khẩu ngoài thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch thu hút công chức từ các ngành, các địa phương khác; xây dựng quy hoạch gắn với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm…
- Vậy hiệu quả của cách làm này ?
Từ việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như trên, chúng tôi đã thu được một số kết quả nhất định như đã cơ bản kiện toàn xong việc tổ chức cán bộ, toàn ngành hiện có trên 600 công chức, gần 300 chấp hành viên, tăng 51% so với năm 2010, trong đó có 79 công chức giữ các vị trí lãnh đạo, mà đa phần là công chức trẻ, có năng lực, có chiều hướng phát triển tốt. Hiện nay toàn ngành có 14 Thạc sỹ, 17 chấp hành viên đang theo học trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ luật.
Từ đội ngũ con người được “chuẩn hóa” nên kết quả thi hành án dân sự chuyển biến tích cực theo từng năm. Trong giai đoạn từ 1993 đến nay, tổng số việc thi hành án dân sự đã giải quyết xong là trên 620 ngàn việc, thu được trên 32 ngàn tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1.700 tỷ đồng. Đặc biệt, số việc thi hành án dân sự tồn đọng hằng năm đều giảm dần, chẳng hạn số việc tồn động năm 2005 là trên 57 ngàn việc, nhưng đến năm 2012 số việc tồn chuyển kỳ sau chỉ còn 27 ngàn việc. Liên tục trong 5 năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh luôn hoàn thành được các chỉ tiêu về thi hành án dân sự.
-Ông có đánh giá như thế nào về những mặt khó khăn cũng như thuận lợi của thi hành án thành phố so với các địa phương khác?
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chưa thật sự ổn định và bền vững. Bên cạnh kết quả đạt được, thì chúng tôi cũng còn rất nhiều hạn chế, thiếu sót cần phải nỗ lực khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Năm 2013, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục gặp khó khăn, khối lượng công việc ở các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, áp lực về việc hoàn thành chỉ tiêu thi hành án hết sức nặng nề, trong khi đời sống cán bộ, công chức thi hành án còn gặp nhiều khó khăn… Đây là thách thức, khó khăn không nhỏ đối với ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ công chức thi hành án dân sự thành phố, cộng với truyền thống kinh nghiệm, hy vọng ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, xứng đáng với vị thế đầu tàu cả nước.
-Xin ông cho biết phương hướng cũng như kiến nghị để công tác thi hành án ở thành phố ngày càng được tốt hơn?
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã áp dụng trong thời gian qua, đồng thời sẽ triển khai, áp dụng các giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác thi hành án dân sự. Trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và tổ chức thi hành án. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân đối với hồ sơ tồn đọng, từ đó có kế hoạch xử lý, giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án. Quan tâm xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.
Về kiến nghị, chúng tôi đề nghị nên nghiên cứu tập trung các cơ quan Thi hành án dân sự vào một mối. Xây dựng chế độ bảo hiểm nghề nghiệp cho công chức làm công tác thi hành án dân sự. Thực tế cho thấy đã có nhiều công chức thi hành án bị kỷ luật, khởi tố do sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án. Do vậy, có một cơ chế để bảo hiểm trách nhiệm cho công chức ngành Thi hành án dân sự là rất cần thiết.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này .
Ngọc Quý (thực hiện)
Vũ Hồng Thúy