Trong thực tế tổ chức thi hành án cho thấy, nhiều trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án có tài sản nhưng trốn tránh, tẩu tán, hủy hoại tài sản dẫn đến không còn điều kiện thi hành án.Trong khi đó, thời gian từ khi xác minh đến khi tổ chức cưỡng chế phải thực hiện rất nhiều thủ tục, trình tự kéo dài, khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Để ngăn chặn các hành vi nêu trên của người phải thi hành án, kịp thời khắc phục những bất cập và tạo hành lang pháp lý cho chấp hành viên thực thi nhiệm vụ, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án trong Mục 1 Chương IV, từ Điều 66 đến Điều 69 gồm 03 biện pháp: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản của người phải thi hành án. Các quy định trên đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009. Đây hoàn toàn là điểm mới của Luật thi hành án dân sự và Nghị định hướng dẫn thi hành so với các quy định về thi hành án dân sự trước đây, đặt những cơ sở pháp lý để chấp hành viên tiến hành các hoạt động thi hành án nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định được thi hành một cách triệt để và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian gần 5 năm thi hành theo Luật thi hành án dân sự, các chấp hành viên rất hạn chế áp dụng các biện pháp bảo đảm này, vì quá trình áp dụng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong tiến trình sửa đổi Luật thi hành án dân sự, một trong những nội dung đề xuất cần sửa đổi là các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án.