Tọa đàm góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án JICA tại Việt Nam

20/11/2013
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2013, ngày 14/11/2013, Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức “Tọa đàm góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008” tại thành phố Hồ Chí Minh do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy cùng Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam – ông Matsumoto Takeshi đồng chủ trì với sự tham dự của 02 Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam (ông Furusho và bà Mariko); Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre….. (mỗi Cục có 03 đại biểu do Lãnh đạo Cục làm Trưởng đoàn); riêng thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Lãnh đạo Cục còn có các đồng chí Chi Cục trưởng các quận, huyện của thành phố.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, “Buổi Tọa đàm góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008” đã thành công tốt đẹp; những vấn đề trọng tâm, chủ yếu đã được trình bày, trao đổi, thảo luận. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Nguyễn Thanh Thủy trình bày về báo cáo tóm tắt, giới thiệu những định hướng lớn và các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các bài tham luận: Một số vấn đề về quản lý nhà nước trong công tác thi hành án dân sự (đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự), những quy định bảo đảm an toàn cho Chấp hành viên trong hoạt động thi hành án dân sự (Cục Thi hành án dân sự Tp.Hồ Chí Minh), Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của các đương sự trong thi hành án dân sự (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), những vướng mắc, bất cập về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An).

 

 

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết và có chất lượng của các đồng chí tham dự (có tới 14 ý kiến phát biểu), trong đó hầu hết các ý kiến tập trung thảo luận về 03 nội dung chủ yếu sau: thứ nhất là, xem xét về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (cụ thể là Tòa án, Viện Kiểm sát và Ủy ban nhân dân) với cơ quan Thi hành án dân sự; thứ hai là, xem xét về việc quy định để Tòa án ra quyết định về thi hành án (cơ sở pháp lý, tính cần thiết, ra các loại quyết định nào?...); thứ ba là, xem xét về cơ chế bảo đảm cho Chấp hành viên, các quy định nâng cao, tăng cường, trao thêm quyền cho đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong đó, hầu hết các ý kiến (Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre,  Chi cục Thi hành án dân sự quận 3, thành phố Hồ Chí Minh…) đều ghi nhận về những kết quả rất đáng khích lệ đạt được từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời: kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước, nhất là về giá trị tuyệt đối, hệ thống tổ chức bộ máy cơ bản được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, đồng thời thống nhất đề nghị giữ nguyên mô hình hệ thống tổ chức về thi hành án dân sự như hiện nay nhưng cần bổ sung thêm các quy định tăng cường thêm tính độc lập cho cơ quan Thi hành án dân sự.

 

 

Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe ngài Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam - ông Matsumoto Takeshi và Chuyên gia dài hạn của Dự án - ông Furusho phát biểu, chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu về mô hình, tổ chức hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự tại Nhật Bản, trong đó, có nêu một số ý nổi bật như sau: tại Nhật Bản, có chế định Thẩm phán chuyên trách về thi hành án riêng và việc ra các Quyết định thi hành án của các Thẩm phán này tuân theo thủ tục rút gọn, không cần sự tham gia của Hội đồng xét xử, các Chấp hành viên làm việc cùng một Tòa nhà với các Thẩm phán nhưng độc lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (ở Nhật chính quyền địa phương gần như không tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án). Đồng thời, các Chuyên gia của Dự án JICA cũng gợi ý rằng để có thể bảo đảm an toàn cho Chấp hành viên trong điều kiện hiện nay thì cơ quan Thi hành án dân sự cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan Công an và kiến nghị sớm thành lập lực lượng Cảnh sát tư pháp.

 

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh lại một số điểm chính như sau: (1) Về xem xét mối quan hệ phối hợp với Tòa án nhân dân, hầu hết các ý kiến nhất trí với quan điểm giữ nguyên quy định để cơ quan Thi hành án dân sự ra các quyết định về thi hành án như hiện nay, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng nên để Tòa án ra quyết định thi hành án theo 2 hướng: hoặc là để Tòa án ra cả 2 loại quyết định thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn yêu cầu hoặc là chỉ để Tòa án ra các quyết định thi hành án chủ động. (2) Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự, tránh để tình trạng nhiều cơ quan có quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động thi hành án như hiện nay (có ý kiến cho rằng cần tăng cường vai trò cho Viện Kiểm sát nhân dân bằng cách quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung sắp tới, đối với những quyết định quan trọng về thi hành án,như: quyết định cưỡng chế, kê biên… cần phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát). (3) Về mối quan hệ phối hợp với Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự, các đại biểu tham dự đều nhất trí việc quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân như hiện nay là tương đối phù hợp, phát huy hiệu quả, không cần phải sửa đổi gì thêm. (4) Hầu hết các ý kiến thể hiện sự đồng tình cao với tham luận của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị cần sớm có quy định về cơ chế bảo đảm an toàn cho Chấp hành viên hoặc quy định về miễn trừ trách nhiệm cho Chấp hành viên trong những trường hợp thi hành án có sai sót do nguyên nhân bất khả kháng. (5) Ngoài ra, Tọa đàm cũng đã được nghe một số ý kiến về việc cần tăng cường, nâng cao hơn nữa vai trò của đương sự trong quá trình thi hành án, trao thêm các quyền tự định đoạt cho đương sự nhưng cũng không nên cứng nhắc trong việc quy định sự thỏa thuận của đương sự như là một điều kiện bắt buộc, bởi trong một số trường hợp quy định như vậy vô hình dung đã gây cản trở, khó khăn cho việc tổ chức thi hành án; cũng như cần quy định về trình tự thủ tục thi hành án theo hướng gọn nhẹ hơn, các quy định cần có “thời hạn mở” để tạo điều kiện cho Chấp hành viên có sự linh động trong thực hiện nhiệm vụ.

 

 

Lê Huy Hùng


Các tin khác