Hội nghị giao ban trực tuyến công tác thi hành án dân sự quý III/2020

17/06/2020
Sáng 17/6/2020, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2020 với 63 Cục Thi hành án dân sự. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đồng chủ trì Hội nghị, tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Lực, Trần Thị Phương Hoa và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của Lãnh đạo các Cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Hội nghị, trong 8 tháng năm 2020, các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn Hệ thống đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và Chương trình, Kế hoạch công tác năm. Trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là sau khi Chính phủ công bố hết thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị đã khẩn trương, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức tổ chức công việc phù hợp, chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác. Nhờ đó, kết quả thi hành án cơ bản giữ được nhịp độ, kết quả thi hành xong về tiền tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 cả về giá trị tuyệt đối với tỷ lệ thi hành xong, tăng hơn 6.068 tỷ đồng (tăng 25,39%); đạt tỉ lệ 19,92% (tăng 3,91%) so với cùng kỳ năm 2019. Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, nghiêm túc thực hiện.
 
 
Tuy nhiên, mặc dù lượng án thụ lý mới đều giảm cả về việc và tiền so với cùng kỳ năm 2019 nhưng kết quả tỷ lệ thi hành xong trên số có điều kiện thi hành về việc lại giảm (giảm 1,96%). Một số địa phương có kết quả thi hành án xong đạt thấp, nhất là về tiền, như: Hà Giang, Quảng Bình, Nam Định, Hà Nam, Quảng Nam… Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước vẫn còn diễn ra.
 
 
Sau khi nhận diện các khó khăn, tồn tại, phân tích nguyên nhân, các Cục THADS địa phương đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trong quý IV. Cụ thể, Cục THADS Hà Nội sẽ tập trung giải quyết các vụ việc có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng; thành lập tổ đôn đốc thi hành án tại các Chi cục. Cục THADS TP.HCM sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý và giao tài sản thi hành án, nhất là tài sản bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; chú trọng kiểm tra giám sát quá trình tác nghiệp Chấp hành viên; nêu cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị. Còn Cục THADS Tiền Giang, Tây Ninh, Gia Lai… sẽ nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ, sâu sát trong chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chấp hành viên.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu toàn hệ thống cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ tình hình chung của đất nước và của ngành Tư pháp, THADS để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả trong toàn Hệ thống THADS Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Bối cảnh chung hiện nay còn rất nhiều khó khăn nên ngành THADS phải nỗ lực hết mình mới hoàn thành nhiệm vụ, tuyệt đối không được để công tác THADS trở thành “điểm nghẽn” trong nỗ lực chung của cả bộ máy Chính phủ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Thủ trưởng cơ quan THADS địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra giám sát nội bộ, đề cao trách nhiệm nêu gương, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả quản lý trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo hướng quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm. Các cơ quan THADS cần chủ động, sáng tạo đổi mới phương thức làm việc và thực hiện nghiêm chính sách về tinh giản biên chế.

 

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh Quý IV/2020 là Quý cuối cùng của năm công tác 2020, có ý nghĩa quyết định đến kết quả công tác của cả năm 2020. Do đó, toàn Hệ thống THADS cần chủ động, bám sát kế hoạch công tác năm 2020 để “tăng tốc” thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2020 cũng như trong Nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác và các chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC. Triển khai thực hiện có hiệu quả trong toàn Hệ thống THADS Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực THADS, hành chính. Tập trung quyết liệt tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm, có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng, nâng cao hiệu quả, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản; làm tốt công tác tự kiểm tra; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm, tham nhũng, tiêu cực và khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS.
Tổng cục THADS, các Cục THADS địa phương cần chủ động rà soát Quy chế, quy trình làm việc nội bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan THADS, đặc biệt là kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Cơ quan THADS cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bám sát sự lãnh đạo, chủ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp./.