Hết thời hạn hoãn thi hành án, ông T vẫn tiếp tục không nhận được hồi âm từ phía Công ty Toàn Thế giới về việc trả lại số tiền cho mình và không có quyết định tiếp tục thi hành án từ phía cơ quan THADS. Do vậy, ông T lại gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 4/7/2017, ông T nhận được Công văn số 13/VKSTC-V5 của VKSNDTC với nội dung hoãn thi hành án tiếp 3 tháng nữa. Việc hoãn thi hành án này khiến cho ông T vô cùng mệt mỏi vì phải chờ đợi xử lý thi hành án trong một thời gian dài mà không có kết quả.
Chỉ hoãn thi hành án khi Tòa yêu cầu
Thực tiễn thực hiện quy định hoãn thi hành án, nhất là trong trường hợp Tòa án thụ lý giải quyết theo Điều 75 Luật THADS, đã phát sinh một số băn khoăn, vướng mắc. Cụ thể, tài sản thế chấp đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý để đảm bảo việc thi hành án, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn thi hành án hay không. Đồng thời, tài sản được xác định của người phải thi hành án, cơ quan THADS đã thực hiện việc kê biên, bán đấu giá thành, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hay không?. Trước những vướng mắc này, một số địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS.
Để tháo gỡ cho các địa phương, Tổng cục THADS đã hướng dẫn cách giải quyết. Theo đó, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo việc thi hành án nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án nếu có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì cơ quan THADS không hoãn thi hành án (việc xử lý tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo phán quyết của Tòa án). Bởi thế, cơ quan THADS chỉ hoãn việc thi hành án trong trường hợp có Tòa án có yêu cầu.
Trường hợp thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật THADS thì chấp hành viên chỉ tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Về nguyên tắc, cơ quan THADS chỉ tiến hành kê biên khi có căn cứ pháp luật (như giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) xác định hoặc chứng minh tài sản đó là của người phải thi hành án. Vì vậy, theo quy định của Điều 75 Luật THADS nếu có tranh chấp về quyền sở hữu thì cơ quan THADS thông báo cho người đó tranh chấp biết trong thời hạn 30 ngày để khởi kiện ra Tòa án. Hết thời hạn nếu không có ai khởi kiện thì chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản.
Trong quá trình cơ quan THADS xử lý tài sản nếu Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế thì lúc này, cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tài điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS.
Trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành Tòa án mới thụ lý việc tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá thành thì cơ quan THADS không hoãn thi hành án và tiếp tục tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS, Điều 113 Bộ luật Dân sự và Điều 7 Luật Đấu giá tài sản.