Sign In

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết án tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

27/04/2022

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án, trong thời gian qua Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Nợ xấu ngân hàng (NH) tại Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng là vấn đề nhức nhối, cản trở đáng kể đến mức tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã trở thành tâm điểm quan tâm, lo lắng của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu giảm nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối năm 2015. Thi hành các quyết định, bản án của Toà án liên quan đến các TCTD cũng là một trong hàng loạt các biện pháp để xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự.Vì vậy, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  và dự toán Nhà nước, trong đó đặt ra 3 yêu cầu đối với công tác thi hành án dân sự, một trong 3 yêu cầu: “Tập trung giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án, trong thời gian qua Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Qua quá trình phối hợp thực hiện việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho thấy: đa số các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa tỉnh phối hợp rất tốt với cơ quan thi hành án dân để thu hồi nợ, công tác phối hợp được thể hiện việc cung cấp thông tin, trao đổi, hỗ trợ cơ quan thi hành án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xem xét giảm hoặc miễn lãi suất chậm thi hành án cho người phải thi hành án, như Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng NN &PTNT; Ngân hàng Sài gòn Thương tín….
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có ngân hàng còn mang tư tưởng việc thi hành các vụ án để thu hồi nợ cho họ là trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Do đó, không có sự phối hợp trong việc cung cấp các tài liệu, đặc biệt là “tận thu” khi cơ quan thi hành án đề xuất giảm lãi cho người phải thi hành án;
Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án liên quan đến các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ phụ thuộc rất nhiều người phải thi hành án tự nguyện trả nợ hoặc giữa ngân hàng và bên phải thi hành án thoả thuận với nhau, hoặc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, định giá, bán đấu giá. Tổ chức tín dụng, ngân hàng  có thể thu hồi được nợ sớm hay muộn phụ thuộc vào kết quả thi hành án.
 Mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên phát mại tài sản bảo đảm, nhưng trong quá trình thi hành bản án, quyết định nêu trên vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Có những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật tạo ra, nhưng cũng có nhiều khó khăn do chính bản án và người phải thi hành án tạo ra.
Nhận diện khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
 Khó khăn, vướng mắc.
- Trong quá trình tổ chức thi hành án, người phải thi hành án là Doanh nghiệp thường lợi dụng vào các quy định của Luật Phá sản năm 2014 để nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, nhằm mục đích trốn tránh, kéo dài việc thi hành án;
- Một số bản án, quyết định của Tòa án chưa phân định rõ nghĩa vụ của từng tài sản bảo đảm đối với khoản nợ gốc, nợ lãi; hiện trạng tài sản bảo đảm không đúng với nội dung bản án, quyết định. Nhiều trường hợp, hiện trạng tài sản bảo đảm đến giai đoạn xác minh thi hành án cho thấy không đúng với nội dung của bản án, quyết định dẫn đến khó khăn để áp dụng các biện pháp kê biên, xử lý tài sản; cá biệt có những bản án tuyên kê biên cả quyền sử dụng đất là đất thuê trả tiền hàng năm của doanh nghiệp để đảm bảo việc thi hành án;
- Khó khăn trong việc thẩm định giá: một số vụ việc cơ quan thi hành án đã kê biên tài sản nhưng do đương sự chống đối quyết liệt khi tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá, nhiều vụ việc sau khi có kết quả thẩm định giá, đương sự không đồng ý, có khiếu nại về giá và yêu cầu thẩm định giá lại dẫn đến việc thẩm định giá kéo dài, hoặc do tài sản đã kê biên có tranh chấp, đương sự khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, việc thi hành án có khiếu nại, tố cáo do đó phải tạm dừng để giải quyết khiếu nại, tố cáo nên chưa thể thẩm định giá tài sản để thi hành án;
- Việc định giá ban đầu của tài sản đảm bảo thi hành án, nhất là đối với bất động sản thường khá cao, chưa phù hợp với giá thị trường nên không có người mua, phải giảm giá nhiều lần mới bán được, tâm lý khách hàng mua tài sản phát mãi thường chờ đến khi giá trị tài sản rất thấp mới mua gây thiệt hại cho các bên, nhiều trường hợp giá trị giao dịch rất thấp, không đủ thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
- Tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên “Hộ”, trong khi quá trình xử lý vụ việc, tố tụng, bản án Tòa án chỉ thể hiện chủ thể là cá nhân nên quá trình thi hành án gặp nhiều vướng mắc, tranh chấp, gây khó khăn trong việc phát mãi, đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Tài sản cầm cố, thế chấp là bất động sản nhưng nằm trong phần đất của người khác mà việc xử lý làm giảm đáng kể giá trị tài sản;
- Đối với tài sản thi hành án là động sản (như ô tô, máy móc công trình...), khó quản lý và khó thu hồi để thi hành án theo quy định của pháp luật. Bằng nhiều phương án xử lý, người được thi hành yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp hỗ trợ như: Xác minh hiện trạng tài sản, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để quản lý tài sản,… nhưng thực tế rất khó thực hiện do người phải thi hành án cố tình trốn tránh nghĩa vụ, gây rất nhiều khó khăn đến tiến độ xử lý vụ việc. Có những trường hợp trong quá trình cho vay một số TCTD không thực hiện quản lý và theo dõi tài sản, đến giai đoạn phải thi hành án cơ quan THADS truy tìm tài sản rất mất thời gian, không mang lại hiệu quả, trong khi đó về TCTD lại cho rằng nhiệm vụ đó là trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự.
 -  Khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản: do thị trường bất động sản trầm lắng và do tâm lý e ngại của người dân không muốn đầu tư vào tài sản thi hành án nên việc bán tài sản để thi hành án kéo dài, đa số các trường hợp tài sản phải hạ giá đưa ra bán nhiều lần mới bán được hoặc có trường hợp đã hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua tài sản. Mặt khác, việc giao tài sản bán đấu giá thành cũng là một khó khăn không nhỏ, có vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng việc tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá gặp không ít khó khăn do người phải thi hành án tìm mọi cách chống đối không bàn giao tài sản ảnh hưởng đến quá trình chi trả tiền cho Ngân hàng. Trong khi đó, việc đấu giá tài sản vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong trường hợp liên quan đến người thứ ba hoặc chủ tài sản không hợp tác trong việc bàn giao tài sản cho người mua.
- Một số các ngân hàng là người được thi hành án ý thức trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thi hành án còn hạn chế rất nhiều, như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.
 Nguyên nhân
* Nguyên nhân chủ quan:
- Công tác quản lý, chỉ đạo của một số TCTD vẫn còn chưa chặt chẽ, nhiều chi nhánh TCTD còn để xảy ra hiện tượng chưa tuân thủ đúng quy trình, quy định dẫn đến khách hàng mất khả năng thanh toán; cán bộ tín dụng, ngân hàng thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động tố tụng và thi hành án.
- Một số bản án, quyết định của Tòa án còn bị kéo dài, chủ yếu là do các TCTD chưa làm tốt công tác thẩm định lúc cho vay, nhiều trường hợp TCTD không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản định giá cao hơn giá trị thực, gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác minh tài sản của ai, ở đâu và thực trạng tài sản thế chấp như thế nào, vị trí, diện tích đất? nên đến giai đoạn thi hành án rất khó do không xác minh được mốc giới. Do đó, làm kéo dài thời gian xử lý của Tòa án.
- Ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong một số cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD chưa cao, cá biệt có TCTD coi đây là trách nhiệm đương nhiên của Cơ quan thi hành án dân sự.
Một số TCTD được Chấp hành viên vận động thuyết phục nhận lại tài sản đã giảm giá nhiều lần không bán được, để trừ vào khoản vay nhưng TCTD không nhận. Do đó, cũng làm hạn chế khả năng thi hành án đối với những trường hợp tài sản không bán được;
- Đối với nghĩa vụ nộp phí thi hành án theo quy định: Có nhiều vụ việc sau khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý và tổ chức thi hành án, thực hiện đôn đốc việc thi hành án và các thủ tục pháp lý khác, người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành án bằng phương pháp nộp tiền tại Ngân hàng, nhưng Ngân hàng không thông tin lại cho cơ quan Thi hành án, trái lại còn thực hiện các biện pháp nhằm trốn tránh việc nộp phí thi hành án.
* Nguyên nhân khách quan:
- Về ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA: Đa số trường hợp người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến TCTD gần như đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản, nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách, như: cố tình không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan THADS tiến hành xác minh tài sản, cản trở việc tổ chức kê biên tài sản để thi hành án bằng cách cố tình vắng mặt khỏi nơi cư trú, kiên quyết không cho Chấp hành viên vào nhà, đất để thực hiện việc xác minh thực tế, có lời lẽ hành vi nhằm đe dọa Chấp hành viên, đưa tài sản là động sản (như xe máy, ôtô, tàu thuyền, máy móc…) đi khỏi địa phương, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý. Nhiều tài sản được thế chấp của các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, Công ty cổ phần… đến khi xử lý thì khấu hao tài sản không còn nhiều giá trị sử dụng để đảm bảo thu khoản nợ cho TCTD và các doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động, người đại diện theo pháp luật thay đổi liên tục, hoặc không hợp tác, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trốn tránh không làm việc, nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan THADS và Chấp hành viên.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người phải thi hành án khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án.
Một số trường hợp tài sản bảo đảm của người thứ ba (mà bản thân họ không phải là người phải thi hành án) tỏ rõ thái độ chống đối quyết liệt, thậm chí tìm mọi cách để chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác, thay đổi hiện trạng, hủy hoại tài sản nhằm mục đích trốn tránh việc thi hành án.
- Từ công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan như Toà án, Công an, Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương chưa thật sự hiệu quả.
- Tài sản đã kê biên nhưng chưa bán được do đang thẩm định giá, đang thông báo hoặc giảm giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua; đang xác minh tài sản để tiến hành kê biên tài sản khách hàng thi hành án.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như đang trong thời hạn khách hàng tự nguyện thi hành án; đang tạm hoãn do có tranh chấp giữa chủ TSĐB cũ và chủ TSĐB mới; chủ tài sản không hợp tác giao tài sản, người phải thi hành án cố tình chống đối, không tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án bỏ đi khỏi nơi cư trú, nơi đăng ký kinh doanh.
Giải pháp
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác THADS, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao tỷ lệ kết quả thi hành liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, cần thực hiện các giải pháp sau:
Đối với các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh.
- Trong quá trình thụ lý, các cơ quan THADS cần kiểm tra kỹ nội dung bản án, phải đọc nguyên văn bản án để từ đó phát hiện ra những điểm chưa rõ ràng, không thống nhất, mâu thuẫn tránh trường hợp thụ lý xong mới phát hiện ra thì việc xử lý là khó khăn, kéo dài việc thi hành án (Trong trường hợp cần thiết có thể xác định qua tài sản thế chấp xem có trùng khớp với bản án tuyên hay không).
- Sau khi kê biên việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá (TĐG) và bán đấu giá (BĐG) là quan trọng, các Chấp hành viên phải thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn tránh trường hợp lựa chọn tổ chức TĐG hoặc BĐG không có chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ dẫn đến kết quả bị hủy.
- Tăng cường công tác rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có đủ điều kiện thi hành án cần chỉ đạo Chấp hành viên và Chi cục thi hành án tổ chức thi hành án dứt điểm, đẩy nhanh việc thi hành các vụ án còn tồn đọng, góp phần sớm thu hồi nợ, giảm nợ xấu và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho TCTD;
- Tập trung chỉ đạo điểm một số vụ việc có giá trị thi hành lớn, các vụ việc mà tài sản bảo đảm ở nhiều nơi. Đặc biệt là các vụ việc có tài sản ở các tỉnh khác ngoài địa bàn cần phải xử lý nhanh, đúng pháp luật đối với tài sản trong tỉnh để thực hiện việc ủy thác theo quy định đến các cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh khác (từ ngày 01/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về ủy thác thi hành án);
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc kịp thời chỉ đạo các Chi cục THA trong việc thực hiện các bản án. Đưa ra các biện pháp thiết thực đẩy nhanh tiến độ xử lý những vụ việc mà NHNN Chi nhánh tỉnh đưa ra. Trường hợp không xử lý được có thể đưa ra để Ban chỉ đạo THADS tỉnh có hướng giải quyết;
- Xây dựng các biện pháp chế tài hữu hiệu để xử lý trong các trường hợp người phải thi hành án không có thiện chí hợp tác, cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ;
- Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh và Cục THADS tỉnh; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời chỉ đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
- Tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng, TCTD là người được thi hành án thực hiện các nội dung theo Quy chế phối hợp của Trung ương và của tỉnh nhằm thi hành các vụ việc thuộc án tín dụng, ngân hàng;
- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự trong công tác tổ chức thi hành án dân sự nói chung và công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng;
- Thường xuyên cập nhật các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp báo cáo về Cục Thi hành án dân sự tỉnh để có hướng chỉ đạo kịp thời;
- Kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh các vướng mắc cụ thể trong quá trình tổ chức thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng cụ thể để giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh này.
Đối với các TCTD
- Các TCTD cần cẩn trọng hơn nữa trong việc ra quyết định cho vay, ký kết Hợp đồng tín dụng; khi nhận tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất cần phải cân nhắc, tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần.
- Các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc rà soát và tổ chức thi hành án, đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, các TCTD cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành.
Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: