Tọa đàm về “Quy trình Thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý” tại tỉnh Sơn La

07/11/2013
Sáng ngày 01/11/2013, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về “Quy  trình Thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý” tại thành phố Sơn La. Buổi Tọa đàm do đồng chí Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ trì, tham dự Tọa đàm có các đồng chí Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo Phòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của 16 Cục Thi hành án dân sự các tỉnh phía Bắc; đại diện phía Nam có Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Đến dự Tọa đàm có đồng chí Phạm Văn Chung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La; đồng chí Sa Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La; đồng chí Nguyễn Công Bình, Tiến sỹ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Tây Bắc. Đến dự và đưa tin về Tọa đàm có đại diện Báo Sơn La, Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La và Đài truyền hình tỉnh Sơn La.

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Trong không khí toàn ngành vừa kết thúc kế hoạch công tác năm 2013 với những kết quả khá khả quan về chỉ tiêu thi hành án dân sự, trong đó các chỉ tiêu về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức được giao; việc chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, việc Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Tọa đàm đã thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục đối với công tác này. Đồng chí cũng cho biết hiện nay tình hình khiếu nại của đương sự về thi hành án dân sự tuy có giảm nhưng tố cáo lại tăng; đồng thời, có nhiều trường hợp có biểu hiện lợi dụng sự dân chủ và quyền khiếu nại tố cáo làm trì hoãn việc thi hành án và khiến cho công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tốn nhiều thời gian công sức. Bên cạnh việc phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì cũng cần tính đến việc xây dựng văn bản làm cơ sở pháp lý thể hiện thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với những trường hợp này. Tọa đàm nhằm bước đầu đưa ra để các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, nhất là những nơi có nhiều khiếu nại tố cáo và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo trao đổi, thảo luận làm định hướng cho việc xây dựng văn bản hướng dẫn thủ tục ra thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý.

 

Tại Tọa đàm, đại diện Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình đã tham luận với các chủ đề: Thực trạng vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; sự phối hợp của cấp Ủy, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương trong việc chỉ đạo, giải quyết các vụ việc này.

Sau khi đồng chí Lê Thị Kim Dung nêu lên một số gợi ý các nội dung cần tập trung thảo luận, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã thảo luận rất tích cực, sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm. Cụ thể, đã có đến 15 đại biểu đại diện cho 15/17 đơn vị tham gia Tọa đàm phát biểu tại ý kiến.

Các ý kiến đều rất tập trung, thiết thực, có giá trị và đã góp phần làm rõ về tiêu chí xác định vụ việc bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiêu chí xác định các vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý mà đương sự tiếp tục khiếu nại tố cáo. 

 

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành văn bản quy định về vấn đề này và đề nghị thẩm quyền ban hành văn bản là Bộ trưởng; hình thức văn bản là Quyết định, một số ý kiến đề nghị xây dựng Thông tư của Bộ, cũng có ý kiến đề nghị xây dựng Thông tư liên tịch.

Khá nhiều ý kiến đã phân tích tên gọi của văn bản theo hướng, cần ngắn gọn hơn và cần thể hiện chính xác hơn bản chất của các khiếu nại tố cáo này. Cụ thể, từ tên gọi là “Quy  trình Thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý”, 100% ý kiến đề nghị sửa lại thành “Quy  trình Thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng pháp luật”. Về quy trình ra Thông báo, đa số ý kiến đều thống nhất thành phần họp không nên quy định cứng nhắc mà nên quy định mở để linh hoạt trong việc mời thành phần họp và xác định giá trị pháp lý của các cuộc họp; cần tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát các cấp trong công tác thi hành án dân sự và trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

 

Kết luận Tọa đàm, thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Lê Thị Kim Dung đã đánh giá cao giá trị của những ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh những ý kiến phát biểu tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu, tiếp thu và sẽ tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong quá trình xây dựng các các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này được phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo – Tổng cục THADS