Có hai quan điểm cho rằng:
Quan điểm thứ nhất: Đối với các quyết định về thi hành án hoặc liên quan đến việc thi hành án của Cơ quan thi hành án, người đứng đầu các Cơ quan thi hành án và của các Chấp hành viên tại các cơ quan thi hành án đều không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính vì: Cơ quan thi hành án không phải là cơ quan hành chính nhà nước; Các cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền trong cơ quan thi hành án được điều chỉnh và xử lý theo Luật thi hành án, nếu trường hợp phát sinh tranh chấp (cá nhân với cơ quan hay người đứng đầu cơ quan thi hành án) sẽ được giải quyết bằng vụ án dân sự.
Quan điểm thứ hai: Đối với các quyết định về thi hành án hoặc liên quan đến việc thi hành án của Cơ quan thi hành án, người đứng đầu các Cơ quan thi hành án và của các Chấp hành viên tại các cơ quan thi hành án đều là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính vì:
Hiện nay mặc dù Luật thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2016 của Chính phủ không quy định cụ thể Cơ quan thi hành án dân sự là Cơ quan nhà nước. Tuy nhiên căn cứ theo đặc điểm của Cơ quan hành chính nhà nước thì… Tất cả các cơ quan có mối quan hệ chặt chẽ (trực thuộc trên - dưới, quan hệ ngang cấp) có trung tâm chỉ đạo là Chính phủ, căn cứ vào hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thì ở trung ương có Bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác trực thuộc Chính phủ; ở địa phương: UBND các cấp, Chủ tịch UBND,… Tổng cục thi hành án dân sự là Cơ quan trực thuộc và chịu sự quản lý của Bộ tư pháp mà Bộ tư pháp nằm trong hệ thống bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Như vậy đương nhiên Cơ quan thi hành án dân sự được thành lập, tổ chức, quản lý tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương (theo hệ thống từ trên xuống) đều là Cơ quan nhà nước.
Do vậy các quyết định về thi hành án hoặc liên quan đến việc thi hành án của Cơ quan thi hành án, người đứng đầu các Cơ quan thi hành án và của các Chấp hành viên tại các cơ quan thi hành án đều là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Những quan điểm khác nhau nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quá trình thụ lý án, có Tòa án thụ lý vụ án hành chính, có Tòa án lại thụ lý vụ án dân sự.
Trên đây là một số quan điểm khác nhau về việc xác định Quyết định thi hành án hoặc liên quan đến việc thi hành án của Cơ quan thi hành án có phải là quyết định hành chính và có thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía bạn đọc để việc áp dụng pháp luật đươc thống nhất, tránh để tình trạng khi có tranh chấp xảy ra, mỗi Tòa án lại xác định và thụ lý loại án khác nhau, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Ngô Thị Vỹ
Theo Trang TTĐT Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang