Ngày 04/3/2024, Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự do đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Về phía Tỉnh ủy Tây Ninh có đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chủ trì, cùng tham dự có các đồng chí là đại diện Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện Lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, đại diện Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lực thay mặt cho Lãnh đạo Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo địa phương, đặc biệt là cá nhân đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực đã bố trí dành thời gian tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự.
Đồng chí Nguyễn Văn Lực thông tin về tình hình, kết quả công tác của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh thời gian qua, qua đó đề xuất, kiến nghị đối với Thường Trực Tỉnh ủy một số nội dung nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, cụ thể: cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà thì các tranh chấp dân sự, kinh tế, các vụ án hình sự, hôn nhân gia đình…cũng phát sinh nhiều. Những năm gần đây, Tây Ninh luôn là tỉnh có số việc, số tiền phải thi hành rất lớn, tính chất đa dạng, phức tạp hơn, như năm 2023 cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành trên 25 nghìn việc, xếp thứ 8/63 toàn quốc về số việc phải thi hành; số tiền phải thi hành là 4.300 tỷ đồng, xếp thứ 16/63 toàn quốc. Đặc biệt là số việc, số tiền thụ lý mới tăng cao, về việc thụ lý mới tăng 24.4%, về tiền thụ lý mới tăng 33.21%, trong khi biên chế không tăng, lại chưa tuyển dụng đủ, áp lực công việc trong công tác thi hành án dân sự ở Tây Ninh ngày càng gia tăng.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành liên quan, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác thi hành án dân sự tại Tây Ninh ngày càng đi vào nề nếp, khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong giai đoạn trước. Thay mặt Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Nguyễn Văn Lực cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban Nội chính và các sở, ban, ngành của tỉnh ủy đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ công tác thi hành án dân sự hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Nguyễn Văn Lực đã bày tỏ mong muốn và đề nghị Tỉnh ủy Tây Ninh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh một số vấn đề cụ thể như sau:
- Xem xét ban hành Chỉ thị của Lãnh đạo tỉnh về tăng cường và nâng cao hiệu quả về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó nghiêm túc thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tại các đơn vị trực thuộc và các quy định mới của Trung ương, của tỉnh.
- Chỉ đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh trong việc xác minh thông tin về đất đai phục vụ cho việc tổ chức thi hành án; chỉ đạo lực lượng công an phối hợp trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự; chỉ đạo cấp huyện phối hợp với Cục Thi hành án dân sự để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo UBND tỉnh hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, vật chất cho cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Chỉ đạo UBND huyện có bản án hành chính thi hành dứt điểm.
- Chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Tân Châu, Gò Dầu và thị xã Hòa Thành hỗ trợ cấp thêm diện tích đất để xây dựng kho vật chứng cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Châu, huyện Gò Dầu và thị xã Hòa Thành.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thay mặt Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm kịp thời, sát sao của Lãnh đạo Tổng cục đối với công tác Thi hành án dân sự địa phương và sẽ có chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp để hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Cùng ngày, tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng Cục trưởng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tập thể lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn và lãnh đạo các Chi cục thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.
Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã đánh giá về một số kết quả nổi bật đạt được của cơ quan, đơn vị trong 05 tháng đầu năm 2024, đó là:
- Về việc: đã thi hành xong 4.807 việc, đạt tỉ lệ 39,59%.
- Về tiền: đã thi hành xong trên 514 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 23,27%.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, đồng chí Phó Tổng cục trưởng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, đó là: số việc chuyển sang kỳ sau rất nhiều, đứng đầu toàn quốc; kết quả thi hành án chưa hoàn thành đủ chỉ tiêu được giao; kết quả thi hành án chưa đồng đều, 05 tháng đầu năm 2024 còn nhiều đơn vị kết quả thi hành xong về giá trị thấp; kết quả thi hành án có điều kiện trên một năm còn hạn chế, chưa có nhiều chuyển biến, chưa đánh giá đầy đủ; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chưa đưa ra giải pháp đột phá...Do đó Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo lãnh đạo, công chức và người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn và nghiêm túc thực hiện:
1. Về công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh cần thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục; nâng cao nhận thức, thay đổi theo hướng sâu sát, quyết liệt, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thiết thực, hiệu quả trong tình hình mới; tập trung rà soát lại các quy chế đã ban hành, thực hiện đúng quy chế của cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, chuyên nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
2. Đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh cần quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tại Công văn số 693-CV/BCS ngày 11/012024, Công văn số 260/TCTHADS-GQKNTC ngày 18/01/2024 và Công văn số 771/TCTHADS-GQKNTC ngày 29/02/2024 của Tổng cục Thi hành án dân sự; xây dựng kế hoạch kiểm tra, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, tự kiểm tra có hiệu quả, trong đó chú trọng công tác kiểm tra của Cục đối với các Chi cục, Chấp hành viên thuộc Cục; của Chi cục đối với các Chấp hành viên thuộc Chi cục để kịp thời phát hiện sai phạm, chỉ đạo khắc phục và xử lý theo quy định, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Thi hành án dân sự.
3. Đối với công tác tổ chức thi hành án: yêu cầu lãnh đạo Cục, các Chi cục, các phòng chuyên môn nghiệp vụ có giải pháp đột phá để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai phạm; có biện pháp cụ thể để phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh.
4. Đối với công tác Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị; xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
5. Đối với công tác bồi thường nhà nước: triển khai nghiêm túc Công văn số 2713/TCTHADS-NV3 ngày 28/7/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động Thi hành án dân sự, hạn chế tối đa nguy cơ bồi thường nhà nước, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh.
6. Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết nghiêm túc, đúng lịch, kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, đặc biệt là những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, phản ánh, hạn chế phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động Thi hành án dân sự, đặc biệt là Viện kiểm sát để kiểm tra hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên; thực hiện nghiêm, đúng quy chế, quy trình, sổ sách, lịch tiếp công dân và kết quả giải quyết đúng quy định.
7. Đối với quản lý kho vật chứng: Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ động rà soát vật chứng còn tồn đọng để có giải pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.
8. Đối với công tác cán bộ, cần sớm kiện toàn những chức danh lãnh đạo còn thiếu; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ khi cần.
9. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm phối hợp của cấp uỷ chính quyền địa phương đối với công tác Thi hành án dân sự, các chi cục chủ động tăng cường phát huy cơ chế phối hợp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao./.