Sign In

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ năm công tác 2021

15/10/2020

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ năm công tác 2021
         Năm 2020, công tác thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh COVID19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, với tình thần nỗ lực quyết tâm, quyết liệt trong công tác, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể: về việc đạt 83,82% (vượt chỉ tiêu Bộ giao 3,82%; vượt chỉ tiêu Tổng cục giao 2,32%); về giá trị đạt 40,36 % (vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục giao 2,36%). Dự báo năm công tác 2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, công tác thi hành án dân sự tiếp tục có số việc và giá trị phải thi hành tăng cao, nhiều vụ việc lớn, phức tạp có thể phát sinh. Để hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2021, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh yêu cầu Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
         1. Chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm công tác 2021; đề ra các giải pháp khắc phục triệt để những vi phạm, thiếu sót và tồn tại, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi chờ quyết định giao chỉ tiêu chính thức của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thuộc tỉnh, tạm giao chỉ tiêu cho các Chấp hành viên của đơn vị mình, nhưng không được thấp hơn chỉ tiêu được giao năm 2020.
         2. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/2017/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác thi hành án dân sự”, Nghị quyết số 31/NQ-BCS của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự, hành chính giai đoạn 2018 - 2021, Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tham nhũng trong THADS; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 29/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; Kế hoạch số 1907/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 05/2017/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.   
         3. Rà soát phân loại, tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện, nâng cao hiệu quả giải quyết thi hành các vụ án về tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, Ngân hàng. Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện nhưng đương sự cố tình chây ỳ, trốn tránh không tự nguyện thi hành án.
         4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao; kịp thời có văn bản báo cáo, kiến nghị người có thẩm quyền có giải pháp để thi hành dứt điểm vụ việc hoặc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.  
          5. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo phương thức “cầm tay chỉ việc, giao rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện”, sâu sát, quyết liệt; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò gương mẫu trong công tác. Thực hiện hiệu quả việc phân công Lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thi hành án dân sự tại địa bàn có lượng án phải thi hành nhiều, có nhiều án lớn, phức tạp, những đơn vị, Chấp hành viên còn nhiều hạn chế, yếu kém; nắm sát tình hình để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
         6. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo THADS cùng cấp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương, triển khai hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan có liên quan.., để thống nhất quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp..; đảm bảo các vụ việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, cưỡng chế giao tài sản.., được an toàn thành công; tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể ở cơ sở, tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự đến người phải thi hành án, gia đình họ và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp về THADS nói chung và tự nguyện chấp hành nghĩa vụ thi hành án dân sự nói riêng.  
          7. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục..; tăng cường đối thoại và nâng cao hiệu tiếp công dân..; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh các vụ việc phức tạp mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tập trung kiểm tra công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án; kế hoạch tài chính, thu chi nghiệp vụ thi hành án, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản thi hành án; tăng cường kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những sai phạm, thiếu sót; chú trọng công tác phúc tra việc thực hiện các kết luận kiểm tra.
         8. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công việc; tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, có chức danh pháp lý bảo đảm đủ về số lượng và đáp ứng về chất lượng. Tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ...  
          9. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm cơ chế “một cửa” và hỗ trợ trực tuyến thi hành án, dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan, đơn vị. Tiếp tục cập nhật. sử dụng phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự theo đúng chỉ đạo của Tổng cục, Cục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị; nghiêm túc thực hiện các quy định đăng tải thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử Cục.
           Các cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ngay các chỉ đạo trên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, phức tạp cần chủ động báo cáo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời. 

 


Theo Văn Phòng Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: