Sign In

Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi quyết tâm hoàn tốt thành nhiệm vụ năm 2021

25/12/2020

Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích hơn 160 km², dân số khoảng hơn 200 nghìn người, có 23 đơn vị hành chính trực thuộc với 09 phường, 14 xã. Với đặc điểm là đô thị trung tâm nên hàng năm tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố Quảng Ngãi luôn đi đầu trong toàn tỉnh, nhưng mặt trái của nó cũng phát sinh nhiều tranh chấp, trong đó nổi lên là tranh chấp về kinh tế, đất đai, các vụ việc dân sự… đã góp phần làm gia tăng các vụ việc thi hành án phải thụ lý giải quyết cho Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ 2020

Trong năm 2020, Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi phải thụ lý, giải quyết tổng số hơn 2.700 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành án hơn 720 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 số việc và hơn ½ số tiền phải thi hành án của toàn tỉnh. Do đã dự báo trước được tính chất và đặc thù công việc tại Chi cục trong năm 2020 sẽ gia tăng đột biến và chiếm tỷ lệ lớn trong toàn tỉnh, nên ngay từ đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Lãnh Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành ủy và UBND thành phố Quảng Ngãi giao; Chi cục THADS thành phố đã xây dựng kế hoạch công tác năm, trình Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến thống nhất và được Cục THADS tỉnh phê duyệt, chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi, Chi cục trưởng đã triển khai cho toàn thể đơn vị tổ chức thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ chung và ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng Chấp hành viên của Chi cục, đảm bảo công bằng, phù hợp với nhiệm vụ, tính chất công việc của từng chấp hành viên và không thấp hơn chỉ tiêu Cục THADS tỉnh giao cho Chi cục.

Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện những thiếu sót, tiêu cực, vi phạm của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục trưởng đã ban hành Kế hoạch tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị và triển khai, tổ chức thực hiện; ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho Chấp hành viên, công chức, hàng tuần tổ chức cuộc họp giao ban, hàng tháng hoặc bất thường tổ chức cuộc họp cơ quan để từng công chức, người lao động báo cáo tình hình công tác, những khó khăn, vướng mắc cần chỉ đạo tháo gỡ và đề ra kế hoạch công tác của tuần, tháng tiếp theo. Trên cơ sở đó, Chi cục trưởng có nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức, người lao động, qua đó chỉ ra các ưu điểm, hạn chế để tiếp tục phát huy những ưu điểm và có hướng khắc phục những hạn chế, từ đó xác định đúng kế hoạch công tác, nhằm thực hiện đạt hiệu quả.

Chính từ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt từ lãnh đạo, sự đồng lòng quyết tâm cao của toàn thể công chức và sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các cơ quan, ban ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, nên trong năm 2020, Chi cục THADS thành phố đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác được giao, riêng về chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền, Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi đã thi hành xong gần 1.400 việc trên tổng số gần 2.000 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 71%, tương ứng với số tiền thi hành xong gần 180 tỷ đồng trên tổng số 498 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 36%. Đây là số lượng việc và tiền thi hành xong cao nhất từ trước đến nay, nếu so sánh số lượng biên chế nói chung và chấp hành viên nói riêng với số việc và tiền phải thụ lý thi hành trong năm 2020 của Chi cục, thì kết quả đạt được cũng đã thể hiện sự cố gắng, nổ lực của từng chấp hành viên, công chức và người lao động của Chi cục.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, ông Phạm Huy Ân – Chi cục trưởng Chi cục THADS tành phố Quảng Ngãi cho rằng, công tác THADS tại Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố như:

- Thứ nhất, phải thẳn thắng thừa nhận, hạn chế đầu tiên đến từ nội tại của Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi, đó là việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát đối với thực tế tổ chức thi hành án, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác kiểm tra hồ sơ thi hành án của chấp hành viên, đôi khi còn khoán trắng và xem như là nhiệm vụ của cá nhân chấp hành viên, chỉ kiểm tra, theo dõi qua báo cáo của chấp hành viên, nên chưa sát người, sát việc; Một số Chấp hành viên, công chức có sức ì, thái độ và tinh thần trách nhiệm trong công tác chưa cao, chưa kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có tính chất khó, phức tạp, do đó số lượng việc thi hành án có điều kiện thi hành chưa giải quyết được còn nhiều, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ tổ chức thi hành án chung của đơn vị.

- Thứ hai, năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và luôn diễn biến phức tạp, cùng với đó là liên tiếp các cơn bão đi qua, nhất là cơn bão số 9, đã gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của nhân dân, trong đó có người phải thi hành án, đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi hành án của chấp hành viên Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi, nhất là việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; công tác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; thực hiện cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án… còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, có nhiều vụ việc thi hành án đã hiện được việc cưỡng chế kê biên và bán đấu giá tài sản để thi hành án, nhưng tình hình dịch bệnh, cộng với thiệt hại về bão, lũ và tăng trưởng kinh tế thấp, dẫn đến không có đối tác, người mua tài sản bán đấu giá, nhiều vụ việc không có người đăng ký mua tài sản, thậm chí có vụ việc giảm giá đến hơn chục lần vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá... dẫn đến, tỷ lệ thi hành án xong về việc, về tiền của năm 2020 chỉ đạt tương đối so với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

- Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều vụ việc người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, luôn tìm cách né tránh, chống đối việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án, lợi dụng quyền tự do dân chủ để khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài, trì hoãn việc thi hành án. Trong khi đó, cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, người phải thi hành án cố tính cung cấp không trung thực hoặc không cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án, gây khó khăn cho việc xác minh, phát hiện và xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án; những trường hợp giao trả quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hoặc tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trên đất để trả lại đất, nhưng khi xác minh điều kiện thi hành án, người phải thi hành án chống đối quyết liệt, trong khi pháp luật chưa quy định trách nhiệm tham gia phối hợp của lực lượng công an để bảo vệ lực lượng tham gia xác minh (chỉ quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế), nên có nhiều vụ việc thi hành án, chấp hành viên và thành phần tham gia xác minh đã đến hiện trường, nhưng người phảo thi hành án chống đối quyết liệt, lực lượng tham gia xác minh không thể xác minh điều kiện thi hành án, phải lập biên bản không xác minh được và ra về, gây tốn kém thời gian, kinh phí, nhưng lại không có cơ sở tổ chức thi hành án. Ngoài ra, có nhiều vụ việc, người phải thi hành án là hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không tạo dựng được chỗ ở tối thiểu, trong khi người được thi hành án không hỗ trợ để người phải thi hành án tạo dựng được chổ ở tối thiểu, do đó khi tổ chức cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách an sinh, tạo chổ ở mới và tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

- Thứ tư, hiện nay, số việc và tiền phải thi hành cho Ngân hàng tương đối nhiều và phát sinh chủ yếu ở xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, tài sản thế chấp cho Ngân hàng đảm bảo khoản nợ vay chủ yếu là nhà ở duy nhất và tàu thuyền. Việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án luôn gặp khó khăn, vì nhà ở là nơi ở duy nhất của cả hộ gia đình người phải thi hành án, tàu thuyền thường xuyên di chuyển đi nơi khác để đánh cá, không cố định nơi neo đậu, do đó rất khó để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Hơn nữa, cuộc sống kinh tế, nguồn thu nhập của người phải thi hành án phụ thuộc vào việc đánh cá, tàu thuyền là phương tiện phục vụ thiết yếu của họ, do đó khi cơ quan Thi hành án kê biên, bán đấu giá để thi hành án, phần nào ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội tại địa phương (vì khi bán tài sản rồi, cả hộ gia đình người phải thi hành án không biết làm gì để sinh sống và không biết ở đâu khi tàu thuyền và nhà ở duy nhất bị cưỡng chế kê biên, bán cho người khác).

- Thứ năm, về quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi trong thời gian qua được các cơ quan, ban nghành quan tâm phối hợp tốt, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp trong công tác giữa Chi cục THADS thành phố với Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh – Chi nhánh thành phố, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi và Cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, phường thuộc thành phố Quảng Ngãi được thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Tuy nhiên từ đầu năm 2019  đến thời điểm hiện nay, Phòng Đô thị thành phố Quảng Ngãi không cử người tham gia phối hợp với Chi cục trong công tác xác minh, cưỡng chế đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng trên đất... do đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác của Chi cục. Ngoài ra, công tác phối hợp cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án mà đặc biệt là cung cấp thông tin về số dư nợ vay của người phải thi hành án tại các ngân hàng chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án.

- Thứ sáu, năm 2020 số lượng việc và tiền phải thụ lý thi hành án tại Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi tăng đột biến so với những năm liền kề trước đó, với số việc phải thi hành án hơn 2.700 việc và số tiền phải thi hành hơn 700 tỷ đồng, đến thời điểm này của năm 2021, số lượng việc tại Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi phải thụ lý thi hành hơn 1.800 việc, với số tiền hơn 650 tỷ đồng và dự báo từ nay đến cuối năm 2021, số việc phải thụ lý giải quyết tại Chi cục sẽ hơn 3.000 việc, tương ứng với số tiền phải hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó án của các tổ chức tín dụng – Ngân hàng chiếm khoản ¼ số việc và hơn 2/3 số tiền, trong khi đó áp lực về thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ ngành giao quá cao, trong điều kiện biên chế ngày càng bị cắt giảm, đây là một áp lực rất lớn, sự quá tải đối với mỗi chấp hành viên tại Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi.

Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong thời gian tới

Ông Phạm Huy Ân cho biết, trên cơ sở dự báo số việc và số tiền phải thụ lý thi hành án năm 2021 tại Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi tăng đột biến, có khả năng sẽ hơn 3.000 việc và hơn 1.000 tỷ đồng, cộng với phân tích, đánh giá về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự năm 2020, đòi hỏi Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi phải tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tranh thủ tốt sự chỉ đạo của Lãnh đạo Cục THADS tỉnh và Thành ủy, UBND thành phố Quảng Ngãi, tăng cường phối hợp với các đơn vị hữu quan mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, để triển khai tốt nhiệm vụ công tác năm 2021, bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Chi cục THADS thành phố Quảng Ngãi xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là:

- Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống tiêu cực, tham nhũng; nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức ngành Tư pháp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên, gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết nội bộ để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

- Hai là, phải nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý, điều hành của Lãnh đạo Chi cục. Đổi mới công tác quản lý theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành công việc. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho chấp hành viên; phân công lãnh đạo trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo đối với từng chấp hành viên có lượng án lớn, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, nâng cao vai trò trách nhiệm trong hoạt động tổ chức thi hành án, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với những trường hợp người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án, nhằm hướng đến hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

- Ba là, tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm túc chế độ Thủ trưởng cơ quan đơn vị trực tiếp tiếp công dân định kỳ; chú trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thông qua công tác tiếp công dân. Tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp, hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài trên địa bàn.

- Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra tại đơn vị để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, xử lý hoặc đề xuất Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi xử lý nghiêm những cá nhân có vi phạm trong thực hiện các quy định về thi hành án, chạy theo thành tích, thiếu khách quan, trung thực trong việc xác minh, phân loại án, trong thống kê, báo cáo về thi hành án, cố tình trì hoãn, kéo dài, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân.

- Năm là, tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành; kiến nghị Thành ủy và UBND thành phố Quảng Ngãi tiếp tục lãnh đạo Cấp ủy và cơ quan Phòng quản lý đô thị thành phố phới hợp với Chi cục trong cong tác xác minh, cưỡng chế kê biên ài sản là nhà ở và công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan liên quan khác trong tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự trên địa bàn; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính được Cục Thi hành án dân sự giao, đảm bảo kết quả công tác THADS, hành chính năm 2021 ổn định, thực chất./.
                                                                                                                                                        Minh Quân

Các tin đã đưa ngày: