Sign In

Thi hành án dân sự: 05 năm chuyển biến cơ bản, bền vững

06/01/2016

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội nước ta, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2015 và giai đoạn 2011-2015 đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát. Đặc biệt năm 2015, chúng ta đã đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch. Theo đánh giá của Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đây là năm thứ 2 đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội. Các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh chuyển biến tích cực. An ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Trong những kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua và cả giai đoạn 2011-2015, có sự đóng góp tích cực của công tác thi hành án dân sự, hành chính.

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án năm 2015. Quốc hội đã thảo luận và cơ bản nhất trí với nhận định của Chính phủ về những chuyển biến tích cực mà công tác thi hành án dân sự, hành chính đã đạt được trong năm qua với nhiều đánh giá, ghi nhận, trong đó nổi bật một số kết quả sau:

Một là, kết quả thi hành án xong về việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước, ngày càng thực chất, bền vững. Năm 2015, thi hành xong đạt tỷ lệ gần 90% về việc và 76% về tiền; nếu so với năm 2011, năm đầu niệm kỳ thì tăng gần gấp rưỡi về việc và gấp ba lần về tiền. Công tác đôn đốc thi hành án hành chính tiếp tục có những chuyển biến và ngày càng đi vào nề nếp, đạt tỷ lệ gần 100%. Việc thực hiện các chỉ tiêu khác như ra quyết định thi hành án đúng thời hạn; bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án và cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án có nhiều chuyển biến và cơ bản bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội.

Hai là, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua năm 2014, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật, cơ bản khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết như trước đây. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc thi hành án, đã tích cực tham mưu cho Chính phủ tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết hết sức quan trọng, cho phép thực hiện chính thức chế định này trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, các cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, bộ luật quan trọng liên quan đến công tác thi hành án dân sự, hành chính như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính...

Ba là, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức các cơ quan THADS đã  được kiện toàn một bước quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh được triển khai khá đồng bộ, toàn diện. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức được chú trọng. Các biện pháp phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng được quan tâm chỉ đạo; kỷ cương, kỷ luật được siết chặt và ngày càng đi vào nề nếp, số cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật có xu hướng giảm.  
 Bốn là, công tác phối kết hợp với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, với cấp ủy và chính quyền địa phương được chú trọng hơn; nhiều quy chế phối hợp liên ngành (giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; với Ngân hàng Nhà nước; giữa Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an...), sơ kết Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự  sau một năm thực hiện, qua đó, góp phần tích cực tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thi hành án.

Những chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự, hành chính trong năm 2015 và nhất là so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII như nêu trên đã bước đầu cho thấy sự phát triển bền vững của công tác này; từng bước tạo được niềm tin của cấp ủy, chính quyền các cấp và của Nhân dân. Từ đó, vị trí, vai trò của công tác thi hành án dân sự, hành chính trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định, tăng cường. Đây cũng là lý do mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều đã có sự ghi nhận, biểu dương đối với công tác THADS trong Lễ kỷ niệm 70 ngày truyền thống Ngành Tư pháp và trong buổi làm việc với Bộ về công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành an dân sự vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập như: (1) Số việc, tiền chưa thi hành được chuyển sang năm sau vẫn còn cao, nhất là về giá trị, còn một số lượng án dân sự tồn đọng qua nhiều năm đến nay chưa thi hành được (gần ¼ triệu việc, không giảm so với đầu nhiệm kỳ); (2) một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn chưa có biện pháp tập trung quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm, có việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng phải chỉ đạo nhiều lần; (3) công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các Đoàn Luật sư tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn còn những bất cập, hạn chế, một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn chưa thực sự chủ động, tích cực; (4) việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan thi hành án dân sự tuy đã có nhiều tiến bộ một số nơi còn chưa nghiêm; còn trường hợp vi phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, nhất là ở cấp Chi cục; (5) tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí bị điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự còn tiếp diễn.

Đất nước ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ổn định vững chắc hơn, tăng trưởng cao hơn và tự tin, chủ động hội nhập vào một thế giới mà quá trình toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng. Khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, kinh tế thị trường và tiến bộ công bằng xã hội, dân chủ và pháp quyền, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình và phát triển, đồng thời cùng chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Đặc biệt, việc tham gia thành lập Cộng đồng ASEAN, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, các khối kinh tế toàn cầu, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Liên minh Châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu... tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Bước vào năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với những chỉ tiêu nhiệm vụ rất nặng nề. Đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính, đây cũng là năm đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành sau 70 năm xây dựng và phát triển (19/7/1946-19/7/2016) và cũng là năm bắt tay triển khai Nghị quyết mới của Quốc hội về công tác tư pháp, Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa Phát lại và nhiều luật, bộ luật có nội dung liên quan trực tiếp đến công tác này. Vì vậy, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự là hết sức nặng nề. Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, các cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung triển khai toàn diện các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016 -2021 trong công tác thi hành án dân sự, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

Về các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2021, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định yêu cầu Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân phải luôn tôn trọng và nêu cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Các bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, các giá trị của công lý phải được tôn vinh và bảo vệ. Trong bối cảnh đó, công tác thi hành án đang ngày càng có vị trí và ý nghĩa tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế XHCN, thực thi công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, các cơ quan thi hành án dân sự cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ về thi hành án theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác tư pháp, gắn với việc triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ các địa phương. Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ 2011 - 2015, nhất là những hạn chế, tồn tại do nguyên nhân chủ quan. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa một số nội dung liên quan đến công tác THADS, phấn đấu đến năm 2020, tạo điều kiện để các tổ chức thừa phát lại tham gia sâu hơn vào các hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự, trong đó có việc xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của người dân.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiến hành giao và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, đặc biệt là chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền được Quốc hội giao. Tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác tư pháp. Năm 2016 tiếp tục thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội. Cuối năm tổ chức đánh giá việc thực hiện theo quy định mới làm căn cứ đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2017, trong đó, xác định vai trò nòng cốt Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện tốt công tác này.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời, phối hợp triển khai có hiệu quả các Bộ luật, luật có liên quan như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Chú trọng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung ngay trong Quý I năm 2016.

- Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chế định Thừa phát lại theo tinh thần Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội. Bộ Tư pháp tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.

- Khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế kéo dài như tình trạng án tồn đọng chuyên năm này sang năm khác; phân loại án không chính xác; khiếu nại, tố cáo kéo dài... Đồng thời phải chú trọng việc tiếp tục nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao chất lượng hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, khắc phục những thiếu sót, vi phạm thường gặp trong công tác này. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, nhất là chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát công việc và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, qua đó, góp phần tạo sự minh bạch, công khai, ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong hoạt động thi hành án.

Có thể nói, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ là rất nặng nề với nhiều thách thức. Là một trong những thiết chế quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu cách mạng, các cơ quan thi hành án dân sự, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi hành án dân sự, hành chính cần tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, quý báu, đồng thời, phải thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngành và với mỗi cán bộ tư pháp: “Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”,[1] Cán bộ tư pháp “phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.[2]; tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, góp phần thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống thi hành án dân sự  Việt Nam./.
                                                                        
 

[1] Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc ngày 22 tháng 3 năm 1957.
[2] Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Học tập của cán bộ Ngành Tư pháp năm 1950.


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: